Mắt hôm nay

Trẻ con nghiện máy tính bảng, smartphone Đời sống

Nhiều trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ với mục đích chính là chơi game, trung bình dùng 1-2 giờ mỗi ngày, có em ôm điện thoại, iPad tới 4 giờ liền.

78% trẻ dưới 6 tuổi đã tiếp xúc với thiết bị công nghệ số. Đến độ tuổi 12, gần 100% trẻ đã sử dụng các thiết bị hiện đại này. Đây là kết quả do Trung tâm nghiên cứu văn hóa - giáo dục - đời sống xã hội TP HCM khảo sát trẻ em ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...  

Sự tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, tivi… giúp trẻ tiếp cận với những thông tin, kiến thức mới, phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Nhưng nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc sử dụng các thiết bị này quá sớm dễ khiến trẻ bị “nghiện” dẫn đến xao nhãng học hành, ít giao tiếp với cha mẹ và người thân, lười vận động và có nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Đặc biệt những nội dung thiếu lành mạnh trong máy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tư tưởng của trẻ con.

Trẻ em Việt Nam ngày nay được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ rất sớm. Ảnh: Thương Huyền 

TS Nguyễn Thị Hảo, Phó trưởng khoa Giáo dục, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM cho rằng hiện nay mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên bố mẹ thường rất chiều trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng việc tiếp cận sớm các thiết bị thông minh sẽ giúp con mình nhanh hiểu biết. Tuy nhiên hầu hết trẻ sử dụng thiết bị thông minh không mang lại kết quả tích cực như mong đợi của cha mẹ.

“Phụ huynh dễ dãi trong cách giáo dục con, đến lúc nhận ra tác hại thì thường phản ứng bằng cách không cho con tiếp xúc với thiết bị thông minh nữa”, bà Hảo nhận định.

TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM thì cho rằng thiết bị thông minh là một kênh giáo dục, giải trí quan trọng không chỉ với người lớn mà cho cả trẻ em. Do vậy cần phải có các nghiên cứu nghiêm túc về việc sử dụng công nghệ đối với lứa tuổi này sao cho hợp lý về thời gian, nội dung và mục đích sử dụng.

"Trẻ càng nhỏ, phụ huynh nên hạn chế sử dụng thiết bị thông minh nếu không sẽ dẫn tới sự phát triển lệch lạc về nhân cách", ông Điệp nói. Ông cho rằng các thiết bị thông minh dễ gây nghiện và kiến thức có được từ nó không bao giờ bằng kiến thức tự nhiên xã hội bên ngoài. Do vậy đối với trẻ dưới 6 tuổi thì nên để các bé tham gia các hoạt động thô sơ, những trò chơi đơn giản thực tế thay vì cung cấp các thiết bị số cho trẻ. Trên 6 tuổi, có thể cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh khoảng 2 giờ vào ngày cuối tuần và có định hướng cụ thể.

Khi lên cấp 2, các bé đã bắt đầu có ý thức thì cha mẹ cần quản lý chặt thời gian và nội dung. Học sinh cấp 3 nên học trên máy vi tính với thời gian quy định theo nội dung bài học ở trường. "Tuyệt đối không được ứng dụng thiết bị thông minh một cách chính thức cho học sinh cấp 1", ông Điệp nhận định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Lộc Phó Trưởng khoa Nhân học cũng cho rằng không thể phủ nhận được những đóng góp của thiết bị công nghệ đối với đời sống hiện đại. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đang lúng túng trong việc ứng xử thế nào đối với các thiết bị kỹ thuật số thông minh này để con mình không bị tác hại khi sử dụng.

Theo đại diện Trung tâm nghiên cứu văn hóa - giáo dục - đời sống xã hội TP HCM, sử dụng thiết bị công nghệ là xu hướng tất yếu của thế hệ trẻ trong cuộc sống hiện đại. Chúng sẽ không trở thành mối đe dọa cho sức khỏe, trí tuệ, tính cách và sự phát triển của trẻ. Do đó để giúp trẻ sử dụng thiết bị này một cách phù hợp, tối ưu, phụ huynh cần trang bị sự hiểu biết thực tế, cụ thể trước.

Nguyễn Loan

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/doi-song/tre-con-nghien-may-tinh-bang-smartphone-3103421.html)

Tin cùng nội dung

  • Từ bỏ thói quen hút Thuốc và các sản phẩm từ Thuốc lá là cách duy nhất để làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh cho bản thân và những người thân yêu của bạn. Dù rất khó để từ bỏ, hàng triệu người đã làm được. Tiếp theo bài viết “Từ bỏ thói quen hút Thuốc”, trong phần này, chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý giúp bạn đối phó với những vấn đề thường gặp trong quá trình cai nghiện Thuốc lá. Các phương pháp này cũng có thể áp dụng với những người sử dụng Thuốc lá ở dạng khác (nhai, hít).
  • Cai nghiện Thuốc lá là một quá trình đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, ý chí và quyết tâm của bản thân người nghiện cũng như sự ủng hộ của những người xung quanh. Mặc dù không dễ dàng, nhưng nhiều người đã thành công. Bên cạnh những biện pháp giúp khắc phục các triệu chứng khi cai nghiện Thuốc lá, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện những dòng sản phẩm hỗ trợ giúp quá trình cai nghiện trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
  • Máy tính xách tay giúp cho chúng ta có thể làm việc linh hoạt và năng động hơn nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh có liên quan đến lưng, cổ và vai.
  • Thực tế có không ít trường hợp bị đột quỵ, ch*t trên bàn game vì chơi quá nhiều. Điều đáng quan tâm là hiện nay số ca bệnh liên quan tới nghiện game ngày một tăng và trẻ hóa.
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY