Kinh tế xã hội hôm nay

Xóm ngụ cư ven sông Hồng: Nhọc nhằn mưu sinh trong mùa dịch Covid

Dịch Covid-19 đã khiến cho cuộc sống mưu sinh của những lao động tự do tại xóm ngụ cư (xóm Phao) dưới bãi sông Hồng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Xóm ngụ cư hay còn gọi là xóm Phao (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) hình thành trong thập niên 90. Đây là nơi cư ngụ của hơn 30 hộ dân đến từ nhiều vùng quê khác nhau với nhân khẩu khoảng 100 người. Các "căn nhà" ven sông được dựng lên một cách chắp vá, tận dụng từ nhiều vật liệu bỏ đi miễn sao đủ che mưa, che nắng. Người dân đang sống trên các bè nổi tạm bợ trong cảnh 3 không: không hộ khẩu, không điện lưới, cũng không nước máy. Xóm ngụ cư là một thế giới khác giữa lòng thành phố ồn ào và náo nhiệt.
Ông Nguyễn Đăng Được, đại diện xóm Phao cho biết, các hộ dân nơi đây đều không có hộ khẩu nên họ không thể xin được công việc ổn định, họ chỉ có thể kiếm sống chủ yếu bằng nghề bốc vác, cắt cỏ, bán ve chai, hoa quả. Cuộc sống vốn đã bấp bênh, tình hình dịch bệnh Covid-19 càng khiến cho toàn bộ cư dân xóm Phao điêu đứng.
"Treo niêu" triền miên kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020, vợ chồng chị Trang - anh Cường rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát. Dịch bệnh khiến cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp, gánh nặng là 3 đứa con còn nhỏ. Đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ mới tròn 1 tuổi đau ốm thường xuyên. Anh Cường bị tật bẩm sinh bên chân trái khiến anh đi lại tập tễnh, trước làm bảo vệ cho một công ty nhưng vì lý do này anh bị sa thải để thế chỗ cho người khỏe mạnh hơn.
Thứ tài sản lớn nhất của vợ chồng chị Trang - anh Cường là mái ấm nhỏ đầy ắp tiếng cười của 3 đứa trẻ.
Chị Trang trước đây làm tạp vụ cho một bệnh viện, không có hợp đồng nên cứ có ca nhiễm là phải nghỉ. Ở nhà nhiều quá chị Trang cho rằng là nguyên nhân hai vợ chồng "nhỡ" thêm cậu út. Điều kiện ăn ở, chăm sóc, dinh dưỡng thiếu thốn khiến cháu hay ốm vặt. Còn 2 đứa lớn (lớp 2 và lớp 3) theo học ở trường Tiểu học Nghĩa Dũng. "Tài sản lớn nhất của chúng em là ba đứa con, có khó khăn thế nào vẫn phải cố gắng cho cháu được học hành tử tế. Mỗi tháng 1 tổ chức nhân đạo có trợ giúp thêm cho các cháu nhà em 250 nghìn cùng 10 kg gạo", chị Trang chia sẻ.
Được biết, điều đáng mừng ở xóm Phao là trẻ em được học hành đến nơi đến chốn không như thời kỳ đầu. Ông Được cất công tìm hiểu từng hoàn cảnh một rồi lặn lội về địa phương xác minh lý lịch từng người. Có lý lịch, nguồn gốc, những đứa trẻ mới được đăng ký giấy khai sinh, mới được đi học. Bây giờ, tất cả những đứa trẻ sinh ra ở xóm ngụ cư này đều có giấy khai sinh và được đến trường, đi học như bao đứa trẻ khác... Cách đó mấy nhà là gia đình anh Sơn, chị Ngân. Ông Được cho biết, cả hai vợ chồng hiện đang làm thuê dưới phố, tối mặt mới thấy về, đây cũng là trường hợp khó khăn trong xóm vì phải kéo theo "4 tàu há mồm"."Biết bố mẹ vất vả, cả bốn chị em chúng nó cứ tự giác chăm sóc nhau như vậy đó. Con lớn hằng ngày cơm nước, chiều lại đưa các em tắm gội sạch sẽ. Trẻ em xóm Phao rất ngoan, học hành cũng khá. Cứ nhìn lũ trẻ cười làm tôi quên hết mọi thứ, mong rằng tương lai chúng sẽ "lên bờ", ông Được nói.
Những người dân xóm ngụ cư có sức khỏe một chút, hằng ngày ra chợ ngồi, ai gọi thì đi làm. Phụ nữ thì lên phố bán rong, hàng nước, rửa bát, cắt cỏ... Những người từ 60 tuổi trở lên chỉ có một nghề duy nhất là nhặt rác. Đêm đêm, họ lang thang khắp thành phố Hà Nội nhặt chai lọ, giấy vụn để bán, đến sáng mới trở về căn lều để nghỉ ngơi.
Những người lao động xóm Phao vốn bươn chải, cóp nhặt từng đồng, kiếm cơm từng bữa. Dịch nối tiếp dịch khiến tình cảnh của họ càng lao đao hơn, nhất là với những người sống bằng nghề buôn gánh bán bưng. Chị Nga, một người dân trong xóm cho biết, ngày trước chưa có dịch việc bán hoa quả còn suôn sẻ, từ ngày xuất hiện dịch bệnh hoa quả lúc nào cũng tồn vì ế khách. Những hôm nắng nóng như thế này, hoa quả càng nhanh hỏng phải vứt bỏ, chấp nhận lỗ vốn.
Sau nhiều năm kiến nghị với các cấp chính quyền, hiện nay UBND Ngọc Thụy đã cho phép người dân xóm Phao được sống tạm trú ở đây. Theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Được, người dân xóm Phao sống rất hiền lành, lao động chân chính, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo. Trong những ngày tới 100% người dân trong xóm sẽ thực hiện nghĩa vụ bầu cử.

Minh Châu

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/xom-ngu-cu-ven-song-hong-nhoc-nhan-muu-sinh-trong-mua-dich-covid-611568.html)

Tin cùng nội dung

  • Tiêu chảy tức là đi ngoài nhiều hơn và ra phân lỏng. Việc không kiểm soát được có thể dẫn đến giảm cân, mất nước, kém ăn và sức khỏe yếu do tiêu chảy.
  • Ung thư và quá trình điều trị của căn bệnh này đôi khi có thể khiến người bệnh khó nuốt. Lời khuyên nào sẽ hữu ích giúp cải thiện tình trạng khó nuốt cho trẻ
  • Xạ trị vào bụng, ngực, não, hoặc xương chậu có thể gây ra buồn nôn kéo dài trong vài giờ. Buồn nôn và nôn có thể đi từ nhiều nguyên nhân khác nữa.
  • Chứng mệt mỏi trong ung thư là luôn có cảm giác mệt suốt ngày và không dễ cải thiện sau khi nghỉ ngơi. Cần tham khảo tư vấn chuyên gia để có phương pháp chăm sóc tốt nhất
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY