Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của Thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm trưởng đoàn đã và đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các quận, huyện trên địa bàn. Qua kiểm tra, Đoàn đã chấn chỉnh vi phạm của cơ sở cũng như hướng dẫn cấp cơ sở quy trình thực hiện các cuộc kiểm tra và xử lý triệt để vi phạm.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của Thành phố đã kiểm tra nhà hàng bít tết Family Steak house (91 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình). Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện nhà hàng còn nhiều vi phạm trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: Khu chế biến thực phẩm chật hẹp, sắp xếp lộn xộn, không tuân thủ theo quy trình một chiều; thực phẩm sống, chín còn để lẫn lộn, bảo quản chưa đúng quy định… Ngoài ra, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn. Qua đó, Đoàn yêu cầu nhà hàng đóng cửa, tạm dừng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao cho Ủy ban nhân dân quận tiếp tục xử lý vi phạm và trực tiếp giám sát việc khắc phục sai phạm của cơ sở.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất tại nhà hàng bít tết Family Steak house - 91 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình (Ảnh: Trần Thảo). |
Theo thống kê, trên địa bàn quận Ba Đình có 3.584 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại 14 phường. Ngoài ra, có 8 chợ, 1 trung tâm thương mại và 3 siêu thị. Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm cho biết, năm 2019, hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm của quận đã được tăng cường. Toàn quận đã duy trì 16 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tại 14 phường. Qua đó, cấp quận kiểm tra 772 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 460 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1,6 tỷ đồng. Cấp phường kiểm tra 556 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 81 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 82 triệu đồng.
“Tuy nhiên, do các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, theo thời vụ thường xuyên biến động về loại hình kinh doanh, địa điểm, nhân viên… gây khó khăn cho công tác quản lý. Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, việc lưu giữ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ chưa được duy trì thường xuyên; vẫn còn hiện tượng lén lút mua, bán, kinh doanh, giết mổ gia cầm sống…”, ông Thiêm cho biết.
Tương tự, tại quận Hoàn Kiếm, từ đầu năm 2019 đến nay kiểm tra định kỳ và chuyên đề 3.103 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tổng số 6.236 lượt kiểm tra. Qua đó, xử lý vi phạm 351 cơ sở với số tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng. Còn tại quận Long Biên, đã triển khai kiểm tra định kỳ và chuyên đề 4.151 cơ sở/4.777 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, phạt tiền 126 cơ sở với số tiền 328 triệu đồng…
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố đánh giá công tác kiểm tra an toàn thực phẩm của các quận bảo đảm theo yêu cầu nhưng nội dung, kỹ năng thanh tra, kiểm tra, các quận cần làm cụ thể hơn. Đặc biệt, yêu cầu cấp cơ sở thực hiện đúng quy định, đoàn nào thanh tra, đoàn đó phải chịu trách nhiệm toàn bộ cuộc thanh tra và hồ sơ của cuộc thanh tra đó. Đối với những cơ sở khi đoàn đến thanh tra định kỳ thì đóng cửa, cần chuyển sang thanh tra đột xuất để cơ sở không thể trốn tránh...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, các quận đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng chưa triệt để. Do đó, cần khắc phục những tồn tại, vướng mắc, đồng thời tăng cường, bảo đảm đúng quy trình, quy định về công tác thanh tra an toàn thực phẩm. Thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, giáp Tết và lễ hội các quận cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội.
Được biết, năm 2019, Thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 huyện, quận, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tính đến nay, 30 quận, huyện đã tiến hành thanh tra an toàn thực phẩm tại 487 cơ sở, xử phạt 149 cơ sở, số tiền phạt 551,250 triệu đồng. Đồng thời, 324/584 xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra chuyên ngành 1.538 cơ sở, xử phạt 382 cơ sở, số tiền phạt 589,350 triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Chung, trong quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm gặp một số khó khăn như phần lớn các quận, huyện và xã, phường triển khai thí điểm thanh tra lần đầu, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế. Quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai thanh tra. Bên cạnh đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính.
Để tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục giám sát liên ngành việc triển khai thực hiện từ tuyến xã, phường, thị trấn đến quận, huyện. Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiến hành thanh tra theo đúng kế hoạch của Thành phố.
Ngành Y tế Hà Nội cũng sẽ phối hợp với ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cũng như suốt mùa lễ hội Xuân 2019. Ngoài nhiệm vụ chung, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã xây dựng kế hoạch riêng về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2019.
Trong đó, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ tập trung giám sát chất lượng các loại thực phẩm đóng gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm… Chi cục cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân không nên dùng rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo… trôi nổi trên thị trường. Người tiêu dùng cần từ chối, kiên quyết tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn. Không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi, thiu, mốc, hư hỏng… Khi mua, nên chọn những mặt hàng còn hạn sử dụng, bao bì không bị rách, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng.