Ba chiếc bàn vuông đặt dưới mái vẩy, cô chủ quán cà phê coi như là ba chiếc bàn VIP dành riêng cho mấy nhóm khách đặc biệt.
(SKDS) - Ba chiếc bàn vuông đặt dưới mái vẩy, cô chủ
quán cà phê coi như là ba chiếc bàn VIP dành riêng cho mấy nhóm khách đặc biệt. Các thượng đế này chưa tới, có ai kéo ghế ngồi, cô chủ giọng xứ Thanh rất nhũn nhặn: Thưa, bàn này có người đặt rồi ạ! Mời chú ngồi ngoài bàn dù che, có gió hồ cho thoáng. Họa hoằn, nhưng ít khi xảy ra, có hôm nhóm khách nào đó bỏ bữa hoặc đến quá trễ thì cô chủ mới để khách ngồi. Xét đến cùng cũng là chiêu chiều khách thời buổi suy tôn những thượng đế xài sang mà thôi.
Mấy vị khách đó, sáng nào cũng kêu phở đặc biệt, có trứng chần, thịt bắp ăn ngoài với bia Ken ướp lạnh... Phở bê tận bàn, ăn xong cà phê phục vụ tại chỗ. Thu*c lá hút dở mang theo không hút, bao giờ cũng gọi ba số nguyên bao. Cà phê xong lại một ấm trà móc câu thượng hạng nhấp bằng chén mắt trâu. Nước sôi vài ba lần rót, trà nhạt thì đổ bã pha thêm ấm mới. Thế là chuyện trên trời dưới biển, chuyện bên Tây bên Tàu, chuyện thượng vàng hạ cám chẳng đầu chẳng đuôi..., chuyện nào cũng ran ran như pháo nổ, com-men bình luận còn nóng hơn cả trên mạng...
Sáng nay cũng vậy. Cái chuyện nhà nghiêng ở 28 ngõ Đại Đồng, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội... báo chí truyền hình rung chuông cảnh báo um xùm gần một năm trời vẫn như nước đổ đầu vịt; mấy ông quan phường quan quận cứ bình chân như vại, vẫn tiếp tục chơi trò chuyền bóng “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng” phó mặc người dân sống trong lo sợ trước cái ch*t đã được báo trước đêm ngày treo lơ lửng trên đầu, ngôi nhà mấy tầng lầu xây sai phép có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Chen vào cái chuyện nhà nghiêng như chen vào nỗi đau nhức nhối của dân, trong đó có bà dì ruột của mình, anh chủ doanh nghiệp đang xì xụp ăn phở ngon lành liền buông đũa buông thìa khi ai vừa nhắc đến nó: “Đáng sợ thật, có một cái nhà nghiêng mà báo chí tốn bao nhiêu giấy mực!” “Không phải là sợ. Họ vô cảm mấy anh ạ! Các quan ở phường Khâm Thiên, ở quận Đống Đa xem thường tính mạng người dân họ mới hành xử kiểu sống ch*t mặc bay... như vậy!”.
Việc này vị lãnh đạo cao nhất thành phố đã biết qua phản ánh của mấy người bạn làm báo và một số tờ báo đã viết về nó. Ông bút phê chuyển thành phố, ủy ban đã có công văn gửi Chủ tịch quận Đống Đa hối thúc vào cuộc. Nhao lên được mấy ngày, giống như đá ném ao bèo, mọi việc lại đâu vào đấy. Cái nhà xây sai phép dù đã xén đi một tầng nhưng nó vẫn cứ nghiêng tì đè lên nhà bà dì ruột anh và mấy nhà hàng xóm lún nứt.
Dân vẫn tiếp tục ôm đơn đi gõ cửa quan phường quan quận cứ cò cưa, cưa cò, dẫu vậy, trách nhiệm chẳng đổ lên đầu một ai. Chủ tịch phường thương thảo với dân không thành, lại cao giọng thách dân cầm đơn mà đi kêu kiện hoặc đưa nhau ra tòa. Con kiến mà kiện củ khoai!
Nhọc nhằn dân quá. Mấy gia đình bị nứt tường, sụt trần, nghiêng nhà, lệch cánh cửa, nước dềnh trong nhà vệ sinh... Có người từng xông pha lửa đạn thời thanh niên xung phong ở chiến trường bây giờ tóc bạc, chân chậm chả biết trông ai, kêu ai, cậy ai.
Hẳn là bức xúc lắm, anh chủ doanh nghiệp dịch tô phở ăn mới lưng bát sang bên, tay bấm máy điện thoại di động cho ai đó như phát lệnh: Cô Hà. Em cầm tất cả các đầu báo đã viết về vụ nhà nghiêng. Công văn của chính quyền thành phố, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội gửi Chủ tịch quận Đống Đa. Mang theo cả mấy băng ghi âm đã gỡ về cuộc đối thoại giữa chính quyền phường Khâm Thiên với mấy gia đình bị đe dọa trực tiếp từ ngôi nhà nghiêng. Anh chờ ở
quán cà phê Điểm Hẹn.
Mấy tách cà phê đặt lên bàn. Những phin cà phê chậm chạp nhỏ giọt như níu kéo thời gian. Chưa ai nhâm nhi nhấm nháp cái vị đắng của cà phê buổi sáng thì cô Hà đã từ đâu ào tới như từ trên trời rơi xuống. Lấm tấm mồ hôi trên trán. Hà lôi một tệp các loại báo Sức khỏe&Đời sống, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Đời sống - Pháp luật, Đại đoàn kết, Phụ nữ, Tuổi trẻ Thủ đô, Kinh tế và Đô thị... trong túi nilông bày ra trước mặt mọi người.
Những cái tít chạy dài gạch chân xanh đỏ đọc lên đã thấy ngậm ngùi cười ra nước mắt: Sống chung với “tháp” nghiêng; Chuyện đã rõ sao không giải quyết; Chính quyền tiếp tục chơi trò chuyền bóng đến bao giờ; Sự thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực của cán bộ quản lý... vân vân và vân vân...
Chẳng ai nói một lời, những nụ cười mỉa, những cái lắc đầu, những cặp mắt lặng lẽ ngó nhìn nhau. Sống giữa Hà Nội, quan dưới nhìn lên quan trên nhìn xuống, có một việc bé như cái kẹo mút như thế mà suốt cả năm trời giải quyết không đứt đoạn. Ai đó hèm giọng: Thấp cổ bé miệng, nghĩ mà thương dân.
Nhớ hôm đến ngõ 28 Đại Đồng theo chân mấy phóng viên truyền hình tìm đặt góc quay, tận mắt nhìn cái nhà mấy tầng lầu như tòa tháp nghiêng tì đè lên lan can nhà bà dì ruột anh chủ doanh nghiệp. Cụ Liên ở số nhà bên cũng bị sụt nền, miệng nói mà hai hàng nước mắt ứa ra chảy dài trên má. Gần đất xa trời rồi. Khổ chúng tôi quá mấy chú ơi. Già rồi, đêm nằm chẳng nhắm mắt được vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ cái nhà sập bất cứ lúc nào.
Sự thể là như vậy, mà mấy công bộc của dân ở phường Khâm Thiên, ở quận Đống Đa cứ nhem nhẻm rằng cái nhà nghiêng ấy là không đổ được. Mời cả Thần đèn về ngó rồi... Bà con cứ yên tâm mà sống!
Một câu nói vu vơ:
- Sao loạn thế nhỉ?
- Có loạn thì nó mới bầy hầy thiếu trách nhiệm như vậy chớ!
Không hẳn chỉ là thiếu trách nhiệm. Khuất tất tiêu cực. Người xưa nói rồi: Ăn của chùa thì ngọng miệng!
Sao mà linh vậy, vừa đụng đến chùa đã nghe đánh boong một tiếng sau lưng. Một sư ông đầu trọc chân trần, áo cà sa vàng chéo vai đeo một túi nâu sòng... nhưng vẫn nhận ra hình hài lực lưỡng của một đô vật có hạng. Bộ mặt hiền giả, đôi mắt nhìn thẳng không chớp buồn buồn như có mấy hạt lệ sắp tràn khỏi mi. Mấy thực khách cứ trò chuyện, cứ nhấm nháp cà phê. Tay cầm bát đồng, tay cầm búa gỗ, nhà sư thỉnh tiếp hai tiếng boong - boong như báo mọi người có một nhà sư đang hiện diện ở nơi quán xá ăn uống xô bồ này.
Thiên hạ mo phú hết. Ai ăn phở cứ ăn phở. Ai uống cà phê cứ uống cà phê. Cứ trò truyện bình phẩm đủ thứ chuyện trên đời. Liên tiếp ba
tiếng chuông bát cất lên: Boong - boong - boong! Vẫn chẳng động tĩnh gì. Dường như kẻ gõ bát không kiên nhẫn được nữa, sư ông áo vàng nổi khùng cầm búa gõ liên tục vào miệng cái bát bằng đồng. Mấy người cùng ngoái cổ nhìn, một giọng rất gắt: “Sư đểu. Biến”. Nghe vậy tự nhiên lòng tôi chùng lại. “Không cho thì thôi sao cậu lại quát đuổi sư”.
- Sư đểu đấy ông ơi! Mấy hôm trước hắn đã bị bóc mẽ ở quán thịt chó ở chợ đầu ô. Ngày nào thiên hạ chả nhẵn mặt ông sư giả cầy này, áo phông quần thõng ngồi rượu thịt chó bét nhè. Có lần say xỉn ăn nói văng mạng suýt bị khách đánh nếu không có sự van xin của bà chủ quán. Cởi bỏ tấm áo cà sa ra, xăm trổ đầy mình. Trái tim rớm máu, mũi tên xuyên qua. Hổ nhe nanh cười và những lời thề độc tình ái...
Biết lộ vở rồi, câm lặng chẳng nói một lời nào, đôi mắt sư dởm đỏ ngầu như cá chầy đẻ..., hai chân bước vội khỏi quán va cả vào cô gái chạy bàn...
Thời buổi này thật giả đến dễ sợ. Đằng sau bộ mặt có vẻ hiền triết che đậy là một sự dối trá đê tiện.
Trong đầu vừa lóe lên ý nghĩ này đã bị xuất hiện trước mặt chúng tôi một người ăn xin chẳng giống ai. Trời nắng nóng 38
oC ngoài trời mà mũ len chụp đầu, chân xỏ giày da. Áo quần mặc không phân biệt được màu sáng tối, hai tay ôm một tấm bìa cứng to như chiếc bảng điện tử, giấy trắng mực đen, chữ in thật đẹp: Vợ tôi bị ung thư giai đoạn cuối. Con gái tôi bị bệnh nhũn não. Gia đình tôi quá nghèo, mong được mọi người gia ân thương tình giúp đỡ để có tiền chữa bệnh...
Bộ mặt nhầu nhĩ đau khổ, hai tay người ăn xin ôm tấm bìa đứng như chôn chân xuống đất, cái lưng mỗi lúc một khom xuống nom thảm quá. Cả mấy người ngồi quanh bàn cà phê ái ngại rút ví lấy tiền cho người cháy hết mình vì sự sống vợ con. Mỗi khi nhận tiền từ tay khách, ông ta không bao giờ quên cúi gập đầu, chắp tay vái vái người cho.
Bước qua bàn bên, chiềng cái bảng lời lẽ hết sức bi ai trước mặt thực khách, mấy người cùng xua tay cười cười: Lại dở cái trò ma, lạy bố, lại gặp bố ở đây rồi, diễn viên ngoại hạng phải gọi bố bằng cụ.
Trời đất, đều là mưu sinh cả. Nhưng kiếm ăn theo mấy trò nói trên thì quá tệ.
Đỗ Quảng