Dáng đẹp hôm nay

Phó giáo sư bỏ tiền túi chế tạo máy bay phun Thuốc trừ sâu

(MangYTe) - Hơn 10 năm nghiên cứu và giảng dạy, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh đã dành dụm, bỏ tiền túi để nghiên cứu, chế tạo thành công máy bay phun Thuốc trừ sâu, giúp hỗ trợ người nông dân bớt khó khăn, vất vả.

1 ha lúa phun trong 10 phút

PGS.TS Vũ Ngọc Ánh là giảng viên Khoa Kỹ thuật Giao thông, Đại học Bách khoa TP HCM. Chiếc máy bay phun Thuốc sâu mang tên Noba Robotics AQ10 là thành quả mà anh tâm huyết nhất trong nhiều năm qua.

PGS.TS Vũ Ngọc Ánh

PGS.TS Ánh cho biết chiếc máy bay NOBA ROBOTICS AQ 10 do chính ông nghiên cứu và sáng chế, dưới sự hỗ trợ của nhóm cộng sự là một số sinh viên và kỹ sư của ông.

Máy bay nặng khoảng 25 kg, thời gian hoạt động 15 - 20 phút, tốc độ 0 - 10 m/giây, khi sử dụng để phun Thuốc trừ sâu có diện tích phun 1 ha/10 phút, nhanh gấp 50 lần phun thủ công.

Máy mang được khoảng 10 kg lượng Thuốc hoặc phân bón. Máy bay sử dụng hai vòi loại đầu phun quạt với góc mở 110 độ, có thể điều chỉnh để phù hợp với cây trồng theo số hạt phun ra.

Theo PGS.TS Ánh, về cơ bản, máy bay ứng dụng để phun Thuốc trừ sâu, hiện tại áp dụng cho cây lúa. Máy bay có điều khiển từ xa, có cơ chế bay tương tự các thiết bị bay phổ biến như flycam.

Tuy nhiên, để phù hợp với mục đích phun Thuốc trừ sâu diện rộng, máy được thiết kế thêm bình chứa và bộ pin có khả năng giúp máy hoạt động ổn định.

Hệ thống phun thường có kiểm soát kích thước hạt phun và cường độ phun trong thời gian thực tế, giúp việc phun tưới chính xác và hiệu quả trong quá trình hoạt động. Hệ thống radar, cảm biến cho phép máy bay cảm nhận và phát hiện đa hướng chướng ngại vật, bay tự động theo địa hình, hoạt động cả vào ban ngày và ban đêm.

“Với chế độ phun sương siêu tiết kiệm, máy bay có thể giúp tiết kiệm 90% nước và 30% Thuốc so với phun tay, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả diệt trừ sâu bệnh” – PGS.TS Ánh cho biết.

Giữa năm 2019, nhóm nghiên cứu được nông dân ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho thử nghiệm phun Thuốc suốt vụ mùa 3 tháng trên một hecta lúa. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên trên ruộng lúa thật, nếu thất bại thì cũng thiệt hại cho người nông dân, nên PGS.TS Vũ Ngọc Ánh rất lo lắng.

Kết quả thì có thể thở phào, máy phun Thuốc cho một hecta lúa trong 10 phút, nhanh gấp vài chục lần so với phun thủ công. Sau ba năm hoàn thiện dự án, nhóm của PGS Ánh đã lắp ráp hoàn chỉnh 3 chiếc máy bay với tổng kinh phí hơn một tỷ đồng.

Trong đó, một chiếc được chuyển giao cho tỉnh Đắk Lắk theo vốn đầu tư của địa phương. Noba Robotics AQ10 hiện có là phiên bản hoàn thiện nhất dùng hỗ trợ nông dân phun Thuốc trừ sâu.

Bỏ hết tiền túi “đánh cược” nghiên cứu

PGS.TS Vũ Ngọc Ánh quê ở Thái Bình, sau đó gia đình chuyển vào Bà Rịa – Vũng Tàu. Tốt nghiệp THPT, rồi thi đỗ ngành Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa TPHCM), sau đó anh chọn Kỹ thuật hàng không, say mê nghiên cứu chế tạo máy bay, đặc biệt là trực thăng.

Năm 2006, khi đang là sinh viên năm cuối, anh cùng một người bạn thiết kế thành công máy bay điều khiển từ xa nặng 10 kg, sải cánh dài 4 m, được gắn camera để sử dụng việc tuần tra, kiểm soát giao thông và chuyên chở Thuốc men cấp cứu trong điều kiện địa hình hiểm trở.

“Lần đầu thấy chiếc máy bay mình làm ra cất cánh, tôi vô cùng vui sướng. Đó cũng là bước ngoặt để tôi chọn gắn bó sự nghiệp vào chế tạo máy bay”, anh chia sẻ.

Đây là công trình tâm huyết nhất từ trước đến giờ của tôi. Có thể không thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới, nhưng lợi thế của mình là tự sản xuất được và lợi thế nông nghiệp để ứng dụng cho phù hợp từng loại cây.

Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Ánh nhận được học bổng theo học tiến sĩ ngành Kỹ thuật hàng không vũ trụ Đại học Konkuk (Hàn Quốc). Khoảng thời gian đó, anh tham gia nhóm Athena đạt giải nhì cuộc thi thiết kế máy bay trực thăng dành cho nhóm sau đại học do Hiệp hội Máy bay trực thăng Mỹ tổ chức.

Nhận bằng tiến sĩ, anh về nước và giảng dạy tại khoa Kỹ thuật hàng không cho đến nay.

Khó khăn lớn nhất với PGS Ánh khi bắt tay thực hiện ý tưởng là kinh phí. Nhà đầu tư nghi ngại khi chưa hình dung hình hài của cỗ máy nên chưa chịu rót vốn, anh đành bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng để bắt tay thực hiện.

Với mức lương 6 triệu đồng mỗi tháng ở trường và đang nuôi con nhỏ, quyết định này của anh được xem như đánh cược. Nhưng tin ở khả năng “chiến thắng”, anh quyết tâm đầu tư để hiện thực hóa mơ ước hàng chục năm của mình.

“Chúng tôi sẽ tìm giải pháp về giá thành để có thể được cung ứng đại trà sản phẩm cho thị trường với mức giá 100 triệu đồng mỗi chiếc. Không chỉ sử dụng cho cây lúa, tôi sẽ nghiên cứu để máy có thể sử dụng cho cây ăn trái, hoa màu”, PGS Ánh chia sẻ.

Hơn 10 năm nghiên cứu và giảng dạy, PGS Ánh có 21 bài báo khoa học, trong đó 10 bài được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Nhiều lúc buông bỏ những dự án nghiên cứu bởi gánh nặng mưu sinh nhưng đam mê máy bay đã kéo anh trở lại.

“Mỗi lần nghĩ đến nỗ lực của anh em, đồng nghiệp, những người đầu tiên thử nghiệm thành công cho máy bay, tôi tự nhủ sẽ gắn bó suốt với công việc này”, anh chia sẻ.

Máy bay được điều khiển từ xa hoặc tự động theo đường bay nhờ hệ thống định vị GPS có độ chính xác cao, cải tiến để ứng dụng công nghệ thông tin là điều khiển bằng app trên điện thoại, chạy được trên máy tính, dùng điện thoại vẽ đường bản đồ bay hoặc cài đặt tín hiệu. Do đó, máy sẽ giúp nông dân tiết kiệm nhiều công sức, thời gian, giảm thiểu rủi ro trong thời tiết xấu hoặc khi phải tiếp xúc hóa chất mà năng suất của cây trồng không bị ảnh hưởng.

Mai Chi

Mạng Y Tế
Nguồn: Giáo dục thời đại (https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/pho-giao-su-bo-tien-tui-che-tao-may-bay-phun-thuoc-tru-sau-4066946-b.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY