Tâm sự hôm nay

Bác sĩ bảo lãnh tiền thay động mạch cho bệnh nhân nghèo

Trong lúc dân mạng đang xôn xao về việc Bác sĩ Nguyễn Đức Chính bảo lãnh viện phí để mổ cho bệnh nhân nghèo, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện khác. Đó chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện đẹp về ngành y mà chưa từng được lên báo.
Câu chuyện cách đây 2 tháng cũng diễn ra tại bệnh viện Việt Đức.

Bệnh nhân là một phụ nữ khoảng trên 50 tuổi, người dân tộc Thái ở Yên Bái, bệnh nhân được chuyển xuống Việt Đức trong đêm lúc gần 0h với chẩn đoán phồng động mạch chủ chậu. Bệnh nhân rất gầy, nhìn rõ khối phồng khi thăm khám lâm sàng. Xem phim CT ổ bụng - các bác sĩ đều tỏ vẻ "kinh sợ" vì kích thước khối phồng quá lớn, nó có thể bục bất cứ lúc nào - và bệnh nhân có thể Tu vong ngay, nếu khối phồng đó bục.

Một case quá khó và nguy hiểm, nguy hiểm cho cả bệnh nhân và cho cả các bác sĩ - mổ thành công thì không sao, nhưng nếu thất bại (mà tỉ lệ thất bại lại rất cao) thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều thứ.

Vậy là kíp trực phải gọi điện xin ý kiến tham vấn của một thầy chuyên gia về lĩnh vực mạch máu (một tua trực ngoài các bác sĩ trực chính tại bệnh viện còn có trực lãnh đạo, trực tham vấn - luôn trong tình trạng sẵn sàng).

0h sáng, trời thì đang mưa, thầy phải từ nhà đến viện để mổ cấp cứu case này.

bệnh nhân nghèo, trong người tất cả chỉ có gần 2 triệu đồng, trong khi để mổ thay đoạn động mạch chủ chậu như vậy - chi phí phải ứng trước là 10 triệu đồng - là tiền của đoạn mạch nhân tạo (đoạn mạch chữ Y - loại rẻ, không tráng bạc), các bác sĩ thì có chỉ định mổ cấp cứu - nhưng không có tiền thì kho vật tư cũng không thể xuất ra đoạn mạch nhân tạo đó. (Mọi người đừng vội "chửi" tại sao họ không chịu xuất, lương tháng của họ có được bao nhiêu đâu, bây giờ xuất ra đoạn mạch 10 triệu đồng, lúc bệnh nhân không chi trả thì ai sẽ đứng ra đền tiền, lại còn trách nhiệm với khoa, phòng... nhiều vấn đề lắm)

Sau đó xin ý kiến bác sĩ cột 1, ký bệnh án mổ cấp cứu, đẩy thẳng bệnh nhân vào phòng mổ, kíp mổ chuẩn bị bệnh nhân, sẵn sàng chờ thầy chuyên gia (đang trên đường đến), mọi việc đều rất khẩn trương.

Thầy đến và tiến hành mổ cho bệnh nhân, lúc mổ ra, khối phồng dài khoảng 16 cm, chiều ngang 10 cm, “khủng khiếp”, mọi người đều sợ hãi với khối phồng động mạch lớn như thế.

Tiến hành bộc lộ, bóc tách xong, bắt đầu kẹp động mạch chủ rồi bảo người phụ ngoài lấy đoạn mạch nhân tạo.

Lúc này không ai dám bóc đoạn mạch nhân tạo, vì bệnh nhân chưa đóng tiền. Vì bác sĩ cột 1 ký bệnh án cho mổ cấp cứu nhưng chưa thấy ghi ai sẽ chịu tiền cho bệnh nhân... Nên phòng mổ không dám bóc đoạn mạch nhân tạo đó.

Và cũng vì nguyên tắc, các chị phải gọi điện xin ý kiến trưởng tua trực trong phòng mổ - nhưng vẫn phải theo nguyên tắc.

Ngay cả khi thầy bảo cứ bóc đi, có gì anh chịu trách nhiệm, tình trạng bệnh nhân như vậy mà nguyên tắc cái gì... mọi người cũng không ai dám bóc, thầy thì vẫn đang chăm chú - và nghĩ rằng mọi người ra lấy đoạn mạch rồi. Mình đứng phụ và thấy các chị bên ngoài đùn đẩy nhau không ai dám bóc - mình nói với thầy: "Thầy ơi không có ai chịu bóc đoạn mạch đâu thầy ạ "...

Thầy phải tạm ngừng, tháo găng ra ký vào bệnh án - sẽ chịu chi phí cho bệnh nhân, lúc này mọi người mới chịu bóc, thầy lại thay áo mổ, đi găng mới và tiếp tục mổ cho bệnh nhân. Thay đoạn động mạch chủ chậu xong, khâu động mạch xong, mở động mạch chủ kiểm tra thì phát hiện đoạn động mạch chậu P lại bị phồng một đoạn. Vậy là lại phải thay thêm đoạn động mạch chậu P.

Ca mổ kéo dài 5 tiếng và đã thành công tốt đẹp.

Mổ xong cũng gần 6 giờ sáng, thầy bảo, bây giờ anh phải về tắm rửa thay đồ rồi còn đi làm, đêm qua đi vội quá, anh mặc quần ngố lên viện. Trời mưa, một anh bác sĩ khác bảo để em lấy xe đưa thầy về nhưng anh từ chối rồi ra lấy xe máy đi về.

Tôi may mắn được tham gia vào case mổ đó, chứng kiến mọi thứ từ đầu đến cuối. Thật khó để có thể diễn tả được hết những gì đã diễn ra và những cảm xúc khi chứng kiến toàn bộ quá trình. Nhưng đó quả thật là một kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghề y của mình. Có lẽ chỉ khi tự mình trải qua thì mới hiểu được hết những dòng cảm xúc như vậy. Một case mổ khó, nhiều rủi ro như vậy, bình thường thì mọi người cũng chưa chắc đã đủ can đảm để nhận mổ, huống hồ còn bảo lãnh tiền nộp mua dụng cụ phẫu thuật cho bệnh nhân...

Mạnh Hùng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-bac-si-bao-lanh-tien-thay-dong-mach-cho-benh-nhan-ngheo-10598.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY