Tâm linh hôm nay

Tôn chỉ giáo dục bất hủ của Đại học Vạn Hạnh xưa

Duy tuệ thị nghiệp, lời của đức Phật dạy còn áp dụng cho cả mọi con người trên trần thế bởi vì bất kỳ ai đã sống trong thế giới này, trừ những kẻ không phát triển trí óc được do nghiệp báo nhiều đời nhiều kiếp để lại, đều phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp phấn đấu của đời mình và phải nâng cao trí tuệ mới có thể làm nên sự nghiệp cho cuộc sống.


Trong Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác, Đức Thế tôn có dạy các bậc Bồ tát cần phải: “Thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp”tức là “Cần thường phải nghĩ đến việc biết đủ, yên trong cảnh nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình”.

Điều răn này nằm trong bài kệ thứ ba của Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác (Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân). Kinh này chỉ gồm tám bài kệ ngắn nói về tám điều giác ngộ lớn, song chỉ cần một phần của bài kệ thứ ba này cũng đủ làm kim chỉ nam cho những hành giả thành tâm tu học. Không những thế đó là một chân lý, một sự thật sáng tỏ cho mọi con người sống trên trần thế.

Người học Phật là người luôn luôn lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp của đời mình

Một lần, trong pháp hội ở Tịnh xá Kỳ Viên, tôn giả A Na Luật thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, trong tăng đoàn với tinh thần lục hòa, thì việc quên mình, xả bỏ tự ngã là điều chúng con có thể làm được.Đối với chúng sinh phải tuyệt đối từ bi, tuyệt đối nhân ái, đây cũng là điều mà chúng con đã biết… Nhưng bạch Đức Thế Tôn ! Những phật tử tại gia học đạo rất nhiều, đệ tử xuất gia tiếp cận xã hội hoằng Pháp lợi sinh cũng rất đông. Những vị như vậy làm thế nào để cầu được giác ngộ, tiến nhập niết bàn ? Cúi xin đức Thế Tôn từ bi khai thị!”

Đức Phật hoan hỷ trả lời: “Này A Na Luật, lời nói của ông rất đúng. Điều ông hỏi là vấn đề học hạnh Đại nhân (Bồ tát). Tôi sẽ vì ông mà nói tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân, mà đệ tử Phật nên ngày đêm chí tâm tụng niệm…” Tuy bản kinh rất ngắn, chỉ có tám điều mà mỗi điều là một bài kệ có từ 5 đến 10 câu kệ 4 chữ, nhưng đây là một bản kinh rất phù hợp và thích hợp không những cho hàng phật tử xuất gia mà còn cho hàng phật tử tại gia thọ trì.

Kinh văn tuy ngắn nhưng giá trị lại vô cùng trọng yếu ! Tám điều giác ngộ như ngọn kim chỉ nam chỉ cho ta con đường chính đạo về nhân sinh. Đây là những điều răn dạy giúp cho chúng sinh nhận rõ cái vô minh mà quay về bờ giác ngộ, giúp cho người phật tử tại gia rất nhiều trên đường học đạo.


Chữ Tuệ trong “Duy Tuệ” ở đây cần phải hiểu một cách đầy đủ, đó là cái trí tuệ làm cho con người có khả năng nhận biết và hiểu rõ theo chính pháp, hiểu được những giáo lý cơ bản mà đức Phật đã chỉ ra, hiểu rõ quy luật của trời đất muôn loài là vô thường, khổ, vô ngã, là duyên sinh, duyên khởi, là nhân quả và nghiệp báo. Với trí tuệ đó, con người ta mới rũ bỏ mọi phiền não, đau khổ, đạt được giải thoát, giác ngộ. Đó mới là sự nghiệp đích thực của đời người.

Vậy trí tuệ trong “Duy Tuệ thị nghiệp” cần phải hiểu như thế nào? Ta đã biết rằng đạo Phật là một đạo từ bi và trí tuệ. Đó là hai đặc điểm căn bản của Phật giáo. Phật giáo đã ra đời từ hơn 2.500 năm nay. Sự kiện ra đời của đạo Phật kể từ khi Thái tử Tất Đạt Đa, sau 5 năm rời bỏ kinh thành tìm thầy học đạo, 6 năm tu khổ hạnh ở rừng già, Ngài đã đạt đạo sau 49 ngày nhập định dưới gốc cây Bồ đề, là một sự kiện làm thay đổi trào lưu tư tưởng, thay đổi xã hội loài người. Từ bao lâu nay, người ta không phải chỉ coi đạo Phật là một tôn giáo mà còn coi đạo Phật là một nền triết học, và là một hệ thống giáo dục toàn diện về mặt xã hội.

Trong lịch sử loài người, kể từ trước công nguyên đã xuất hiện nhiều hệ thống tư tưởng triết học. Nhưng phải thấy rằng từ khi có Phật giáo thì Phật giáo thực sự là một nền triết học vì các hệ thống tư tưởng trong nền triết học Phật giáo này có thể đánh đổ mọi quan niệm tư tưởng của các nền triết học khác từ phương Đông sang phương Tây, từ cổ chí kim về những quan niệm cơ bản về vũ trụ quan và nhân sinh quan. Cho đến hiện nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Triết học ra đời ở cả phương Đông và phương Tây gần như cùng một thời gian, đó là vào khoảng thế kỷ VIII – V trước Công nguyên (TCN) tại các trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời cổ đại như Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp…

Đạo Phật đã ra đời cũng vào thời kỳ đó ở Ấn Độ với Đức Thích Ca Mâu Ni (624 – 544 TCN) tạo nên một hệ thống triết học siêu việt. Cùng với khoảng thời gian đó, ở Trung Quốc, các học thuyết triết học của Khổng Phu tử (551 – 479 TCN) và Lão Tử (thế kỷ thứ 6 TCN) cũng ra đời. Ở Hy Lạp có các nhà triết học như Democritos (sinh khoảng 470 TCN), Socrate (470 – 399 TCN), Platon (427-347 TCN) cũng xuất hiện với các hệ thống tư tưởng triết học khác nhau. Đó là điểm qua một số tên tuổi các nhà triết học lớn, trên thực tế còn nhiều hệ thống tư tưởng triết học khác tồn tại cho đến ngày nay.

Về mặt thời gian, nó đề cập đến các vấn đề, sự kiện và hiện tượng trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai, trong nhiều đời, nhiều kiếp với khoảng thời gian vô thủy vô chung, mà đời sống con người dưới hình thể thân xác chỉ là một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi.

Về mặt không gian, nó bao hàm cả những chi tiết nhỏ nhất trong đời sống trên trần thế cho đến các sự kiện, hiện tượng vô cùng to lớn và vô tận trong vũ trụ bao la, đến những thế giới cách cõi trần thế mà con người đang sống này hàng tỷ tỷ năm ánh sáng. Về mặt nội dung giáo dục, Phật giáo đề cập nhiều đến các vấn đề về đạo đức học, trí tuệ học, hướng đến chân thiện mỹ, làm cho con người sống tốt hơn lên với tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả…


Vì vậy, Phật giáo là một nền giáo dục rộng lớn đầy trí tuệ, đạo đức nhằm giáo dục mọi chúng sinh những hiểu biết, nhận thức đúng đắn và đầy đủ các quy luật về vũ trụ và nhân sinh.

Ngày nay, chữ Thầy và trò được dùng trong nhà trường để chỉ người dạy và người học. Còn từ xưa, hàng Phật tử đã gọi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là Thầy, là Bổn sư, và tự xưng mình là trò, là đệ tử. Ngày nay các Phật tử đều gọi các vị tăng ni là thầy và các đạo tràng thực sự là trường học đạo đức.

Điều này chứng tỏ đạo Phật xác định rõ đức Phật là Thầy và chúng ta là những học trò và như vậy Phật giáo là một nền giáo dục, vì rõ ràng chỉ có trong nền giáo dục mới có vai trò của người thày và người trò, và người trò cũng sẽ trở thành người thày nếu biết tu tập để đạt thành chính quả, như lời Phật dạy “Mọi chúng sinh đều có tâm Phật” và “Ta là Phật đã thành còn mọi chúng sinh là Phật sẽ thành”, chứ không giống như trong một số tôn giáo khác coi giáo chủ là thần thánh, là thượng đế và những tín đồ theo đạo là con chiên ngoan ngoãn, chỉ biết nghe theo.

Bây giờ ta xét đến nội dung của chữ Tuệ trong lời dạy của Đức Phật trong “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và ý nghĩa thâm sâu của câu kệ.

Tuệ hay còn gọi là huệ, dùng để chỉ cái trí, cái trí tuệ mà trong Phật giáo nguyên thủy đã dùng để chỉ cái trí tuệ rộng lớn, sâu sắc và viên mãn. Trong tiếng Phạn có danh từ Bát Nhã (Prajnà), một từ mà các vị tổ Phật giáo từ xa xưa khi chuyển dịch kinh văn từ tiếng Phạn sang Hán Văn đã không thể nào tìm một từ nào thay thế cho được, nên cuối cùng phải dùng từ phiên âm Bát Nhã. Bát Nhã trong tiếng Phạn có rất nhiều nghĩa như : Xa lìa vô minh phiền não (viễn ly), sáng suốt không mờ tối (Minh), thông suốt (Trí), sáng tỏ thông suốt (Trí tuệ), thanh tịnh, trong sạch, không nhiễm ô.

Bát Nhã có nhiều nghĩa như vậy, nên các vị Tổ ngày xưa khi dịch đành phải để nguyên âm chữ Phạn (Prajnà) là Bát nhã. Tuy nhiên, trong các nghĩa trên đây, chữ trí tuệ thì có phần rõ ràng và sát nghĩa hơn hết. Nhưng đây là một loại trí tuệ đặc biệt, phát sinh từ công hạnh tu hành theo pháp quán không mà chứng đắc. Ðây là loại trí tuệ thanh tịnh của chư Phật vừa rỗng lặng vừa trong suốt, nhờ đó mà quán chiếu được thật tướng của các pháp và thấy rõ các pháp là không có tự tính.

Trí tuệ nói chung cũng có nhiều loại khác nhau như:

- Trí tuệ thế gian là trí tuệ của đời thường. Thông thường trí tuệ này biểu hiện ở những người học giỏi, thông minh, lanh lợi, nhiều kiến thức, thường được gọi là trí thức. Nhưng đó là thứ trí tuệ của thế gian, của thế tục phàm phu. Cái trí tuệ này có nhiều trình độ cao thấp khác nhau, dù đó là trí tuệ của một nhà bác học lỗi lạc nhưng cũng không phải là trí tuệ Bát nhã đúng theo nghĩa Bát nhã của Đại thừa, gọi là trí tuệ thế gian hay trí thức đời thường.

- Trí tuệ ngoại đạo là trí tuệ của những người ngoại đạo do công phu tu luyện mà có, biết được quá khứ hiện tại vị lai, thần thông biến hóa. Nhưng chỉ là trí tuệ tà đạo, không phải là trí tuệ Bát nhã.

- Trí tuệ Nhị thừa là trí tuệ của các hàng thánh thanh văn, duyên giác do tu theo pháp Tứ Diệu đế và Thập Nhị nhân duyên mà thành đạo quả. Các vị này cũng thoát khỏi sinh tử luân hồi, thần thông tự tại, biết được việc quá khứ hiện tại và vị lai. Nhưng trí tuệ đó mới chỉ phá được cái chấp của ngã, chưa phá được cái chấp của pháp. Vì vậy cũng không phải là Trí tuệ Bát nhã.

- Cái cao nhất là Trí tuệ Bát Nhã, đó là trí tuệ của các bậc đại thừa tu theo pháp Lục độ ba la mật và giác ngộ hoàn toàn. Đó là trí tuệ của chư Phật và của các vị Bồ tát Đại thừa. Công dụng của trí tuệ Bát nhã có thể phá được hết tất cả mọi vô minh vọng chấp. Bởi thế trí tuệ Bát nhã có thể chiếu soi các pháp thì pháp nào cũng phải bỏ hình giả dối mà còn lại tướng chân thật của các pháp, tức là chân như hay chân lý của vũ trụ đã hiện ra vậy.

Trí tuệ có nhiều loại như vậy, cho nên cần phải hiểu trí tuệ trong “Duy tuệ thị nghiệp” như thế nào? Bởi vì đây là lời kinh mà Đức Phật dạy cho tất cả các loại bồ tát, từ người sơ cơ mới bước chân vào đường học đạo cho đến các vị đại bồ tát đã qua thập địa , nên chữ tuệ ở đây bao hàm một nghĩa rất rộng từ thấp đến cao, từ cái trí tuệ thấp nhất của trí tuệ đời thường (tri thức) đến cái cao nhất là trí tuệ bát nhã.

Từ xưa đến nay, nhiều nhà nghiên cứu Phật học, cũng như các bậc chư tôn thiền đức, các bậc thiện tri thức tu học Phật đã đề cập đến khái niệm trí tuệ và vai trò của trí tuệ trong Phật giáo. Nói chung đều thống nhất ở một điểm là phải có cái học nghiêm túc, sâu sắc thì mới phát sinh ra tuệ tức trí tuệ. Nhưng để đạt đến trí tuệ phát sinh thì phải qua nhiều giai đoạn học hỏi, rèn luyện từ thấp đến cao, có thể hiểu như từ trí thức chuyển thành trí tuệ. Khái niệm trí thức (giai đoạn thấp) là chỉ cho những hiểu biết đời thường kể cả về những hiểu biết cao siêu về khoa học kỹ thuật, tự nhiên và xã hội, còn khái niệm trí tuệ là trình độ đạt đến giác ngộ của các bậc Bồ tát đại thừa trở lên. Một Phật tử hay một học giả thâm uyên dù có biết rộng mọi khái niệm về khổ và lý thuyết diệt khổ hay một số giáo lý cơ bản thì mới chỉ được phần trí thức. Nhưng có đạt được trí tuệ hay không là do công hạnh hành trì thực chứng cao hơn..

Cũng vì vậy mà trong đạo Phật mới có hai bậc học là bậc hữu học và bậc vô học, trong đó bậc vô học là cao hơn, trên bậc hữu học. Hay nói khác đi, về cơ bản có hai loại trí tuệ, trí tuệ hữu lậu và trí tuệ vô lậu, trong đó trí tuệ vô lậu là cao hơn hết. Đó cũng là cái gọi khác của trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian. Người có trí tuệ hữu lậu (trí tuệ thế gian) là người có tri thức nhưng còn mang đầy phiền não, chấp trước, còn tham sân si và chỉ có khả năng hiểu biết hiện tượng bình thường nhưng còn dính mắc với tham sân si mạn nghi, tà kiến và phiền não. Còn trí tuệ vô lậu (trí tuệ xuất thế gian) là trí tuệ thanh tịnh, có khả năng đoạn trừ phiền não không bị nhiễm ô hữu lậu, tức là trí tuệ bát nhã đã đạt được chứng ngộ giải thoát, niết bàn.

Nói một cách đơn giản, trí tuệ hữu lậu là trí tuệ đạt được nhờ sự hiểu biết do được nghe, giảng, đọc (văn), sau đó tư duy, suy nghĩ (tư) và sau cùng đem những hiểu biết vào ứng dung, hành trì (tu). Tức là Văn-Tư-Tu theo con đường tam huệ học. Còn trí tuệ vô lậu là trí tuệ được tu tập qua tu tập, tư duy, quán chiếu, phải do tu chứng mà tựu thành, không phải chỉ do cái học bình thường mà hun đúc nên được. Muốn có trí tuệ ấy phải có việc tu chứng tự ngộ bằng cách quán chiếu nghiêm trì giới luật (giới), công phu thiền định nghiêm mật (định) và quán chiếu phát sinh trí tuệ (tuệ) mới thành công được. Đó là quá trình thực hành Giới-Định-Tuệ của tam vô lậu học.

Đó là những ý nghĩa sâu xa của chữ tuệ hay trí tuệ theo quan điểm Phật giáo.

Một con người nếu suốt đời dù có trí thức (trí tuệ thế gian) mà chỉ lo cho sự nghiệp thế gian được hưng thịnh, nghĩa là chỉ lo cho việc tạo dựng sự nghiệp sao cho giàu có, ăn ngon mặc đẹp, đầy đủ vật chất tiện nghi, sống đời sung sướng, có địa vị quyền quý, cao sang được mọi người nể trọng mà không lo cho sự nghiệp phát triển trí tuệ tiến dần lên đạt đến trí tuệ xuất thế gian nghĩa là không hiểu hết được những giáo lý cơ bản của đạo Phật, không nắm được quy luật của vũ trụ và nhân sinh về vô thường, khổ và vô ngã, về duyên khởi và tính không, về quy luật nhân quả và nghiệp báo thì rõ ràng người đó không biết lo xa.

Bởi vì tiền của, giàu sang trong cuộc sống chỉ là tạm bợ, khi nhắm mắt suôi tay không thể nào mang đi được. Những người như thế không thấy rõ nhân quả tội phước trong đời hiện tại cũng như những kiếp về sau mà lo giữ gìn đạo đức, phát huy trí tuệ cũng chỉ là những kẻ vô minh, những chúng sinh mê lầm. Còn những người không bị vướng mắc vào ngũ dục, lục trần, tham sân si mạn thường lấy việc tu hành nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp, đó mới là những người biết sống để đạt đến giác ngộ giải thoát.

Vì vậy người học Phật là người luôn luôn lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp của đời mình.

Trong đời sống hàng ngày, hàng phật tử tại gia, nhất là các Phật tử ở phía Bắc, do hoàn cảnh lịch sử để lại trong gần một thế kỷ qua, nên đã có những quan niệm chưa chuẩn xác về tu hành nơi cửa Phật. Số đông các Phật tử miền Bắc đi chùa lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật, cầu xin là chính. Họ thành kính tin tưởng nơi cửa Phật sẽ cứu giúp họ qua khỏi những tai ương, gian khó ở đời, họ cầu xin được Đức Phật ban ơn cứu giúp họ tai qua nạn khỏi, họ cầu xin được sức khỏe an lành, được làm ăn phát tài phát lộc v.v…

Đức tin của Phật tử là điều cần phải có, nhưng chưa đủ. Là phật tử không phải chỉ có đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, làm công quả với tấm lòng thành cầu mong Phật độ. Điều đó là rất tốt, nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đúng và chưa đủ với công hạnh của người học Phật. Người Phật tử tụng kinh hằng ngày là điều rất tốt, nhưng nếu tụng kinh mà hiểu thấu lý những ý nghĩa của lời Phật dạy trong lời kinh câu kệ của bản kinh thì lại có nhiều công đức biết bao.

Người phật tử năng đi chùa, tụng kinh, lễ Phật mà không thay đổi được tính tình, đạo đức, cách hành xử trong đời sống cho tốt hơn có nghĩa là người phật tử đó chưa hiểu được giáo lý của đức Phật truyền trao, chưa nâng cao được trí thức học Phật để tu sửa mình, tu thân hành đạo, chưa nắm được những vấn đề giáo lý cơ bản của đạo Phật.

Vì vậy trong bài kệ thứ ba trong Bát Đại Nhân giác, Đức Phật đã khuyên cần phải :Thường niệm tri túc, An bần thủ đạo, Duy tuệ thị nghiêp. Điều đó nghĩa là bên cạnh việc cần phải luôn luôn biết đủ, vui cảnh nghèo giữ đạo, thì phải biết lấy tuệ làm sự nghiêp, lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp và cho sự nghiệp của đời mình.

Điều đó cũng có nghĩa là người phật tử phải luôn luôn lo việc nâng cao sự hiểu biết, kiến thức, tri thức mà bước đầu là những tri thức cơ bản về giáo lý của đạo Phật. Đức Phật đã từng dạy: “Người mà chưa biết đến về Tứ Diệu Đế thì chưa phải là Phật tử” vì Tứ Diệu đế là bài học đầu tiên, là giáo lý cơ bản lấy con người làm trung tâm.

Điều đó cũng có nghĩa đã là phật tử cần phải được nghe, được hiểu biết về cái “những nỗi đau khổ” của chúng sinh, cần phải biết đến những điều Đức Phật dạy về “khổ đế” (thực trạng đau khổ của con người), về “tập đế” (nguyên nhân hay nguồn gốc của đau khổ), về “diệt đế” (sự chấm dứt đau khổ) và về “đạo đế” (con đường hay phương pháp thực hành đưa đến sự tận diệt khổ đau).

Cũng cần phải biết được thế nào là Bát chính đạo (tám con đường chân chính, ngay thẳng giúp chúng sinh tu học đi đến đời sống tốt đẹp và cũng là tám con đường mầu nhiệm dẫn dắt chúng sinh đến địa vị Thánh). Không những thế, người phật tử cần phải hiểu biết về giáo lý Mười hai nhân duyên, sẽ giúp rất nhiều trên bước đường tu học.

Giáo lý của đức Phật vô cùng rộng lớn, thâm sâu, vi diệu, không thể nào học hết cho được kể cả các vị thánh tăng. Nhưng đã là phật tử cần phải hiểu biết những giáo lý cơ bản để tu tập cho đời sống phàm phu của mình. Đã là phật tử cần phải học hỏi, nâng cao sự hiểu biết, lấy tuệ làm sự nghiệp của đởi tu hành.

Vì vậy, người phật tử cũng cần phải hiểu thế nào là vô thường, vô ngã, khổ, tính không, duyên khởi, nhân quả và nghiệp báo. Tất cả những tri thức ấy cộng với lòng chân thành tin sâu vào giáo lý của đạo Phật, người phật tử sẽ tiến sâu hơn nữa, thực hiện nghiêm chỉnh việc giữ giới, kiên tâm tinh tấn trong thiền quán, thực hiện thiền định thì con đường đi tới phía trước sẽ thành tựu đạt đến trí tuệ Phật giáo.

Những hiểu biết trình bày trên đây, chỉ để minh chứng cho một điều là người phật tử tại gia ngoài việc lên chủa lễ Phật, niệm Phật, tụng kinh, làm công quả, cần phải chú trọng đến nâng cao sự hiều biết về giáo lý Phật giáo bằng cách nghe giảng Pháp, đọc sách, nghe băng đĩa nói về các giáo lý cơ bản của đức Phật. Đó là thực hiện lời dạy của Phật Duy tuệ thị nghiệp trong Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác, lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp của đời mình.

Duy tuệ thị nghiệp, lời của đức Phật dạy còn áp dụng cho cả mọi con người trên trần thế bởi vì bất kỳ ai đã sống trong thế giới này, trừ những kẻ không phát triển trí óc được do nghiệp báo nhiều đời nhiều kiếp để lại, đều phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp phấn đấu của đời mình và phải nâng cao trí tuệ mới có thể làm nên sự nghiệp cho cuộc sống.

Nguồn: FBNCVietnam


Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/ton-chi-giao-duc-bat-hu-cua-dai-hoc-van-hanh-xua-d16543.html)

Tin cùng nội dung

  • Chào Mangyte, xin vui lòng cho em hỏi: muốn nội soi dạ dày ở BVĐK Vạn Hạnh (Quận 10, TPHCM) thì chi phí là bao nhiêu? Xin cảm ơn Mangyte. ( Nguyễn Thị Thùy Trang - Quận Tân Phú - TPHCM)
  • Xin kính chào Mangyte, Em muốn đến khám bệnh tại BV Đại học Y dược nhưng nghe nói bệnh viện lớn lắm, em ở quê lên lại không quen biết, cũng không giỏi ăn nói nên không biết đến phải hỏi han thế nào. Kính mong Mangyte tư vấn quy trình khám bệnh của BV Đại học Y dược giúp em, để việc đi lại của em được dễ dàng hơn. Em xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của Mangyte nhiều. (Tăng Thị Minh - Tiền Giang)
  • Chào Mangyte, Em nghe nói BV Đại học Y dược có phòng khám Tâm lý và Chăm sóc giảm nhẹ không biết có đúng không? Em muốn hỏi, bệnh nhân có triệu chứng rối loạn hành vi như tự làm đau bản thân có thể đến khám tại phòng khám Tâm lý không? Em có thể hẹn trước lịch khám không? Em cám ơn rất nhiều. (Nguyễn Thị Thanh Hoa - Quận 6, TPHCM)
  • Kính chào quý báo, Em có nghe thông tin BV Đại học Y dược TPHCM có tổ chức phẫu thuật miễn phí cho người bị dị tật khe hở môi - hàm ếch. Em muốn tìm hiểu thông tin để đưa cháu nhà em đi chữa trị, kính xin quý báo giúp đỡ giùm em. Em xin trân trọng cảm ơn. (Mỹ Dung - mudung…@gmail.com)
  • Kính chào Mangyte, Tôi thường cảm thấy mạch đập trong bụng mình giống với nhịp đập của tim, đau đột ngột trong vùng bụng hoặc dưới lưng. Đi khám được chẩn đoán là phình động mạch chủ bụng. Được biết BV Đại học Y dược TPHCM có tổ chức khám và tư vấn miễn phí, kính mong Mangyte cung cấp cho tôi thêm thông tin về chương trình này. Xin chân thành cảm ơn. (Trần Hoài Nam - Tây Ninh)
  • Chào Mangyte, Tôi ở xa lên TPHCM khám bệnh, nghe nói BV Đại học Y dược TPHCM có thay đổi giờ làm việc. Kính mong Mangyte tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn. (Nguyễn Mạnh Tiến - Bình Dương)
  • Mangyte ơi, Tôi nghe nói BV Đại học Y dược đưa vào hoạt động phòng khám huyết học nhưng không biết thông tin cụ thể thế nào. Kính mong Mangyte tư vấn giúp tôi, phòng khám này hoạt động vào thời gian nào và khám cho những đối tượng bệnh lý nào ạ? Xin cảm ơn rất nhiều. (nuhoangbocap...@yahoo.com)
  • Chào Mangyte, Em bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và phải sử dụng dụng cụ hít nhưng không biết sử dụng sao cho đúng. Em nghe nói BV Đại học Y dược TPHCM có tổ chức tư vấn sử dụng dụng cụ hít, không biết điều này có đúng không? Kính mong Mangyte tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn.
  • Xin cho em hỏi bảng giá khám bệnh tổng quát ở bệnh viện Vạn Hạnh với ạ. Và em hỏi thêm nữa là bệnh viện này có chờ đợi lâu như ĐHYD hay Hòa Hảo không ạ Em xin cảm ơn. (Hạnh Nguyên - quận 12, TPHCM)
  • Tôi muốn xin địa chỉ các phòng khám của BV đại học Y dược TPHCM. Nhờ Mangyte giúp. Xin cảm ơn.