Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Thế độc tôn Trung Quốc trên thị trường vật tư y tế Covid-19

Các công ty sản xuất thiết bị y tế Trung Quốc, với sự hậu thuẫn từ chính phủ, gần như nắm vị thế độc tôn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sau khi nhu cầu của người dùng tăng nhanh trong đại dịch, Rakesh Tammabattula, một doanh nhân vùng ngoại ô Los Angeles, quyết định chuyển từ kinh doanh thực phẩm chức năng sang sản xuất khẩu trang và dung dịch khử trùng. Để làm điều này, ông cần một loại máy cắt vải chuyên dụng.

Tammabattula nhận ra các thiết bị như vậy chỉ có ở Trung Quốc. Ông phải thuê một chuyên cơ chỉ để chuyển chiếc máy dài 10 m, cao 1,8 m từ Trung Quốc đến Mỹ. Ngay cả việc sản xuất nước rửa tay cũng gặp nhiều khó khăn. Tammabattula không thể tìm được công ty nội địa nào cung cấp chai nhựa phù hợp và lại phải nhập khẩu từ đại lục.

Từ lâu, chính phủ Trung Quốc cố gắng gây dựng và hậu thuẫn ngành công nghiệp chi phí thấp sản xuất thiết bị y tế. Nước này chiếm ưu thế lớn khi đại dịch bùng phát. Báo động trước vị trí độc tôn của Trung Quốc đối với thị trường khẩu trang, đồ bảo hộ, kit xét nghiệm... các quốc gia khác bắt đầu thành lập các nhà máy riêng để ứng phó Covid-19, tránh lệ thuộc vào các nhà cung cấp đại lục.

Tuy nhiên, đến khi dịch bệnh suy yếu, có thể những cơ sở này sẽ phải chật vật để duy trì hoạt động, bởi Trung Quốc đã đặt nền móng thống trị thị trường vật tư y tế trong nhiều năm tới.

Theo chính sách, chủ sở hữu của các nhà máy được hưởng giá đất rất dễ chịu, cùng khoản vay và trợ cấp rộng rãi. Các bệnh viện đại lục được khuyến khích nhập vật tư từ doanh nghiệp địa phương, đem lại cho các nhà cung cấp thị trường thuận lợi và độc quyền.

Sắp tới, khi vaccine ra mắt, nhu cầu đối với đồ bảo hộ và khẩu trang dự kiến giảm mạnh, nhiều nhà máy trên thế giới có thể sẽ đóng cửa. Song đến nay, các công ty Trung Quốc chịu chi phí sản xuất thấp nhất, chiếm ưu thế nếu có đợt bùng phát tiếp theo.

"Nước này đã thành công trong việc độc chiếm thị trường thiết bị bảo hộ cá nhân, nắm quyền kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu", Omar Allam, cựu quan chức thương mại Canada, nhận định.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, kể từ trước đại dịch, Trung Quốc đã xuất khẩu nhiều mặt nạ phòng độc, khẩu trang phẫu thuật, kính và quần áo bảo hộ hơn so với phần còn lại của thế giới.

Covid-19 cũng vô tình trở thành thời cơ đối với Bắc Kinh. Thành phố đã tăng sản lượng khẩu trang gấp 12 lần chỉ trong tháng 2. Theo Bob McIlvaine, người điều hành công ty nghiên cứu và tư vấn cùng tên ở bang Illinois, năng lực sản xuất hiện tại của khu vực là 150 tấn vải khẩu trang một ngày, gấp 15 lần so với nguồn cung của toàn bộ các công ty Mỹ, ngay cả khi đã đẩy mạnh tiến độ vào mùa xuân năm nay.

Ma Zhaoxu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết từ tháng 3 đến tháng 5, nước này đã xuất khẩu 70,6 tỷ chiếc khẩu trang, gấp 3,5 lần so với toàn thế giới trong năm ngoái.

Trước đó, nhiều đơn vị ở Mỹ ngần ngại đầu tư vào thị trường này, cho rằng nhu cầu sử dụng khẩu trang sẽ sớm sụt giảm. Song tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng. Hôm 2/7, Texas đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại những nơi công cộng.

Sở dĩ, các nước muốn tự chủ nguồn cung vật tư y tế bởi Trung Quốc đôi khi quyết định lựa chọn quốc gia để phân phối, với một số điều kiện nhất định.

Mục tiêu đẩy mạnh sản xuất vật tư y tế của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2005, khi dịch SARS bùng phát, giết ch*t 350 bệnh nhân. Bộ Khoa học và Công nghệ tuyên bố họ đã nghiên cứu thành công loại khẩu trang phòng độc phù hợp với khuôn mặt của người dân nước này. Năm 2010, chính phủ đề ra kế hoạch 5 năm, tập trung vào phát triển các thiết bị cơ bản, nhu cầu cao, ứng dụng rộng rãi.

Chính quyền đại lục cũng thấy trước tầm quan trọng của kit xét nghiệm axit nucleic, nay được dùng để chẩn đoán người nhiễm nCoV. Năm 2017, Bộ khoa học và Công nghệ đưa dụng cụ này vào nhóm ngành mũi nhọn.

Các nhà sản xuất vật tư y tế Trung Quốc được hưởng chế độ trợ cấp hào phóng từ chính phủ. Shenzhen Mindray, một công ty cung cấp máy thở và các thiết bị hồi sức tích cực, từng nhận khoản đầu tư 16,6 triệu USD mỗi năm, kể từ 2017. Guangzhou Improve, đơn vị chế tạo kit xét nghiệm và khẩu trang cũng được hỗ trợ 2,5 đến 5 triệu USD hàng năm.

Sinopec, một công ty dầu mỏ, cho biết đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ khi khởi công xây dựng nhà máy sản xuất màng lọc vi hạt cho khẩu trang và mặt nạ phòng độc. 600 kỹ sư và công nhân làm việc liên tục 35 ngày, xây xong một cơ sở đáng lẽ mất một năm để hoàn thiện.

Song, tốc độ phát triển nhanh chóng cũng tạo ra nhiều hệ lụy. Theo Tianyancha, một tập đoàn về dịch vụ dữ liệu của Trung Quốc, hơn 67.000 công ty đã đăng ký sản xuất khẩu trang chỉ trong năm nay. Nhiều đơn vị khởi nghiệp gặp rắc rối khi cung cấp sản phẩm chất lượng thấp. Hồi tháng 3, Hà Lan đã thu hồi hàng chục nghìn chiếc khẩu trang từ Trung Quốc do không đạt chuẩn chất lượng. Đến tháng 5, giới chức Mỹ cấm nhập khẩu mặt hàng này từ 72 công ty đại lục, cũng với lý do trên. Chính phủ Trung Quốc cũng vì thế mà siết chặt kiểm tra hải quan đối với các mặt hàng xuất khẩu.

Thục Linh (Theo NY Times)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/the-doc-ton-trung-quoc-tren-thi-truong-vat-tu-y-te-covid-19-4126230.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY