Nhịp cầu nhân ái hôm nay

Những việc làm thế nào là trộm cắp, Trộm cắp tạo nghiệp gì?

Theo lời Phật dạy, trộm cắp là nghiệp cần phải tránh xa, nếu tâm trộm cắp sẽ phải gánh nghiệp khôn lường. Nhà Phật cũng khuyên mọi người không được tham, sân, si.

Câu chuyện quả báo của việc trộm cắp đáng suy ngẫm

Tại một ngôi chùa trên núi cao có một vị sư già trụ trì. Xa xa là xóm dân ở rải rác. Một hôm, có nhà kia bị mất con bò. Người chồng đi vắng, người vợ đi tìm bò, nhìn lên vườn sau nhà chùa thấy thấp thoáng hình dáng con bò của mình đang đứng, nhưng không tiện một mình lên đòi, bèn chờ chồng về nói cho biết là cô ta trông thấy con bò có vẻ như bị buộc trên vườn chùa. Người chồng bèn lên chùa đòi bò. Vị sư trả lời là ông không hề lấy bò, không hề buộc bò vào vườn nhà chùa, nhưng có lẽ vì buổi trưa ông giặt y vàng hoại sắc, phơi trên hàng rào, nhìn xa trông giống da bò nên vợ anh này tưởng lầm chăng. Anh hàng xóm không chịu, đem việc lên cáo quan.

Quan phủ cho mời vị sư lên, hỏi:

- Thầy có lấy bò của người này chăng?

Vị sư trả lời:

- Thưa không.

Quan hỏi:

- Thế thì Thầy bị oan à?

Sư trả lời:

- Không oan.

Quan hỏi:

- Không oan thì Thầy có lấy trộm bò à?

Sư trả lời:

- Tôi không lấy trộm bò.

Quan hỏi:

- Không lấy trộm bò, vậy là Thầy oan chứ gì?

Sư lại trả lời:

- Không oan.

Ông quan giận dữ bèn ra lệnh tống giam vị sư vào nhà tù.

Vị sư già có một đệ tử, nghe tin Thầy bị ở tù, bèn tới thăm hỏi:

- Thầy ơi, con tin chắc là Thầy oan, sao không minh oan mà để đến nỗi bị tù thế này?

Vị sư nói:

- Không oan.

Người đệ tử ngớ người ra hỏi:

- Không oan thì Thầy ăn cắp bò à?

Vị sư trả lời:

- Ta không ăn cắp bò.

Vị đệ tử vò đầu:

- Thầy nói thế thì con không sao hiểu nổi.

Chừng đó vị sư mới từ tốn:

- Con ơi! Cái mà ta đang nhận chỉ là quả báo thôi. Ta trì giới hạnh tinh nghiêm như thế mà bị nỗi oan này thì hẳn là trong thời quá khứ ta đã từng ăn trộm, nay phải trả quả báo đây mà. Nhân đã gây thì phải lĩnh quả, để đền cái tội mình đã phạm, dù là trong quá khứ lâu xa....

Thế mới biết, khi được hỏi rằng: "Người đại tu hành có rơi vào Nhân quả chăng?", Ngài Bá Trượng đã trả lời rằng: "Người đại tu hành không lầm Nhân quả" (Bất muội nhân quả). Bởi vậy, muốn thoát khỏi mọi khổ ải do quả báo từ những nhân xấu ác mình đã tạo từ vô lượng kiếp thì chỉ có một cách là phải tu hành tinh tấn, tịnh hóa nghiệp chướng mới mong ra khỏi được vòng luân hồi sinh tử, rốt ráo giải thoát.

Phật tử quan niệm thế nào là trộm cắp

Cướp lấy: Là dùng sức mạnh mà đoạt tài vật của người khác một cách ngang nhiên, công khai, ngay trước mặt khổ chủ, mặc kệ những sự chống đối, van xin của họ.

Trộm lấy: Là tránh né sự có mặt của chủ món tài vật, hoặc là lựa lúc họ không chú ý, lén lút lấy đem đi.

Hăm dọa để đoạt lấy: Biết được ai đó có điều bí ẩn mà họ lại muốn giấu giếm, bèn hăm dọa để đòi họ phải đút lót cho mình tiền bạc hoặc món đồ mà mình muốn.

Lừa dối mà lấy: Là lợi dụng lòng tin của người mà lừa gạt người để lấy được món tài vật mà mình muốn.

Gian dối để lấy: Đôi khi người ta làm những việc nho nhỏ, tưởng là không đáng kể, nhưng lại phạm vào Giới trộm cắp, thí dụ như có người viết một lá thư quá dài, đương nhiên thư quá nặng, bưu phí phải tăng lên. Để bớt bưu phí, họ gói thư ấy cuốn vào giấy báo hoặc tạp chí gởi đi cho nhẹ tiền cước phí. Đó là chuyện rất bình thường, thấy như không có gì là tội lỗi.

Trộm cắp tạo nghiệp gì?

Trong giáo lý nhà Phật thì tất cả mọi sự việc xảy ra trong đời sống đều có quy luật nhân quả. Bất cứ một việc thiện hay ác nào cũng đều có nhân quả báo ứng, tức là gieo nhân nào thì sẽ gặp quả ấy.

Quả báo của sự trộm cướp, nặng thì nghèo cùng vô số kiếp hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người, nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy. Chúng ta hãy nên tin sâu nhân quả làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nhân trộm cướp là việc làm xấu ác, cả thế giới loài người đều không chấp nhận nên có luật pháp chế tài, phạt tù, nặng thì tử hình, huống hồ là luật nhân quả luôn âm thầm chi phối.

Tham lam muốn chiếm lấy của người làm của riêng mình là do thói quen lười biếng làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, là nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau. Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị L*a đ*o mà túng quẫn dẫn đến tự sát.

Trong một lần thuyết giảng cho đại chúng tại chùa Hoằng Pháp, Thượng tọa trụ trì Thích Chân Tính có lời khuyến tấn với mọi người: “Gian tham có rất nhiều hình thức, là Phật tử chúng ta nên cẩn thận và xử lý kịp thời khi phát hiện.

Không nên làm ngơ hoặc bỏ qua và cho rằng việc nhỏ không đáng. Muốn tránh gian tham, không có phương pháp nào hay hơn là giữ hạnh ngay thẳng và tâm chân thật”.

Tâm như/ Nguồn: Ghpgvn

Mạng Y Tế
Nguồn: Y dược học (https://www.ydhvn.com/news/nhung-viec-lam-the-nao-la-trom-cap-trom-cap-tao-nghiep-gi)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY