Cùng với nhiều tiện ích thì việc sử dụng máy tính quá nhiều cũng mang đến nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe, đặc biệt là xương khớp và thị giác.
Mới đây, website chính
thức của Sở Y tế và Hội Liên hiệp Y sĩ toàn quốc của Đài Loan đã có bài
viết giới thiệu về vấn đề này, dựa trên tham khảo ý kiến của BS
Lương Tuệ Văn, Khoa Phục hồi chức năng bệnh viện trực thuộc ĐH quốc lập
Đài Loan. Thông tin trên tma.tw.
Sự khác biệt giữa màn hình máy tính và giấy
Cùng là phương tiện tiếp nhận việc đọc, nhưng giao diện màn
hình máy tính và mặt giấy truyền thống có sự khác biệt khá lớn. Màn hình
máy tính dùng ống tia âm cực (Cathode Ray Tube) phóng tia điện tử va
đập vào mặt chất Phosphor trên màn hình để phát sáng, hiển thị hình ảnh
thì sử dụng quét mành (raster scanning). Vì vậy, các tình trạng về độ
sáng, độ tương phản, nhấp nháy hay không của nội dung hoặc chữ viết hiển
thị trên màn hình chịu tác động của rất nhiều nhân tố.
Trong điều
kiện ánh sáng bên ngoài, giấy là một bề mặt phản xạ rất ổn định, hơn
nữa chủ yếu ngồi đọc trên mặt bàn, không có vấn đề về chói sáng (glare),
cũng không bị ánh sáng bên ngoài làm ảnh hưởng đến độ tương phản.
So
với giấy, khi sử dụng màn hình, nếu hướng ánh sáng không đúng, có thể
gây chói, hoặc do quá sáng, mà ngược lại làm giảm độ tương phản của mặt
chữ và nền màn hình, ảnh hưởng đến mức độ rõ ràng.
Ảnh hưởng của bàn phím đến hệ thống cơ và xương
Người sử dụng máy tính thường xuyên dùng đến bàn phím để
đánh máy, động tác này lặp đi lặp lại nhiều lần, gây ảnh hưởng cho cơ và
xương khớp, biểu hiện ra dưới các phương diện sau:
Tư thế: Thiết
kế bàn phím thông thường khiến cổ tay người sử dụng hướng vào trong, mu
bàn tay gập uốn về phía lưng (dorsiflexion), và nghiêng về phía trụ, lâu
dần sẽ gây căng cơ, tuần hoàn máu kém, thậm chí làm tăng áp lực trong
ống cổ tay, đè nén dây thần kinh.
Ngoài ra, nếu vị trí bàn phím quá cao,
sẽ khiến vai phải nâng lên, cơ cổ ở trong trạng thái căng cứng. Độ
nghiêng của bàn phím cũng sẽ ảnh hưởng đến tư thế, quy định của Cục Tiêu
chuẩn quốc gia Mỹ là 0-25 độ, khi góc nghiêng quá lớn, sẽ khiến mu bàn
tay phải cong gập quá mức, có nghiên cứu cho thấy, để bàn phím nghiêng
về phía trước có thể khiến cổ tay giữ được thẳng.
Động tác mang
tính lặp lại: Những người nhập dữ liệu, hàng ngày phải gõ bàn phím hơn
10.000 lần, thực hiện động tác có tính lặp lại trong thời gian dài, lại
nghỉ ngơi không đủ, sẽ khiến mô mềm của chi trên phải chịu tải quá
nhiều.
Dùng lực: Nghiên cứu chỉ ra, phần lớn mọi người dùng lực gõ bàn phím vượt quá so với yêu cầu thiết kế, có thể gấp 5 lần trở lên.
Áp
lực cơ học cục bộ: Khi gõ bàn phím, nếu để cổ tay dựa trên các cạnh
cứng của bàn phím, áp lực cục bộ tăng cao, sẽ dẫn tới tuần hoàn kém, ảnh
hưởng cơ gân và dây thần kinh. Có loại bàn phím có thêm miếng kê cổ tay
(wrist rest), nhằm giúp cổ tay giảm bớt cong gập quá mức, nhưng vẫn
không thể giảm bớt được áp lực mang tính tiếp xúc cục bộ của phần cổ
tay, do đó nên cẩn trọng khi sử dụng.
Các vấn đề sức khoẻ thường gặp
Theo các tài liệu nghiên cứu liên quan của nước ngoài, thường xuyên sử dụng máy tính có thể gây nên nhiều nguy hại, bao gồm:
Thị giác
Khi
sử dụng máy tính, mắt phải nhìn vào màn hình trong thời gian dài, rất
nhiều cuộc điều tra cho thấy, phần lớn người sử dụng máy tính thường
xuyên phàn nàn mắt mờ, mắt khô, nhức mỏi, mức phổ biến của các triệu
chứng kích ứng mắt có thể lên tới trên 50%. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa
có đủ chứng cứ cho thấy, sử dụng máy tính trong thời gian dài sẽ dẫn
tới cận thị hay các vấn đề nghiêm trọng khác về thị lực.
Các
nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới gánh nặng thị giác bao gồm: thời gian
người sử dụng nhìn màn hình, cự ly vị trí và góc độ đặt màn hình, độ
sáng và góc độ của nguồn sáng bên ngoài, chất lượng hình ảnh của màn
hình như thiết lập về độ nhấp nháy, độ tương phản, độ sáng và độ phân
giải, và cả nhân tố thị lực và mắt kính sử dụng của cá nhân, v.v.
Hệ thống cơ xương
Đây
là vấn đề đáng quan tâm nhất đối với người sử dụng máy tính. Duy trì tư
thế ngồi lâu sẽ gây ra các vấn đề về cơ và xương, bao gồm căng cơ xương
bả vai, duỗi đốt sống cổ và đốt sống lưng quá mức, co cơ ngực, căng cơ
gấp cẳng tay, trong đó bộ phận đau mỏi nhất là cổ và vai.
Vấn đề tia bức xạ
Theo
các nghiên cứu hiện nay cho thấy, trong các trường hợp thao tác thông
thường, mức độ tiếp xúc với các loại bức xạ của ngưởi sử dụng máy tính
thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép theo quy định, không đủ để gây
nguy hại rõ rệt cho cơ thể. Cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng
tỏ phụ nữ sử dụng máy tính sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay gây
xảy thai, thai nhi dị dạng.
Các triệu chứng khác
Các
ion âm trong không khí xung quanh khu vực máy tính sẽ bị tĩnh điện hút
vào bề mặt màn hình, gây mất cân bằng ion âm dương trong môi trường xung
quanh, dẫn tới người thao tác máy tính có các triệu chứng như đau đầu,
mệt mỏi, các triệu chứng về hô hấp và da..
Cách khắc phục
Mặt bàn: Khi ngồi vào bàn, đùi phải để bằng phẳng, không
được để kẹt dưới gậm bàn; các vật dụng thường dùng trên bàn nên đặt ở vị
trí có thể dễ dàng với tay tới được, mà không cần khom lưng.
Màn
hình: phải đặt thẳng trước mặt, khoảng cách với mắt ít nhất bằng độ dài
một cánh tay duỗi (40cm), nếu cự ly này mà vẫn nhìn không rõ, chứng tỏ
phải điều chỉnh lại số mắt kính của bạn.
Độ cao của màn hình phải thấp
hơn tầm mắt bạn khi nhìn ngang, thậm chí góc nhìn có thể xuống dưới 40
độ. Cần chú ý nguồn sáng, có thể đặt một chiếc gương nhỏ phía trước màn
hình để kiểm tra liệu có thể nhìn thấy vật thể sáng hoặc nguồn sáng từ
trong gương, điều chỉnh màn hình để nhìn thấy ít ánh sáng nhất, để giảm
nhiễu.
Bàn phím: Vị trí của bàn phím cũng phải ở thẳng trước mặt,
độ cao tốt nhất là khi bạn để tay lên bàn phím, cánh tay có thể đặt
xuống nhẹ nhàng, sát vào hai bên cơ thể, khuỷu tay gập khoảng 90 độ.
Con
chuột: Đặt cao ngang với bàn phím, không nên để quá cao, cố gắng để con
chuột ở vị trí gần đường giữa của cơ thể, nhất là những người làm công
việc đồ hoạ máy tính thường xuyên phải sử dụng chuột.
Theo Hiểu Thư - Zing.vn