Riêng bản thân tôi đã giúp các chị y tá đi lĩnh máu, nhưng lúc đấy tôi chưa hiểu hết giá trị của ngân hàng dự trữ máu và công tác truyền máu.
Những ai đã qua thời sinh viên dưới mái Trường đại học Y Hà Nội, chắc chắn đã từng được đi học lâm sàng và tham gia trực ở Bệnh viện Bạch Mai, cũng đã ít nhất một lần đi lĩnh máu ở ngân hàng máu của bệnh viện trong đêm để cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Riêng bản thân tôi đã hơn một lần giúp các chị y tá đi lĩnh máu, nhưng lúc đấy tôi chưa hiểu hết được giá trị của ngân hàng dự trữ máu và công tác truyền máu.
Giờ đây, khi đã tốt nghiệp ra trường và đi làm, cơ quan nơi tôi công tác là một bệnh viện tuyến huyện, thiếu thốn về mọi mặt, về nhân lực, về cơ sở vật chất. Bệnh nhân đến viện khám và điều trị bệnh đa phần là bệnh nhân nghèo và thường đến viện khi bệnh đã rất nặng. Quá trình điều trị bệnh chỉ mới thuyên giảm đã nằng nặc đòi ra viện, nguyên nhân là người ta không có tiền ăn uống hàng ngày, mặc dù viện phí đã được Nhà nước hỗ trợ. Đã có rất nhiều nghĩa cử cao đẹp như áo ấm tình thương, khám bệnh phát Thuốc miễn phí tại địa phương hay bát cháo tình thương... nhưng tôi thấy ý nghĩa và trân trọng nhất có lẽ là đội hiến máu tình nguyện lưu động do các nhân viên trong cơ quan kết hợp với Hội chữ thập đỏ địa phương, vì ở đây không có ngân hàng dự trữ máu và các thành phần của máu thì nguồn máu quý giá đó đã cứu được nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch, thập tử nhất sinh.
Là một bác sĩ được phân công công tác tại khoa ngoại tổng hợp, tôi thường xuyên tiếp xúc với những trường hợp mất máu cấp do nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ tôi nhớ nhất là 2 trường hợp mất máu nặng, phải vừa hồi sức và mổ cấp cứu để cầm máu, huy động máu cả đêm, ngay cả bác sĩ trực, vừa cấp cứu cho bệnh nhân cũng tình nguyện hiến những giọt máu của mình. Đó là trường hợp một em học sinh bị đâm, vết thương thấu ngực, đứt bó mạch ngực trong, khối lượng máu mất đến gần 4 lít, trong đêm phải huy động cả học sinh và nhân viên bệnh viện đến 11 đơn vị máu. Mới đây nhất là một trường hợp sản phụ rau cài răng lược, chúng tôi đã tiến hành cắt tử cung cấp cứu. Bệnh nhân bị mất máu rất nhiều và phải truyền đến 6 đơn vị máu, thân nhân người bệnh rất nhiều nhưng không ai cùng nhóm máu, cuối cùng phải gọi đến nguồn máu của các nhân viên y tế trong cơ quan. Và còn rất, rất nhiều các trường hợp khác nữa đã qua cơn hiểm nghèo nhờ những giọt máu hồng tình nguyện. Đến nay, các bệnh nhân đều ổn định ra viện, trở về với cuộc sống thường nhật của họ. Nhìn khuôn mặt rạng ngời khi ra viện và một lời cảm ơn ngắn ngủi, ai trong chúng tôi cũng thấy cảm động.
Sự hy sinh thầm lặng của các
thầy Thuốc để cứu sống bệnh nhân, vượt qua cơn hiểm nghèo ít người thấy, họ luôn tự an ủi nhau và luôn nở nụ cười hạnh phúc. Vì chính dòng máu của mình đang chảy trong huyết quản của người khác. Có nhiều
thầy Thuốc hàng ngày luôn tiếp xúc với sự nguy hiểm như những người công tác trong chuyên ngành lao, chuyên ngành truyền nhiễm..., đặc biệt là các bác sĩ trong chuyên ngành hồi sức luôn gánh nặng áp lực nhưng mấy ai hiểu. Họ cứ nghĩ rằng các
thầy Thuốc thế này thế nọ. Mới đây, đọc mấy dòng tin người nhà bệnh nhân dùng vật cứng tấn công một nữ bác sĩ đang mang thai tháng thứ 7 và nhiều nhân viên y tế khác, không biết trong đầu họ đang nghĩ gì nữa. Thật đau lòng quá đi thôi!!!
Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Hàng ngày, hàng giờ, trên cả nước, chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không có đủ máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu. Chỉ cần hiến một phần máu của mình là bạn đã cứu được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính người bệnh đang cần đến máu.
BS. Minh Thủy