Nhà văn của tuổi thơ Nguyễn Nhật Ánh đã nhiều lần chia sẻ, thói quen đọc sách được gieo trồng từ thời thơ ấu, nảy mầm và trở thành khát khao tự nhiên, sẽ theo ta suốt cuộc đời. Cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ. Nhân khoảng thời gian dài ở nhà chống dịch Covid-19, nhiều phụ huynh đã hướng con em mình đọc sách, thay cho các hình thức giải trí khác.
Chị Vũ Thanh Thúy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết, mấy tuần gần đây, chị cùng các con lật giở những cuốn trong tủ sách gia đình mà ngày thường ít thời gian để đọc. Bên cạnh đó, chị cũng đặt thêm một số cuốn sách tại các kênh bán sách trực tuyến để cả nhà cùng đọc. "Tôi đặt mục tiêu cho cả nhà, mỗi ngày đọc ít nhất 20 trang sách cùng nhau và 20 trang sách theo ý thích của mỗi người. Ban đầu tôi nghĩ rằng phải ép các con, nhưng khi cùng nhau đọc sách, chúng say sưa, thích thú trao đổi về nội dung trong sách, còn cùng mẹ chọn mua thêm những cuốn sách theo ý thích về đọc. Đã rất lâu, gia đình mới có sự gắn kết, giao lưu ấm áp như thế!", chị Vũ Thanh Thúy chia sẻ.
Được mẹ hướng dẫn đọc sách trong thời gian nghỉ học ở nhà, em Nguyễn Lan Phương học sinh lớp 6A, Trường Trung học cơ sở Xuân La (quận Tây Hồ) hào hứng kể: "Trước đây, em thích xem phim hoạt hình, nhưng gần đây cùng mẹ đọc sách, em thấy sách rất hấp dẫn và tiếp thu được nhiều bài học về tình bạn, tình yêu thương". Thay vì xem ti vi, sử dụng thiết bị công nghệ, ngoài giờ học trực tuyến, Phương đã dành nhiều thời gian đọc sách và mở rộng danh mục đọc sang những cuốn về khoa học, thiên nhiên…
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Văn Mỹ, 72 tuổi, cũng dành thời gian này để sắp xếp lại tủ sách gia đình, đồng thời đưa những cuốn sách quý, giá trị gợi ý cho các con, cháu đọc. "Việc xây dựng tủ sách trong gia đình rất cần thiết. Đó là nơi để cung cấp tri thức, nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn các thành viên trong gia đình. Mỗi cuốn sách trong tủ sách gia đình đều gửi gắm tâm huyết, tình cảm của người sưu tầm, lưu giữ dành cho thế hệ sau", ông Trần Văn Mỹ nói.
Tủ sách của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Văn Mỹ là một trong số hàng chục nghìn tủ sách gia đình trên cả nước, đã và đang cùng hơn 20.000 tủ sách cơ sở, góp phần nuôi dưỡng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đọc sách và hình thành thói quen đọc sách của mỗi thành viên trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ, làm giàu thêm vốn tri thức, hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, việc phát triển văn hóa đọc được nhiều gia đình quan tâm, chú trọng. Khoảng thời gian dài ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho các gia đình củng cố và đẩy mạnh nếp sống văn hóa lành mạnh này.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Anbooks Ngô Phương Thảo, việc xây dựng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ em có vai trò quan trọng của gia đình. Bởi, ông bà, cha mẹ chính là những người gần gũi với con cháu nhất, dẫn dắt, hình thành cho con trẻ những lối sống, thói quen. Song, trong thời đại hiện nay, trước sự nở rộ của các phương tiện giải trí, việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ không dễ dàng. "Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ rất muốn dành thời gian đọc sách cùng con, hướng con đến việc đọc sách, nhưng không biết làm thế nào để thu hút sự chú ý của con và duy trì thói quen này cho chúng", bà Ngô Phương Thảo cho biết.
Về vấn đề này, tác giả bộ sách gia đình "Chuyện ngày mưa" Mai Thị Việt Thắng cho rằng, văn hóa đọc trong gia đình phải được xây dựng từ 3 yếu tố: Kỹ năng đọc, thói quen đọc và môi trường đọc. Kỹ năng đọc được hình thành khi trẻ biết đọc, nếu trẻ chưa biết đọc thì cha mẹ đọc và hướng dẫn trẻ làm quen với những con chữ. Để tạo thói quen đọc sách cho con, mỗi ngày cha mẹ nên dành khoảng thời gian nhất định đọc sách cùng con trong những không gian dễ chịu, an toàn đối với trẻ. "Điều quan trọng nhất để cuốn hút trẻ vào việc đọc sách là thái độ tích cực của cha mẹ. Nếu người lớn coi trọng những giây phút trải nghiệm với con bên trang sách, thì việc đọc sẽ trở nên thú vị, thành khoảng thời gian tuyệt vời để các thành viên chia sẻ, giao lưu", chị Mai Thị Việt Thắng chia sẻ.
Đồng quan điểm với tác giả Mai Thị Việt Thắng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15-3-2017 đã xác định, phát triển văn hóa đọc trong gia đình là nội dung quan trọng và cần được quan tâm đúng mức. Gia đình là tế bào của xã hội, văn hóa đọc phát triển trong từng gia đình sẽ góp phần hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng và văn hóa đọc của dân tộc...
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, để phát triển văn hóa đọc, mỗi gia đình cần tạo phòng đọc sách, tủ sách hoặc góc thân thiện cho trẻ đọc sách. Phụ huynh nên lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của con; bố trí thời gian đọc cho con mỗi ngày, đồng thời hướng dẫn, truyền cảm hứng về phương pháp tự đọc sách cho con. Một điều quan trọng nữa là ông bà, cha mẹ phải làm gương; nếu ông bà, bố mẹ đều đọc sách, tự nhiên con cháu cũng sẽ đọc mà không cần nài ép, bắt buộc...
Chú trọng, duy trì văn hóa đọc trong gia đình không chỉ giúp cho mỗi thành viên, đặc biệt là con cái, tự tin trong cuộc sống, hình thành khả năng tự học suốt đời, mà còn là cầu nối để gắn kết, tạo nên "sức mạnh mềm" cho mỗi gia đình và cả cộng đồng.
Chủ đề liên quan:
5 tỉ đồng An Nhi gắn kết gia đình Nhuận bút 24h phát triển Tải ứng dụng đọc tin SOHA thành là ai Thành viên trang chủ tri thức văn hóa Văn hóa đọc văn hóa đọc trong gia đình