Gần nửa đêm, tôi hốt hoảng khi nhận được điện thoại của em dâu báo em trai đang cấp cứu trong bệnh viện. Em e dè bảo: “Anh có tiền cho em mượn mấy triệu đóng viện phí, vợ chồng em nghỉ việc mấy tháng nay, khó khăn quá”. Cúp máy rồi, tôi thở dài vì trong ví chỉ còn mấy trăm ngàn đồng.
Tôi vừa thay áo quần vừa nghĩ xem có thể mượn tiền ở chỗ nào, chẳng lẽ hỏi vợ trong khi cả tháng nay tôi chưa có lương đưa vợ. Đi ngang qua phòng bếp, tôi thấy vợ đang làm sữa chua cho kịp đơn hàng ngày.
Vợ thấy tôi chuẩn bị đi ra ngoài mới hỏi, khi biết chuyện, vợ mở ví lấy hai triệu đồng rồi bảo: “Anh cầm ít tiền đi cho yên tâm”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Giữa lúc khó khăn, tôi mới phục sự thu vén chi tiêu của vợ.
Vợ tôi biết tiết kiệm và tính toán đến từng bữa ăn sao cho hợp lý. Ảnh minh hoạ |
Vợ tôi nấu ăn cho một trường mầm non tư thục ở gần nhà với mức lương ba triệu đồng một tháng. Từ sau tết, học sinh nghỉ học để phòng dịch, vợ tôi phải nghỉ làm không lương. Tôi lái xe cho công ty vận tải du lịch, lương cứng năm triệu đồng, chưa kể các khoản phụ thu khác. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, lượng khách thuê xe ít nên ông chủ nợ lương.
Dù tình hình như thế nhưng cuộc sống gia đình tôi không có sự thay đổi gì. Vợ không nửa lời than vãn, mỗi ngày vẫn đủ ba bữa cơm với các món như thường lệ. Còn tôi thấp thỏm, nếu cứ thế này gia đình sẽ ra sao.
Trước đây, hàng tháng, tôi chỉ đưa vợ tiền lương còn các khoản kiếm thêm ngoài tôi giữ để chi tiêu cá nhân. Với từng đó tiền, tôi phó mặc cho vợ một mình xoay xở, cũng chỉ vừa chi tiêu trong tháng chứ lấy đâu ra tiết kiệm phòng lúc thất nghiệp thế này.
Vậy mà vợ bảo: “Mình vẫn còn một khoản tiền tiết kiệm, anh đừng lo lắng quá”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Em nói để anh yên tâm à? Ăn còn không đủ lấy đâu ra để dành”. Lúc đó, vợ mới đưa ra mấy cuốn sổ tiết kiệm. Vợ bảo: “Mỗi tháng em đều dành được một ít, phòng khi gặp khó khăn”.
Vợ kể, nhận lương xong là trích ngay hai triệu để gửi tiết kiệm, sau đó mới tính toán chi tiêu. Ngoài các khoản cố định, vợ cố gắng cắt giảm tối đa những thứ không cần thiết. Ví như ở trường nấu dư thực phẩm, vợ mua lại với giá rẻ để ăn trong ngày. Phần thức ăn thừa của học sinh, vợ chịu khó gom lại chở về cho những nhà nuôi heo, mỗi tháng cũng được thêm vài trăm ngàn đồng.
Giờ phải nghỉ không lương, vợ không ngồi yên chờ đợi mà tìm cách kiếm tiền ngay. Vợ tập tành làm mấy món ăn vặt cho trẻ như sữa chua, kẹo dẻo, bánh quy, rau câu… rồi đăng lên Facebook bán. Nhờ có các cô giáo trong trường tương tác mà khá đông phụ huynh đặt mua cho con trong lúc nghỉ ở nhà.
Vợ cũng nhận nấu bữa sáng cho trẻ, giao hàng tận nhà để phụ huynh không phải đưa con ra quán ăn giữa mùa dịch bệnh. Lượng khách ngày càng tăng do các bé đã quen với khẩu vị thức ăn ở trường và ba mẹ cũng yên tâm vì biết người nấu làm cấp dưỡng.
Tôi đi giao hàng cho vợ nên cũng tránh cảnh ngồi không, suy nghĩ linh tinh. Số tiền kiếm được hàng tuần đủ để lo chi tiêu trong gia đình, thậm chí còn dư ra một ít. Có vậy là nhờ vợ biết tiết kiệm và tính toán đến từng bữa ăn sao cho hợp lý. Cơm nguội của buổi tối được dùng để nấu cháo vào buổi sáng. Trước đây cũng thế, hầu như nhà tôi không đi ăn sáng ở ngoài mà chỉ ăn tại nhà, tận dụng lại thức ăn thừa hôm trước nên không mấy tốn kém.
Trong khi đó, vợ chồng em trai tôi thu nhập mỗi tháng mấy chục triệu đồng nhưng kiếm được đồng nào "xào" đồng ấy. Nhà em thường xuyên đi ăn nhà hàng, uống cà phê sang chảnh, mua sắm hàng xịn. Bây giờ công việc khó khăn lại gặp sự cố, em không biết xoay xở vào đâu vì không có tiền tích luỹ.
Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình khiến nhiều cặp vợ chồng lục đục. Tôi thấy mình thật may mắn khi có vợ đảm đang, giỏi xoay xở.c