Nhìn lại cách dạy con của mình, nếu bạn đã từng lọt vào những trường hợp dưới đây, có thể bạn đã sai lầm vì càng dạy, con càng hư.
Nhiều bà mẹ vẫn nghĩ rằng
dạy con càng nguyên tắc càng tốt và cứng rắn, không nhân nhượng mới có thể khiến con ngoan. Có thể họ đúng, nhưng ranh giới cũng rất mong manh.
Đánh mắng con ở chốn đông người
Không khó để chứng kiến cảnh này. Trên xe buýt, trong chợ, ở bến xe hay thậm chí ở nhà chờ sân bay. Đứa bé càng ưng bướng, la hét, bà mẹ càng điên cuồng đánh mắng để chiến thắng. Bà mẹ này đã trực tiếp
dạy con mình rằng, khi tức giận, con ‘có quyền’ làm tổn thương người khác!
Dĩ nhiên là sai. Một đứa bé cũng cần được giữ thể diện, ở chốn đông người càng cần hơn. Người mẹ có thể muốn chứng tỏ rằng, mình cũng biết như thế là hư, và mình không chấp nhận con hư như thế. Nhưng hành động này lại chứng tỏ là bà chẳng biết gì về dạy dỗ con cái.
Toàn đưa ra mệnh lệnh
Sai lầm này hầu hết các bà mẹ đều mắc phải. Họ nghĩ rằng, thông điệp đơn giản trẻ sẽ dễ nghe theo nhưng họ quên rằng, khi trẻ hiểu ra vấn đề, trẻ sẽ nghe lời hơn.
Thay vì ra lệnh trong siêu thị “không được cầm cái này” bạn có thể nói “bình hoa rất nặng, con cầm lên sẽ bị rơi vỡ, mình phải đền rất nhiều tiền và chân con có thể bị đau”. Tương tự, thay vì nói “không được uống nước mía” bạn có thể giải thích “nước mía ở bến xe không vệ sinh, mẹ sợ con đau bụng”…
Các chuyên gia cũng khẳng định, những câu ngăn cấm không lý do thường chẳng có tác dụng gì với trẻ. Ngoài ra, khen ngợi con nếu trẻ biết nghe lời, ngoan ngoãn cũng là một cách
dạy con tích cực.
Khi cha mẹ cũng phạm luật
Dù bạn có dạy chúng tuân theo quy tắc gia đình, tuân theo pháp luật ngoài xã hội một ngàn lần thì chỉ cần một lần bạn vi phạm, mọi công sức coi như bỏ.
Nếu bạn vượt đèn đỏ vì quá vội, trẻ sẽ vượt đèn đỏ sau đó và đổ thừa vì mình cũng vội. Nếu bạn lười hót rác và chỉ một lần quét chúng ra cầu thang chung cư, trẻ sẽ nghĩ rằng, cầu thang không nhất thiết phải sạch và được phép quét ra đó nếu quá lười!
Thưởng và hối lộ là khác nhau
Khi trẻ có kết quả học tập tốt, cha mẹ thưởng bằng cách cả nhà xem một bộ phim đang rất hút ở rạp và trẻ cảm thấy rất vui. Điều này khác với tuyên bố: nếu con được 10 điểm, mẹ sẽ cho con 50 ngàn đồng! Việc làm sau chính là một sự hối lộ.
Trẻ ngoan, hãy khuyến khích và cho trẻ biết là bạn vui lòng, trẻ hư cũng vậy. Đặc biệt là không nên để trẻ hy vọng rằng, sẽ luôn luôn được thưởng sau mỗi việc làm tốt.
Ra những hình phạt không thực hiện được
Hình phạt cần rõ ràng và thực hiện được ngay. Đừng tuyên bố sẽ phạt trẻ những điều mà bạn không thể thực hiện. Nhiều mẹ nghĩ rằng, hình phạt càng ‘kinh dị’ thì bé càng sợ.
Ví dụ, nếu con không tắt tivi, mẽ sẽ mang tivi cho chú hàng xóm! Chuyện đó chắc chắn là không thực hiện, vậy thì lần sau, liệu bé có sợ những lời dọa của mẹ không?
Thay vào đó, nếu con không tắt tivi bây giờ, thì trước khi đi ngủ, mẹ không cho xem chương trình ‘chúc bé ngủ ngon’, và bạn phải không cho thật, bé mới tin và nghe lời trong những lần sau.
Ra những hình phạt không phù hợp
Mỗi lứa tuổi, mỗi giới tính và mỗi hoàn cảnh gia đình sẽ giúp các bà mẹ tìm được một hình phạt thích hợp. Chìa khóa ở đây là hình phạt phải phù hợp và ‘trong khả năng’ của bé cũng như chính khả năng thực hiện của cha mẹ.
Bạn cần quán triệt rằng, thông qua hình phạt, cha mẹ muốn
dạy con trở thành một đứa bé ngoan, trở thành một người tốt. Hình phạt không nên là một sự trả giá, một sự sỉ nhục.