Chỉ còn một ngày nữa trước "giờ G", hãy điểm lại những công việc cần thiết dưới đây để xóa tan mọi âu lo, tự tin bước vào phòng thi và đạt điểm thật cao để chinh phục trường đại học yêu thích nhé!
Lo âu, căng thẳng là tâm lý thông thường trước kỳ thi, thậm chí nhiều sĩ tử còn rơi vào tình trạng "stress chồng chất" hoặc cố gắng ôn tập đến nỗi "quên ăn quên ngủ". Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM - HUTECH), sơ suất thí sinh thường mắc phải trước ngày thi chính là vì quá lo lắng mà bỏ qua sức khỏe và tâm lý của chính mình.
Chỉ còn chưa đầy 24h nữa, thí sinh 2k2 sẽ bước vào kỳ thi quyết định
Tuy nhiên, sức khỏe cũng quan trọng không kém kiến thức trước kỳ thi quan trọng. Đừng quên nguyên tắc "có thực mới vực được đạo", những bữa ăn với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau xanh, trái cây, cá... sẽ giúp bạn dự trữ đầy đủ năng lượng. Đồng thời, hãy tạm bỏ qua những món khoái khẩu như fastfood hay nhiều chất kích thích như cà phê, trà đặc; đừng tự "thử thách" mình với những bữa sáng mới lạ - hãy để dành lại sau hoàn thành kỳ thi. Một "chiếc bụng đầy" và khỏe mạnh chắc chắn sẽ giúp bạn yên tâm "chiến đấu" với đề thi hơn là "chiếc bụng rỗng"!
Sau bao ngày ôn luyện, cuối cùng thì "ngày này đã đến", vậy trong những giờ cuối cùng trước ngày thi, bạn làm gì? Đừng sai lầm mà "căng não" để... "cày" cho đến sáng mai đi luôn nhé! Vì não bộ làm việc liên tục trong lúc tinh thần căng thẳng thật ra chẳng hề hiệu quả, thêm nữa, những kiến thức học theo kiểu "nhồi nhét" như thế sẽ chẳng thể giúp bạn nhớ thêm tí nào khi vào phòng thi, mà chỉ càng làm bạn nhanh chóng quên đi kiến thức quan trọng mình đã ôn.
Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý trước ngày thi sẽ giúp bạn thoải mái hơn
Vậy nên, hãy nhớ lại lời khuyên chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, đừng bỏ qua tâm lý của mình! Hãy để cho não bộ và tinh thần của bạn một ngày nghỉ ngơi thư giãn, bỏ qua hết những thông tin ngoài lề kiểu như "tủ bài nào"... để thư giãn, nghỉ ngơi nhằm sẵn sàng cho những phút giây tập trung cao độ trong phòng thi. Tâm lý thoải mái sẽ giúp tinh thần nhẹ nhàng, bạn sẽ không quá hồi hộp mà quên hết kiến thức, lại còn thoải mái hơn để còn làm bài thi thật tốt nữa.
Nhiều bạn thường nghĩ, ôi chao, đồ đem theo thi cử ít mà, sáng cứ cầm mà đi là xong. Bạn ơi, không phải đâu nhé! Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cũng chia sẻ rằng, buổi sáng của ngày thi thường sẽ là lúc bạn bắt đầu hồi hộp dần, lúc đó mới vội vã đi tìm đi tìm bút viết, giấy tờ... thì chắc chắn là không ổn đâu.
Chính vì thế, ngày trước "giờ G" này là lúc hợp lý nhất để bạn chuẩn bị, kiểm tra lại chiếc túi sẽ theo mình bước đến trường thi. Hãy lấy chiếc túi bạn thấy thuận tiện nhất, cầm lấy bút viết với ít nhất hai chiếc bút cùng loại, cùng màu mực, thước kẻ, bút chì, (gôm) tẩy, máy tính được cho phép (đối với môn thi Toán, bài thi Khoa học Tự nhiên) và giấy báo dự thi quan trọng, chứng minh nhân dân... và cho vào túi, để ở nơi bạn dễ thấy nhất trong nhà cho ngày hôm sau. Vậy là hôm sau chỉ "xách túi lên và đi thi" nhé!
Kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng, nhưng cánh cửa để bước vào Đại học không chỉ có thế. Năm 2020, nhiều quy chế tuyển sinh mới đã được cập nhật, do đó, các phương thức xét tuyển cũng ít nhiều được đổi mới và đa dạng hơn. Chẳng hạn như HUTECH có 03 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển điểm thi Tốt nghiệp THPT, Xét tuyển học bạ (gồm hai hình thức: Xét theo điểm trung bình 03 học kỳ (học kỳ 1 và 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12) và Xét theo điểm trung bình học tập lớp 12 theo 03 môn tổ hợp) và Xét tuyển điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thí sinh vẫn có nhiều lựa chọn xét tuyển, thay đổi nguyện vọng... sau kỳ thi tốt nghiệp THPT
Hãy cứ thoải mái hơn vì sau kỳ thi tốt nghiệp, các bạn vẫn có cơ hội điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, hoặc đăng ký xét tuyển theo nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển cho bản thân. Và việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt kịp thời thông tin của trường đại học yêu thích cũng góp phần giúp thí sinh bớt căng thẳng theo kiểu "nghe đồn là...", chủ động nhất có thể với tương lai của mình.
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link