Ngày 22/3, bà Sáu đau đột ngột vùng thắt lưng và bụng dưới, được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh khám. Kết quả chụp X-quang cho thấy một khối u đường kính 20x20 cm cứng chắc, không di động, nắn rất đau nằm ở bụng dưới bệnh nhân. Chẩn đoán ban đầu, hình ảnh có khung xương thai nhi. Hai ngày sau, bà Sáu được đưa đi chụp MRI với kết quả tương tự, khối u có hình dạng giống thai nhi, khả năng thai vôi hóa.
Người phụ nữ này cho biết đã mãn kinh từ năm 49 tuổi, chồng mất cách đây 40 năm, người con nhỏ nhất năm nay 51 tuổi.
Kết quả chụp phim cho thấy khối thai cứng trong ổ bụng cụ bà. Ảnh: Tường Vi. |
Bác sĩ Lê Quang Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh nhận định, thai trong ổ bụng bà Sáu đã ch*t lưu từ rất lâu, hóa thạch (lithopedion) và đang có biến chứng gây đau dữ dội vùng hạ vị, thắt lưng. Bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để loại bỏ khối thai này.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh đã xin ý kiến Sở Y tế Khánh Hòa, dự kiến sẽ tổ chức hội chẩn giữa bác sĩ bệnh viện này với đồng nghiệp ở Bệnh viện đa khoa tỉnh để tìm phương án xử trí tốt nhất cho bà Sáu.
Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh, thai trong ổ bụng là tình huống hiếm gặp của thai ngoài tử cung bởi thông thường thai ngoài tử cung nằm tại vòi tử cung, các vị trí ít gặp gồm ở buồng trứng, cổ tử cung và nhất là trong ổ bụng. Thai ngoài tử cung dù ở vị trí nào cũng sẽ dẫn đến chảy máu nhiều trong ổ bụng vì khối thai khi lớn lên sẽ vỡ.
Nếu phát hiện thai trong ổ bụng, thông thường bác sĩ sản khoa phải can thiệp bằng phẫu thuật. Khi mổ, bác sĩ chỉ lấy thai và cuống rốn thai nhi ra ngoài còn bánh nhau thì để lại, vì nếu cố gắng lấy bánh nhau sẽ gây chảy máu khó kiểm soát, nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ. Sau mổ, bệnh nhân phải dùng Thu*c để tiêu hủy bánh nhau. Nếu để bánh nhau lại trong ổ bụng thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Thai trong ổ bụng là một tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ, thai nhi thường Tu vong và có tỷ lệ dị dạng cao.