Tâm sự hôm nay

15 năm đi tìm lại công bằng

Từ năm 2005 đến nay, các hộ dân ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo những sai phạm trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường du lịch ven sông Lam.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã nêu quan điểm, cần xem xét lại quyền lợi cho những hộ dân này.

Ngày 22/3/2004, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường giao thông ven sông Lam, từ Cửa Hội đi thị trấn Nam Đàn. Dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư, UBND các huyện có dự án chạy qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Tại huyện Nam Đàn, tháng 10/2004, trên cơ sở hồ sơ do huyện này lập, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt giá trị bồi thường GPMB cho 140 hộ dân thuộc xã Xuân Lâm bị ảnh hưởng bởi dự án. Ngoài ra, có 208 hộ dân khác của xã Xuân Lâm cũng được bồi thường khi xây dựng tuyến nhánh của dự án này. Sau khi hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, huyện Nam Đàn đã tiến hành chi trả tiền, tuy nhiên đến nay vẫn còn 19 hộ dân không nhận tiền vì không nhất trí với mức giá bồi thường về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, bố trí tái định cư...

Ông Nguyễn Cảnh Phúc (trú xóm 2, xã Xuân Lâm, Nam Đàn) là 1 trong 19 hộ dân trên, không nhớ nổi đã bao nhiêu lần tới các cơ quan chức năng, thậm chí ra cả Văn phòng Quốc hội, Chính phủ để gửi đơn. “Đằng đẵng qua, chúng tôi vẫn có một niềm tin, quyền lợi của chúng tôi sẽ được xem xét và giải quyết thấu đáo”, ông Phúc chia sẻ. Cũng chính vì nhiều năm ôm đơn đi kiện, căn nhà của ông nhiều lần bị kẻ xấu lấy đá ném lên mái ngói, mái tôn. Những dòng chữ chửi bới, xúc phạm một nhà giáo về hưu như ông xuất hiện dày đặc trên các bức tường trong xã. “Tôi biết nhưng tôi không xóa, vì tôi không làm gì sai cả”, ông Phúc khẳng định.

Gần 200m2 đất của gia đình ông Công bị thu hồi, áp giá đền bù trong khi chưa có quyết định thu hồi đất.

Ngày 20/6/2004, ông Phúc và hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Lâm được mời lên hội trường xã để nghe Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nam Đàn phổ biến chủ trương xây dựng đường ven sông Lam, về giá cả bồi thường, chính sách hỗ trợ và các nội dung liên quan. Những tháng ngày sau đó, cán bộ huyện Nam Đàn về đo đếm hiện trạng, kiểm kê thực tế. Ông Phúc được cho biết rằng, ông bị thu hồi 589,25m2 và được bồi thường hơn 18 triệu đồng tiền đất và tài sản trên đất.

Cho rằng, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nam Đàn không có quyết định thu hồi đất nên ông Phúc không đồng ý nhận tiền đền bù. Đến tháng 9/2007, UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt bổ sung giá trị bồi thường đất nhưng ông Phúc vẫn không đồng ý. 5 năm sau, ngày 23/2/2009, sau khi có ý kiến chỉ đạo của ông Hồ Đức Phớc, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thì UBND huyện Nam Đàn mới ban hành quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Phúc và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Phạm Văn Công (trú xóm 6, xã Xuân Lâm) nhiều năm nay cũng bị hàng xóm, láng giềng dị nghị chỉ vì “suốt ngày đi kiện”. Nhà ông Công bị thu hồi 195,6m2 đất để thực hiện tuyến nhánh dự án đường ven sông Lam.

Ông Công được thông báo sẽ được đền bù hỗ trợ hơn 16 triệu đồng nhưng chẳng có ai đưa cho ông một giấy tờ gì, đặc biệt là quyết định thu hồi đất. Không chịu nhận tiền, bàn giao mặt bằng, ông Công bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo và đến tháng 3/2010, UBND huyện Nam Đàn tổ chức cưỡng chế bảo vệ thi công. Quá uất ức, ông Công làm đơn khiếu nại và tố cáo những hành vi vi phạm của các cán bộ huyện Nam Đàn trong việc thu hồi, GPMB cũng như tổ chức cưỡng chế đất đai, tài sản của gia đình ông. “Năm 2009, UBND huyện Nam Đàn mới ban hành quyết định thu hồi đất của gia đình tôi, nhưng trước đó vào năm 2005 đã phê duyệt giá trị bồi thường GPMB. Việc này không chỉ sai về quy trình thủ tục mà còn sai trong việc áp giá đền bù, gây thiệt hại cho gia đình tôi”, ông Công bức xúc nói.

Tại buổi tiếp dân định kỳ vào tháng 8/2019, ông Nguyễn Đắc Vinh, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã đề nghị UBND tỉnh giao thanh tra tỉnh thành lập tổ công tác rà soát các nội dung đơn tố cáo, phân loại, xử lý theo quy định, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Đến tháng 10/2019, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có báo cáo 596/BC-TTR gửi UBND tỉnh về nội dung mà công dân khiếu nại, tố cáo. Theo báo cáo, đối với nhóm nội dung khiếu nại liên quan đến giá bồi thường, thanh tra tỉnh cho rằng, các nội dung này đã được UBND huyện Nam Đàn giải quyết khiếu nại (lần đầu) và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giải quyết khiếu nại (lần 2) nhưng công dân không đồng tình. Căn cứ Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Tuy nhiên, sau khi xem xét hồ sơ, theo quan điểm của Thanh tra tỉnh Nghệ An, thứ nhất, Nghị định số 22/1998/NĐ-CP không quy định cụ thể giá đất đền bù phải tính theo giá tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất. Nhưng tính đến ngày 25/10/2004 (ngày ban hành Quyết định phê duyệt giá trị bồi thường), Luật Đất đai năm 2003 đã có hiệu lực gần 4 tháng và quy định rõ là giá đất đền bù tính tại thời điểm có quyết định thu hồi. Luật là văn bản có hiệu lực cao nhất, phải áp dụng theo Luật Đất đai năm 2003. Thứ 2, Khoản 1, Điều 34, Nghị định số 22/1998/NĐ-CP không quy định, trường hợp cần thiết phải sớm giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án “cho phép tổ chức thực hiện lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi có quyết định thu hồi đất” mà chỉ quy định “có thể thành lập hội đồng đền bù trước khi có quyết định thu hồi đất”.

Khiếu nại của ông Phạm Văn Công về việc Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn ban hành quyết định trái pháp luật, thực hiện cưỡng chế khi chưa có quyết định thu hồi đất, ngày 15/12/2014, Sở Tư pháp Nghệ An đã có văn bản trả lời về vấn đề này và cho rằng, Quyết định số 04/QĐ-UBNDXPVPHC ngày 09/02/2010 và Quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 01/3/2010 của Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn có một số nội dụng trái pháp luật và đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn ban hành quyết định thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định này, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) cho công dân theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Nam Đàn vẫn chưa ban hành quyết định thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định này.

Sau khi nhận được báo cáo của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi các ngành Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, GTVT, Tài chính và UBND huyện Nam Đàn nghiên cứu và cho ý kiến bằng văn bản đối với 2 phương án do thanh tra đề xuất. Từ đây, thanh tra tập hợp các ý kiến, tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An giải quyết xử lý, chấm dứt vụ việc.

Từ Thành - Phạm Bằng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/15-nam-di-tim-lai-cong-bang-n171212.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY