2020 được đánh giá là một năm khá quan trọng đối với nhiều ngân hàng trong vấn đề tăng vốn. Khi thời điểm áp dụng Basel II tới gần (cuối năm 2020), yêu cầu tăng vốn lại trở nên càng cấp thiết hơn, đặc biệt đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước.
4 "ông lớn" ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đã từng "cầu cứu" về vấn đề này trong Hội nghị Tổng kết ngành có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.
Theo tài liệu Đại hội được công bố, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) hé lộ một số kế hoạch đáng chú ý như mục tiêu lợi nhuận 2020 tăng 15% dù tín dụng kế hoạch hiện tại chỉ tăng 9%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%; chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7%...
Phương án tăng vốn thêm hơn 5.000 tỷ đồng cũng được BIDV trình Đại hội. Theo đó, Ngân hàng này dự kiến phát hành gần 282 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành thêm hơn 251 triệu cổ phiếu mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Trong đó, với phương thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, BIDV sẽ thực hiện quyền theo tỷ lệ 7%/số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3, quý 4/2020, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đối với phương án chào bán thêm cổ phần, BIDV dự kiến tỷ lệ phát hành là 6,25% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019 và quy mô tối đa 6% vốn điều lệ sau khi phát hành.
Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2020-2021, thời điểm cụ thể giao/ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Với khoảng 5.329 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, BIDV cho biết sẽ dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh trong hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao chất lượng mạng lưới kinh doanh.
Trước đó, vào tháng 11/2019, BIDV đã hoàn tất thương vụ hợp tác với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank với tổng giá trị gần 20.300 tỷ đồng, qua đó tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng ở Việt Nam.
Tăng vốn cũng là câu chuyện đáng chú ý ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB). Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, Vietcombank sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, Đại hội cũng tập trung vào các nội dung như kết quả hoạt động năm 2019, kế hoạch kinh doanh năm 2020, tờ trình phân phối lợi nhuận, tờ trình về mức thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2020, tờ trình về phương án nhân sự (nếu có),…
Về việc tăng vốn điều lệ, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 tổ chức đầu năm, Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng đề nghị cơ quan Thanh tra giám sát sớm xem xét bộ hồ sơ đề nghị tăng vốn của Vietcombank để chấp thuận triển khai ngay sau khi Nghị định 91 chính thức được sửa đổi.
Mục tiêu của Vietcombank đề ra năm 2020 là tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14% (bằng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2020 của NHNN), nợ xấu dưới 0,8%. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 15%, tức khoảng 26.628 tỷ đồng.
Các ngân hàng bị áp lực tăng vốn trong năm 2020. |
Dù chưa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2020 nhưng câu chuyện tăng vốn cũng từng là chủ đề nóng với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, CTG). Việc tăng vốn bằng ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 tại Ngân hàng này đang bị vướng các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chia sẻ tại Hội nghị Nhà đầu tư và chuyên gia phân tích sáng 9/1, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngoài phương án giữ lại lợi nhuận năm 2017-2018 để tăng vốn, ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu các bước tăng vốn tiếp theo để trình Chính phủ và các cơ quan bộ ngành.
Bên cạnh đó, VietinBank cũng sẽ cải thiện vốn tự có bằng nguồn vốn cấp 2 như phát hành trái phiếu. Ngân hàng này cũng đang tái cơ cấu các khoản đầu tư vào công ty con, các công ty góp vốn cổ phần theo hướng cổ phần hóa mạnh mẽ những công ty con trực thuộc của VietinBank.
Về cơ bản VietinBank đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn và thực hiện tăng vốn điều lệ, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II.
Ông Thọ cho biết, VietinBank sẽ tập trung tăng khả năng tự chủ tài chính, tăng khả năng tích lũy nội bộ. Với nguồn lợi nhuận tạo ra hàng năm sẽ sử dụng một phần để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và một phần trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông vào thời điểm thích hợp.
Lãnh đạo VietinBank cũng cho biết, với dự kiến sẽ tăng được vốn trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khoảng 8-10% và ngân hàng hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn nếu lộ trình tăng vốn được đẩy nhanh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Hà Nội) cho biết, trong quý 1/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho hai ngân hàng Vietcombank và Vietinbank.
Điều này càng tin rằng “nhà băng” này có cơ hội rộng cửa để tăng vốn trong thời gian ngắn. Nhờ kỳ vọng được tăng vốn này mà cổ phiếu CTG của VietinBank đã tăng tới 28% trong vòng 3 tháng qua.
Còn với “ông lớn” còn lại là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết Agribank sẽ được phép dùng toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách năm 2020 để tăng vốn điều lệ. Với những tín hiệu trên, có thể hy vọng Agribank sẽ kịp tăng vốn trong 2020.
Chủ đề liên quan:
2020 agribank Basel II bidv đại hội đại hội cổ đông đối với ngân hàng tăng vốn vấn đề vấn đề nóng Vietcombank vietinbank