Sáng 5/2, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV, thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Phải thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để “biến bại thành thắng”! Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ này là một thách thức cần phải đối mặt và vượt qua để giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu.
Thông điệp trên của Thủ tướng đã cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong ứng phó với dịch bệnh nCoV, nhưng để chiến thắng nó, rất thì cần sự chung tay góp sức từ cộng đồng, của mỗi người, mỗi đơn vị, tổ chức xã hội… bằng những hành động thiết thực, cụ thể.
Đã thấy được những tác động tiêu cực của dịch bệnh nguy hiểm này đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Cùng với việc phải huy động các nguồn lực cho phòng chống dịch, đã có nhiều công trình trọng điểm trên nhiều vùng của cả nước bị ngừng trệ, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất vì thiếu công nhân, nhiều địa phương học sinh phải nghỉ học để phòng dịch. Một ngày còn dịch là một ngày sinh hoạt của mỗi gia đình, của toàn xã hội bị xáo trộn, nền kinh tế đất nước thêm một ngày phải gánh chịu những tác động xấu và những hậu quả để lại sẽ thật khó lường.
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thời điểm hiện tại thiếu đến 30.000 chỗ làm (tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, giày da, cơ khí, tự động hóa, chế biến thực phẩm, kinh doanh, thương mại). Còn ở Đồng Nai, các doanh nghiệp cho biết đang “khát” nhân công đang thiếu tới 75.000 lao động, trong đó rất nhiều lao động sau Tết đã trở lại làm việc, nhưng khi dịch nCoV xuất hiện đã xin nghỉ việc. Không ít cá nhân vin vào cớ dịch nCoV để trây ỳ, thoái thác nhiệm vụ. Rồi những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, hành động trục lợi “ăn theo” từ dịch bệnh bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ và họ đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu, du lịch, hàng không cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với vô số chuyến hàng, chuyến bay, tour du lịch bị hủy hoặc phải hoãn. Thời điểm này những năm trước, hoạt động du lịch, văn hóa lễ hội khá nhộn nhịp, khách sạn, nhà hàng tất bật đón khách, thì nay đìu hiu, vắng lặng.
Thật buồn, ở thời điểm tâm dịch, rất nhiều nông sản của nông dân sản xuất ra mà không tiêu thụ được. Nông sản xuất sang Trung Quốc bị kẹt tại cửa khẩu; giá dưa hấu tiêu thụ nội địa chỉ trên dưới 7.000 đồng/kg mà không có người mua. Người sản xuất như ngồi trên đống lửa. Dẫu không mong muốn, nhưng đã có những lời kêu gọi “giải cứu nông sản” để chia sẻ khó khăn với nông dân.
Nhưng cũng thật cảm động, ở vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đã xuất hiện những hành động thấm đẫm tình người. Rất nhiều tổ chức, cá nhân chia sẻ những hành động đẹp, đứng ra kêu gọi, phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Không khỏi xúc động trước hành động của em Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4C1, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã quyết định ủng hộ toàn bộ số tiền em được mừng tuổi dịp Xuân Canh Tý 2020 để mua khẩu trang và nước rửa tay phát cho người dân Thủ đô. Rồi lan tỏa những tấm gương người thầy Thu*c không quản hiểm nguy, lăn xả để cứu chữa người bệnh.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước thương nòi. Khi đất nước gặp nguy hiểm gian nan, thiên tai địch họa, là lúc cả triệu triệu người như một, kết thành một khối, đồng lòng chia sẻ, làm nên sức mạnh vô địch để vượt qua dù khó khan đến mấy. Không chỉ đặt lòng tin tuyệt đối vào sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, của ngành Y tế, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch, mà sự nỗ lực, đóng góp có trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, cộng đồng… chính là nguồn lực to lớn để chúng ta chiến thắng dịch bệnh.
Chủ đề liên quan:
cách ứng phó với dịch virus nCoV corona virus dịch bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV ứng phó virus corona