Sơ cấp cứu hôm nay

“Vua” chữa bỏng đông - tây y kết hợp

Mọi người gọi ông là “vua chữa bỏng” của xứ Thanh. Ông là Lê Ngọc Bảo, quê ở xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Từ chữa cho mình đến chữa cho người Ông Bảo sinh năm 1954 ở làng Phú Võ, xã Hoằng Thành. Tháng 8.1972, khi đang học lớp 10, ông lên đường nhập ngũ vào nam chiến đấu. Trên đường hành quân dừng chân ở tỉnh Khăm Muộn (thuộc Lào), ông bị nỏng nặng. "Lần đó, tôi nâng một nồi cháo lớn đi từ chân đồi lên đỉnh, không may bị vấp ngã, cháo nóng táp lên mặt làm bỏng nửa khuôn mặt bên trái", ông Bảo nhớ lại.

Dù rất đau đớn, nhưng vì việc quân gấp gáp lại không có Thu*c men nên ông không được chữa trị kịp thời. Mặc dù anh em đã vận động cho ông nằm lại bệnh viện dã chiến để điều trị, song ông vẫn cương quyết tiếp tục hành quân vào chiến trường.

Trong những ngày tháng hành quân đó, ông vẫn mang vác chiến cụ, vẫn đào hầm như những đồng đội khác… bất chấp những cơn đau do vết bỏng hành hạ. Chính vì tinh thần đó, ông đã được tham dự lớp cảm tình Đảng và kết nạp vào Đảng ngay trong quân ngũ, khi mới 20 tuổi.

Trong quá trình hành quân qua các vùng miền, đi đến đâu, ông cũng dò hỏi người dân địa phương cách chữa bỏng để tự điều trị. Cuối cùng, sau nhiều tháng trời ròng rã, ông đã tự điều trị được vết bỏng trên mặt mình (đến nay chỉ để lại sẹo mờ). Cũng từ ngày đó, ông tâm niệm, nếu còn sống sót qua chiến tranh, nhất định sẽ học tập, nghiên cứu bài Thu*c để chữa bỏng cho mọi người.

Thật đúng là "nghề nghiệp chọn người", sau giải phóng, ông được cử đi học y sĩ khoá đầu tiên của Quân khu 7. Sau hai năm học tập, ông được điều động sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Ông phục vụ ở đó suốt 4 năm, từ năm 1978 - 1981, rồi phục viên trở về địa phương với quân hàm thiếu uý.

Ngày trở về địa phương, dù vẫn ấp ủ dự định điều trị bỏng cho mọi người, song hoàn cảnh bấy giờ hết sức khó khăn nên ông chưa có điều kiện thực hiện ước mơ của mình. Mãi tới năm 1987, do nhu cầu bức thiết, chính quyền đã vận động ông ra làm trạm trưởng trạm y tế xã để phục vụ cho nhân dân.

Từ ngày đó, ông bắt đầu vận dụng các bài Thu*c dân gian có sẵn, kết hợp với việc chuyên sâu nghiên cứu, tìm tòi để áp dụng thành công việc chữa bỏng cho nhân dân với chi phí thấp, thời gian nhanh và hiệu quả cao (hầu như không để lại sẹo).

Đến nay, hơn 30 năm đã trôi qua, ông Bảo đã tích luỹ kinh nghiệm dày dặn tới mức có thể khẳng định được rằng trừ trường hợp quá nặng, còn các ca bỏng từ độ 3 trở xuống ông đều chữa khỏi và hầu như không để lại sẹo. Ông còn tự tin cho biết chỉ cần nhìn vết bỏng là có thể biết ngày lành.

chữa bỏng hiệu quả bằng đông - tây y kết hợp

Nói về cách chữa bỏng, lương y Lê Ngọc Bảo cho biết, người dân ở quê do thiếu kiến thức nên thường có những cách sơ cứu phản khoa học như đổ nước mắm, đắp mẻ, bôi dầu hoả, xát muối… lên vết bỏng. Điều đó chỉ làm cho vết bỏng càng nặng hơn.

Ông khẳng định, khi bị bỏng, chỉ cần ngâm vết bỏng trong nước lạnh từ 15 - 20 phút rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở điều trị là có thể chữa rất nhanh và hạn chế tối đa việc để lại sẹo.

Ông nhớ có một trường hợp bị bỏng xăng (người huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) đã nhanh chóng lao xuống ao để dập lửa và ngâm mình dưới nước trước khi chuyển đến chỗ ông điều trị. Theo ông, đó là cách sơ cứu hoàn toàn đúng. Khi đến trạm y tế, ngoài việc chữa bỏng, ông chỉ cần tiêm phòng uốn ván để ngăn ngừa bệnh là được.

Thời kỳ đầu mới ra làm trạm trưởng, ông chủ yếu sử dụng phương pháp điều trị bằng đông y. Nhưng cùng với sự tiến bộ của y học trong nước, ông đã kết hợp cả đông và tây y vào trong phác đồ điều trị để đạt được kết quả cao nhất.

Thu*c nam được ông thu hái, sao chế dùng điều trị trực tiếp lên vết bỏng, còn Thu*c tây được sử dụng nhằm làm giảm đau, hạ sốt, ngừa uốn ván hoặc truyền dịch. Phác đồ điều trị của ông rất linh hoạt, đa số các ca chữa bỏng chỉ kéo dài từ 3 - 5 ngày là bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục.

Lương y Lê Ngọc Bảo tâm sự, thời kì đầu, phương pháp chữa bỏng của ông không được công nhận về mặt khoa học. Song, hiệu quả đạt được trong việc chữa trị đã khiến các chuyên gia đầu ngành cũng phải thay đổi cách nhìn về nó.

Năm 1998, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế và GĐ Viện bỏng Trung ương Lê Thế Trung về thăm, nhận thấy phương pháp chữa bỏng của ông rất hiệu quả nên đã động viên khích lệ ông tiếp tục chữa trị cho người bệnh. Ông cũng được nhận bằng khen của Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ, cùng 2 lần đi báo cáo điển hình toàn quốc (năm 1994 và 1999).

Tháng 10 tới đây, ông Bảo về hưu, nhưng chắc chắn, người lương y ưu tú ấy sẽ vẫn tiếp tục sự nghiệp chữa bệnh cứu người của mình.

Mangyte.vn
Theo Phục Long - Lao động

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-vua-chua-bong-dong-tay-y-ket-hop-2542.html)
Từ khóa: chữa bỏng

Chủ đề liên quan:

bỏng chữa bỏng kết hợp tây y

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY