Trước đó, ngày 4-5, khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận hai bệnh nhân trong một gia đình gồm Đinh Văn T. (39 tuổi) và Đinh Thị N. (38 tuổi), dân tộc Ca Dong, ngụ xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, trong tình trạng ngộ độc nấm nặng.
Theo hồ sơ bệnh án, gia đình anh T. vào rẫy và hái nấm có màu trắng, vừa mọc sau mưa, về chế biến món ăn tối. Sau bữa ăn khoảng 12 tiếng đồng hồ, lần lượt hai vợ chồng và con gái có biểu hiện đau bụng, nôn mửa ra máu, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng. Ba người con còn lại trong gia đình do không ăn nấm nên không bị ngộ độc.
Cả hai vợ chồng anh T. và con gái được người thân đưa vào Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu sau khoảng 15 giờ sau ăn nấm và được điều trị hai ngày. Sau đó, cháu bé được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, còn hai vợ chồng anh T. được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị.
BSCKII Hà Sơn Bình, phụ trách Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết, bệnh viện tiếp nhận người vợ trong tình trạng rối loạn tri giác, sau đó hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan cấp, suy thận cấp. Người chồng triệu chứng ngộ độc xảy ra chậm hơn, tỉnh táo, tiếp xúc được, tổn thương gan. BS Bình cho biết thêm, hiện các y, bác sĩ đang tích cực điều trị, thải độc qua đường tiêu hóa và tiết niệu cho hai bệnh nhân này. Tuy nhiên, người vợ diễn tiến nặng, nhiễm độc gan nặng, suy gan cấp nên phải thay huyết tương, lọc máu liên tục, thở máy.
Trưa 6-5, trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, bệnh nhi 12 tuổi, con của vợ chồng anh T. hiện hôn mê, suy gan cấp, suy thận cấp, lọc máu liên tục và thở máy, tiên lượng xấu. Các bác sĩ bệnh viện đang nỗ lực hết sức chữa trị cho bệnh nhi này.
BS Bình cho biết, tùy theo từng loại nấm mà xuất hiện triệu chứng ngộ độc trước 6 giờ hoặc xuất hiện muộn từ 6 đến 40 giờ sau khi ăn. Những trường hợp ngộ độc sau 6 giờ hoặc muộn hơn có tổn thương gan, thận, tiên lượng nặng hơn. Ngộ độc nấm thường gây đau bụng, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng, toàn thân mệt mỏi, da xanh tái, co giật, khó thở… Thậm chí, độc tố của một số loại nấm có thể gây liệt thần kinh, phá hủy tế bào gan, thận, dẫn đến hôn mê, Tu vong. Những trường hợp ngộ độc nấm, suy gan cấp, điều trị nội khoa thường thất bại, chỉ có biện pháp duy nhất là ghép gan. Tuy nhiên, việc ghép gan thường rất khó khăn do chi phí cao, khó tìm được gan tương thích để ghép và không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được. Vì thế, việc cấp cứu ban đầu các ca ngộ độc nấm rất quan trọng. Do đó, sau khi có biểu hiện ngộ độc, người dân cần nhanh chóng thải độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn để nôn sạch toàn bộ thức ăn hoặc dùng than hoạt tính có tác dụng làm giảm chất độc, sau đó đến ngay cơ sở y tế có đủ năng lực chuyên môn để điều trị sớm.
“Người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm màu trắng hoặc có màu sắc sặc sỡ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc”, BS Bình khuyến cáo.
Chủ đề liên quan:
ba người biển đảo bình luận Bình luận Phê phán di sản diễn đàn điều tra qua thư bạn đọc du lịch gia đình giải pháp giáo dục góc nhìn thứ hai hà nội kinh tế lây từ mẹ sang con ngộ độc ngộ độc nấm người trong gia đình nhân ái phát ngôn