1. Chỉ trong vòng vài tuần, virus Corona đã phát triển từ một vấn đề tưởng chừng xa xôi thành đại dịch và hiện nay đang ảnh hưởng rõ rệt tới từng bữa ăn, giấc ngủ của mỗi người. Có thể nói, dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu rộng lớn nhất trong nhiều thập kỷ gần đây, khi phần lớn các quốc gia, các lĩnh vực đều lần lượt bị cuốn vào.
Đến sáng ngày 4/4, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đã vượt con số 1 triệu, chính xác là 1.097.810 người; hơn 59.000 người đã thiệt mạng và con số đó chắc chắn thấp hơn so với thực tế. Và thật đáng lo ngại, đây chưa phải là những con số cuối cùng. Ở Việt Nam, sáng ngày 4/4 cũng ghi nhận thêm 6 ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiễm mới trong vòng 24 giờ, nâng số người nhiễm virus này lên con số 239.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.
Ảnh hưởng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của dịch bệnh là sự đảo lộn trong sinh hoạt của con người. Con virus Corona đã vượt xuyên qua biên giới các nước và ngày càng thâm nhập vào cộng đồng và từng gia đình của chúng ta khi nhịp sống của từng người, từng nhà, bị đảo lộn hoàn toàn.
2. Chiều 3/4, phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương chung là không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16; cần thực hiện nghiêm hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong”, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm.
Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực phòng, chống dịch COVID-19 trong vòng 15 ngày tới, do đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần phối hợp nhịp nhàng hơn, nhuần nhuyễn hơn; cần làm nhanh nhưng phải chính xác.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu này, các cấp, các ngành cần thay đổi trong tư duy, phương pháp làm việc. “Xã hội chậm lại nhưng những người làm công tác phòng chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế phải tăng tốc hơn, tiếp tục quyết liệt hơn nữa, khẩn trương hơn nữa”. Đó không chỉ là yêu cầu của Thủ tướng mà là mệnh lệnh xã hội vào thời điểm này.
3. Tuy nhiên, trong lúc bức bách, đối mặt với sự cố chưa từng có tiền lệ này, một số địa phương đã hiểu chưa đúng tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ đó có những việc làm máy móc như rào đường, đổ đất cản trở lưu thông. Nhiều tuyến đường nhánh, đường gom dân sinh tại các thôn cũng bị chặn để tập trung kiểm soát, tạo ra sự “ngăn sông cấm chợ” không cần thiết. Thậm chí tại một số nơi, xe biển số ngoài tỉnh khi vào đến địa phận của địa phương đã được yêu cầu quay lại.
Rất nhanh sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này. Cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, mọi người không tránh được những lo sợ. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã ví cuộc đấu tranh chống dịch bệnh như "cuộc chiến chống giặc", chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân và trong lúc này, yêu cầu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng. Do đó, chúng ta có lý để tin rằng, việc nghiêm túc triển khai đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính là chìa khóa thành công trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19.