Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Người đem cơ thể mới cho các bệnh nhân vẹo cột sống

MangYTe - BS Hồ Nhựt Tâm nói rằng, việc mình chọn nghề y như một cơ duyên bởi ba anh cũng làm nghề này. Tuy nhiên, cơ duyên thật sự đến với anh khi được gặp GS Võ Văn Thành. Và cơ duyên ấy đã mang lại cho anh những thành công nhất định trong nghề nghiệp…

Từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công hàng trăm bệnh nhân bị vẹo cột sống. Đây là những ca phẫu thuật được đánh giá là rất khó và phức tạp.

Và người trực tiếp tham gia vào quá trình lấy lại dáng hình đẹp cho những bệnh nhân đó là BSCK II Hồ Nhựt Tâm - Trưởng đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương.

BSCK II Hồ Nhựt Tâm - người đem lại cuộc sống mới cho các bệnh nhân bị vẹo cột sống. Ảnh: Kim Vân

"Cảm ơn bác sĩ đã giúp con có một cơ thể mới, một cuộc sống mới"

Cho đến tận bây giờ, Nguyễn Hải Đăng (17 tuổi, quê Vĩnh Long) vẫn không thể quên buổi sáng đầu tháng 1/2020 ấy. Suốt 17 năm vẹo cột sống, lưng bị còng, Hải Đăng đã được BS Hồ Nhựt Tâm và GS Võ Văn Thành - Cố vấn Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương mổ nắn thẳng lưng giúp tăng thêm 8cm (từ 1m44 lên 1m52).

Nguyễn Hải Đăng đã đi lại bình thường, trò chuyện cởi mở với mọi người. Em bảo sau mổ, em thấy mình khỏe hơn, từ giờ không sợ hàng xóm và mọi người cười chê nữa. Đăng rưng rưng xúc động nói: "Con cảm ơn bác sĩ đã giúp con một cơ thể mới, một cuộc sống mới".

Trước đó, Hải Đăng bị mắc hội chứng Marfan (tay chân dài bất thường), vẹo cột sống từ lúc mới sinh, đến khi 6 tuổi người nhà mới đưa đi khám ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TPHCM). Tại đây, Đăng được chẩn đoán vẹo cột sống rất nặng, kèm theo suy dinh dưỡng không mổ được nên người nhà chuyển sang Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM. Đăng mang áo nẹp được 1 năm nhưng không hữu hiệu nên tự bỏ áo nẹp, khiến vẹo và còng cột sống ngày càng nặng thêm, đi lại khó khăn.

Trong một lần coi tivi, chị Trần Thị Phượng – mẹ của Hải Đăng thấy BS Hồ Nhựt Tâm có chia sẻ về một ca mổ vẹo cột sống thành công nên chị đã đưa con đến Bệnh viện Trưng Vương thăm khám.

Hải Đăng trước và sau phẫu thuật. Ảnh: Kim Vân

Ngày 7/10/2019, Đăng được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lần 1.

Đến ngày 21/10/2019, BS Hồ Nhựt Tâm cùng các đồng nghiệp đã tiến hành phẫu thuật lần 2 cho Đăng. Họ đã phải đứng suốt 11,5 giờ phẫu thuật kéo dài để nắn chỉnh, hàn xương giúp thay đổi hình dạng cột sống của bệnh nhân.

Được biết, Hải Đăng chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân được BS Hồ Nhật Tâm cùng đồng nghiệp mổ vẹo cột sống thành công. Trước đó, BS Tâm đã tham gia phẫu thuật cho nhiều ca vẹo cột sống rất nặng.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời y nghiệp, BS Hồ Nhựt Tâm cho biết, đó là kỷ niệm về ca mổ với bệnh nhân Nguyễn Lê Hải Phụng (20 tuổi, quê Tiền Giang, là sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM).

Hải Phụng có khuôn mặt rất xinh xắn nhưng em bị vẹo cột sống do sẹo có rút. Biến chứng cột sống khiến cô gái ngồi chỉ được 10 phút thì đau lưng dữ dội, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và học tập hàng ngày.

Sau khi đưa con gái đi chạy chữa khắp nơi từ Nam ra Bắc, thậm chí đã sang cả Singapore, mẹ của Hải Phụng cảm thấy tuyệt vọng khi bác sĩ chẩn đoán Hải Phụng như bị gãy hai đốt sống, chi phí phẫu thuật lên đến 100.000 USD. Do vậy, mẹ con cô đành về nước trong tâm trạng thất vọng và bế tắc.

Trong lúc mệt mỏi, bố mẹ Hải Phụng tình cờ đọc qua báo chí biết đến Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương. Họ đã đưa con mình đến đây với hy vọng sẽ được cứu chữa. Và họ đã đặt niềm tin đúng chỗ.

Sau mổ, Hải Phụng đã quay lại được giảng đường với một hình dáng đẹp. Ca mổ của Phụng được bảo hiểm y tế hỗ trợ 104 triệu đồng, gia đình bỏ ra gần 200 triệu đồng để mua ốc vật tư từ Mỹ phục vụ cho ca mổ. Tuy nhiên, nếu ca này phẫu thuật bên Mỹ, người nhà bệnh nhân phải trả ít nhất 350.000 USD.

Theo BS Hồ Nhựt Tâm, trường hợp Hải Phụng là ca bệnh cực hiếm, rất khó để phẫu thuật, độ rủi ro cao, phải mổ 2 lần, chưa có báo cáo trong y văn thế giới, lại thực hiện đầu tiên tại Việt Nam. Sau thành công ca đặc biệt này, Đơn vị cột sống Trưng Vương đã trở thành địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân bị bệnh cột sống cần chữa trị.

Luôn đăm đắm lo cho các bệnh nhân

Nguyễn Lê Hải Phụng tặng hoa BS Hồ Nhựt Tâm nhân ngày Thầy Thu*c Việt Nam 27/2. Ảnh: NVCC

BS Hồ Nhựt Tâm quê ở Long An, tốt nghiệp tại Đại học Y Dược TPHCM và đã gắn bó với nghề bác sĩ được hơn 20 năm. Anh nói rằng việc mình chọn nghề y như một cơ duyên bởi ba anh cũng là bác sĩ. Từ nhỏ, anh Tâm hay theo ba đi khám bệnh và thấy ông khâu vết thương cho những bệnh nhân bị T*i n*n (giao thông, lao động...) để cứu giúp mọi người, anh đã tâm niệm sau này sẽ nối tiếp nghiệp của ba.

Trong suốt buổi trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS Tâm thường xuyên nhắc đến GS Võ Văn Thành - người thầy anh vô cùng kính mến cả về tài và đức. Theo đó, GS Thành là cơ duyên may mắn anh có được bởi thầy là chuyên gia chuyên gia phẫu thuật cột sống hàng đầu Việt Nam, có những sáng kiến độc đáo trong điều trị, được nhiều nước vận dụng.

Theo BS Hồ Nhựt Tâm, anh mến mộ GS Võ Văn Thành bởi tài năng nhưng quan trọng hơn là nhân cách sống. GS Thành có lối sống giản dị, rất thương yêu, quan tâm và chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần với bệnh nhân.

Trước mỗi ca phẫu thuật, BS Tâm thường tìm hiểu về gia cảnh bệnh nhân để nếu có khó khăn quá, anh cùng GS Thành sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ bệnh nhân sao cho chi phí thấp nhất. Ngoài ra, anh cũng tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bệnh nhân để động viên họ vượt qua mặc cảm để phẫu thuật.

BS Hồ Nhựt Tâm và người thầy anh kính mến - GS Võ Văn Thành. Ảnh: NVCC

BS Tâm vẫn nhớ mãi trường hợp bệnh nhân L.N.Q (15 tuổi, quê ở Kiên Giang), bị vẹo cột sống 3 khúc, vùng cong nặng nhất đến 110 độ khiến cột sống của em trông như hình ảnh "múa lụa". Bên cạnh đó, mạch đập của em lên đến 150, gấp đôi so với bình thường kèm theo tình trạng suy dinh dưỡng nặng, bệnh nhân chỉ nặng 36kg. Trước khi phẫu thuật, khuôn mặt Q lúc nào cũng u buồn, tỏ ra chán nản, mặc cảm về bản thân, BS Tâm đã phải động viên em rất nhiều.

BS Tâm cùng đồng nghiệp đã mất 9 tháng để đồng hành cùng bệnh nhân, giúp bệnh nhân ổn định tim mạch, bổ sung dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng thở cho Q.

Trải qua hơn 7 giờ phẫu thuật, vùng lưng của Q được nắn chỉnh hơn 60%, vùng cong nặng nhất từ 110 độ xuống còn 40 độ, chiều cao của Q tăng thêm 7cm. Việc này giúp bệnh nhân có được hình dáng lưng thẳng, đi lại được bình thường, em trở lên tươi vui và tự tin hòa nhập với cuộc sống. Đó là niềm vui lớn của BS Tâm và các đồng nghiệp.

Theo BS Tâm, đối với vẹo cột sống ở trẻ, nếu dưới 20 độ được coi là nhẹ, chỉ cần theo dõi kết hợp với các bài tập vận động, còn từ 20 đến 40 độ là mức trung bình cần phải đeo nẹp hoặc mặc áo chỉnh hình, trên 40 độ là mức độ nặng cần phải can thiệp phẫu thuật để không ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Sau nhiều thành công đạt được với những ca mổ vẹo cột sống khó, phức tạp do hội chứng Marfan, bẩm sinh, vô căn... bằng phương pháp VVT (Võ Văn Thành), TS (Tateru Shiraishi - Giáo sư người Nhật Bản), BS Hồ Nhựt Tâm trở nên trầm ngâm khi nói về những rủi ro, biến chứng của các ca mổ vẹo cột sống. "Nghề phẫu thuật cột sống rất khó. Nó đòi hỏi người bác sĩ phải kiên nhẫn, đam mê cứu người thì mới theo đuổi được", anh nói.

Kim Vân

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/nguoi-dem-co-the-moi-cho-cac-benh-nhan-veo-cot-song-20200630133111829.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY