TS-BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, trả lời: Khi da bị cháy nắng, bạn cần ngưng ngay việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm dịu da bằng cách đắp mát, thoa các loại sữa dưỡng thể hoặc kem dưỡng ẩm làm dịu da, bù bằng đường uống nếu có mất nước nhẹ. Nếu đỏ da, đau rát nhiều, bạn có thể sử dụng một số Thu*c kháng viêm và giảm đau đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, như có dấu hiệu của bỏng nặng, da rộp nước nhiều hay có mất nước nhiều, bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bị cháy nắng cụ thể như sau: tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời, nên sử dụng áo dài tay, quần dài, nón rộng vành và đeo kính mát để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thoa kem chống nắng đúng cách: chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, thoa lượng đủ dày, thoa kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài, thoa lại sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi tắm hay ra mồ hôi nhiều. Thoa kem chống nắng cả khi thấy trời râm mát. Kết hợp thoa kem chống nắng và sử dụng viên uống chống nắng theo chỉ định của bác sĩ.
Ng.Thạnh ghi