Tác giả bài viết: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ở tuần thứ 38 của thai kỳ, trọng lượng của thai nhi đã đạt khoảng từ 3.1kg và dài khoảng 50cm. kích cỡ lúc này của bé có thể so sánh với một cây tỏi tây dài và cao.
Bé đã nắm tay rất chắc. mẹ có thể kiểm chứng được điều đó khi thử nắm tay bé lần đầu tiên khi bé chào đời. các cơ quan trong cơ thể thai nhi đã trưởng thành và sẵn sàng thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung.
Các mẹ có bao giờ băn khoăn về màu mắt của bé lúc chào đời không? Theo nhiều nghiên cứu, nếu bé sinh ra với đôi mắt màu nâu thì màu mắt đó sẽ giữ nguyên khi con trưởng thành. Nếu bé sinh ra với đôi mắt màu xám hoặc xanh thì khi con được 9 tháng tuổi, cặp mắt ấy phần lớn sẽ chuyển thành màu nâu hoặc hạt dẻ. Sự tăng sắc tố ở tròng mắt sau khi sinh có thể là nguyên nhân khiến màu mắt của bé có sự khác thường như vậy.
Bàn chân và mắt cá chân sưng phù lên là hiện tượng hết sức bình thường mà bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng gặp phải trong giai đoạn nước rút này. Thế nhưng, bạn cần phải gọi ngay cho bác sĩ nếu thấy một số dấu hiệu bất thường như chân, mắt cá chân và thậm chí bàn tay đều sưng quá to; xuất hiện bọng xung quanh mắt, tăng cân đột ngột, đau đầu dữ dội, thị lực thay đổi (mờ mắt, hay thấy những đốm đen hoặc nhạy cảm với ánh sáng) đau bụng, buồn nôn, ói mửa… Đây đều là những triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng gọi là tiền sản giật.
Nhiều mẹ bầu nói rằng những tuần cuối của thai kỳ là một trò chơi chờ đợi. Nhiều mẹ đứng ngồi không yên, lo lắng về ngày sinh nở sắp tới. Nhưng đừng để cảm xúc đó xuất hiện thường xuyên, thay vào đó mẹ hãy tận dụng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi, đọc sách hoặc tìm hiểu thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Mẹ hãy cố gắng đọc nhiều hơn vì chắc chắn rằng sau khi sinh mẹ sẽ không có thời gian để đọc. Ngoài ra, mẹ cũng nên tâm sự, trò chuyện với ông xã mình nhiều hơn để giảm thiểu được cảm giác lo lắng trước khi sinh.
- Những cơn chuyển dạ giả (cơn co thắt tử cung Braxton-Hicks) thường không thể đoán trước được bởi chúng xuất hiện một cách bất thình lình, thường xuyên thay đổi thời gian và cường độ. Mặc dù lúc ban đầu, các cơn co thắt báo động sinh nở thực sự cũng đến bất chợt nhưng sau đó nó sẽ đến đều đặn, nhanh, dữ dội và kéo dài hơn.
- Những cơn co thắt giả (cơn co thắt tử cung Braxton-Hicks) thường không gây đau hoặc nếu có đau thì mức độ chỉ nhẹ và thường tập trung ở phần bụng dưới. Trong khi đó, với cơn co thắt thật (cơ co thắt tử cung của chuyển dạ thật), mẹ bầu sẽ nhận thấy cơn đau nhiều hơn, đều đặn hơn, càng lúc càng nhiều hơn, bắt đầu ở lưng dưới và lan ra xung quanh vùng bụng, khoảng thời gian nghỉ giữa hai cơn đau càng lúc càng ngắn hơn, dồn dập hơn.
- Những cơn co thắt giả thường biến mất đi khi mẹ thay đổi vị trí hay tư thế ngồi, còn cơn co thắt báo hiệu sinh nở thật sự thường khiến mẹ bầu phải chịu sự đau đớn dữ dội và cho dù mẹ có chuyển vị trí hay thay đổi tư thế thì cơn đau cũng không giảm.