Tâm sự hôm nay

Bệnh nhân Y Non với niềm vui ngày ra viện

Cách đây 85 năm, bệnh viện phong đầu tiên ở miền Trung đã được dựng lên tại Vũng Dừa Quy Hòa.
Cách đây 85 năm, bệnh viện phong đầu tiên ở miền Trung đã được dựng lên tại Vũng Dừa Quy Hòa. Giờ đây, với tên gọi Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hoà, cơ sở y tế có trách nhiệm chỉ đạo tuyến khu vực miền Trung - Tây Nguyên về bệnh phong và da liễu này đang có sự phát triển vượt bậc.

Lấy chất lượng bù cái thiếu

Thành công mới đây của bệnh viện trong năm 2014 là cứu sống bé Y Nôn (11 tuổi, ở Kon Tum) bị hội chứng Lyell, viêm da dày sừng có suy sụp đa phủ tạng, viêm da mũ hoại tử. Từ một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng Tu vong hơn 90%, các y, bác sĩ của bệnh viện đã dốc toàn lực cấp cứu và cứu sống Y Nôn, từng bước điều trị và chăm sóc cho tới khi cô bé ra viện với sức khỏe tốt. Được biết, từ năm 2005 tới nay, tỷ lệ phát hiện bệnh da liễu trong khu vực đã giảm xuống dưới 1/100.000 người và giữ ở mức ổn định. Tuy vậy, tại một số nơi trong khu vực Tây Nguyên, tình hình bệnh vẫn diễn biến khó lường. Điển hình như tỷ lệ phát hiện bệnh tại tỉnh Kon Tum cao nhất trong khu vực, trên ngưỡng 2,79/100.000 người; tại tỉnh Gia Lai là 2,04/100.000 người và chưa có xu hướng giảm. Số ca nhiễm bệnh chủ yếu tập trung tại các xã, huyện miền núi xa trung tâm, đi lại khó khăn, dọc theo biên giới với Lào, Campuchia. Trong 5 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ trẻ em nhiễm bệnh phong tăng 3,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo BS. Nguyễn Khánh Hòa - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, tình hình phòng chống bệnh phong hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức. Tây Nguyên là khu vực có dịch tễ phong cao nhất nước. Cán bộ tuyến huyện, xã chưa được đào tạo nhiều về chuyên khoa da liễu. Nhận thức của một số bà con còn kém nên không phát hiện được bệnh sớm. Xuất hiện một số bệnh da liễu hiếm gây hoang mang trong khu vực... Trước tình hình đó, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hoà đã chỉ đạo các sở y tế trong khu vực tăng cường tập trung khống chế nguồn lây, triển khai khám, phát hiện sớm bệnh nhân mới tới từng thôn, xóm; đẩy mạnh phát hiện và điều trị phản ứng phong, phẫu thuật phục hồi chức năng, phòng chống tàn tật; đào tạo, tập huấn cán bộ mạng lưới chuyên sâu, liên tục; tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp người dân hiểu biết về bệnh; kết hợp nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để kiểm soát và đẩy lùi bệnh phong...

Có thể thấy rằng, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tình hình dịch tễ bệnh phong chưa ổn định, càng khám càng phát hiện thêm nhiều bệnh nhân mới. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ chuyên khoa da liễu – phong thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn; kinh phí hoạt động dành cho chương trình phòng, chống phong giảm rất nhiều một phần do khó khăn về kinh tế chung, mặt khác, do chưa hiểu đầy đủ về dịch tễ bệnh phong nên khi thấy số lượng bệnh nhân phong giảm, một số địa phương liền cắt bớt kinh phí dẫn đến hoạt động phòng, chống phong có lúc chùng xuống; số lượng bệnh nhân cần chăm sóc tàn tật, phục hồi chức năng hiện còn nhiều nên đòi hỏi cần có sự tập trung về thời gian, nhân lực và kinh phí rất lớn.

Tăng cường chất lượng điều trị tại bệnh viện

Sau nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa hiện có 2 cơ sở: Cơ sở Quy Hòa có 200 giường bệnh, phục vụ chủ yếu cho bệnh nhân phong, phục hồi chức năng do phong, các bệnh đa khoa trên bệnh nhân phong; Cơ sở Quy Nhơn theo thiết kế có 100 giường bệnh nhưng thực kê 200 giường. Đối tượng phục vụ chủ yếu là bệnh da liễu nặng, khó chẩn đoán và các bệnh đa khoa. Nhà điều trị mới có công suất thiết kế 100 giường, sẽ “giảm tải” cho cơ sở Quy Nhơn, đáp ứng nhu cầu về những phòng bệnh tiêu chuẩn cao. Nhà khám có khu khám chuyên khoa và đa khoa với những phòng khám hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người bệnh.

BS. Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực để trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng I hoàn chỉnh và đa khoa phổ cập của miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2020, tiến tới đạt trình độ ngang tầm với khu vực vào năm 2030. Theo đó, sẽ ưu tiên đầu tư cho cơ sở Quy Nhơn để phát triển Trung tâm Laser và Trung tâm Tế bào gốc điều trị các bệnh da liễu; Trung tâm Tạo hình và thẩm mỹ; Trung tâm Vẩy nến và các bệnh tự miễn... Đồng thời, tiêu chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm huyết học, hóa sinh, vi sinh, sinh học phân tử và giải phẫu bệnh, xây dựng khoa xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh đó, sẽ duy trì và phát triển kỹ thuật hiện có, ứng dụng công nghệ mới để khám chữa bệnh phong, bệnh da liễu cấp tính; kiểm soát tình hình dịch tễ phong và một số bệnh lây truyền qua đường T*nh d*c thông qua phân vùng dịch tễ; khống chế các nguy cơ tàn tật độ II ở người bệnh phong mới. Đặc biệt, sẽ phát triển phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật nội soi; thành lập Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám, điều trị có chất lượng và dụng cụ chỉnh hình cho người bệnh phong, người bệnh thuộc hệ đa khoa.

Theo thống kê, từ năm 2009 đến năm 2013, cả nước đã phát hiện được 1.702 bệnh nhân mới/58,7 triệu lượt người được khám, điều trị khỏi hoàn toàn cho 2.245 bệnh nhân. Tuy nhiên, do thời gian ủ bệnh của bệnh phong từ 3 - 5 năm, có thể lâu hơn từ 10 - 15 năm nên có thể nhiều người hiện nay đã nhiễm vi khuẩn phong nhưng chưa phát triển thành bệnh dẫn đến nguy cơ bệnh phong có thể quay lại bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, để đảm trách chỉ đạo tuyến về phòng chống bệnh phong và da liễu trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, bên cạnh tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ cao, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương cần bám sát địa bàn, đào tạo cán bộ ngay tại cơ sở để kịp thời phát hiện, khám chữa cho người dân tại địa bàn tránh phải di chuyển xa, giảm tốn kém cho người bệnh.

Quang Hùng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-benh-nhan-y-non-voi-niem-vui-ngay-ra-vien-5722.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY