Tâm sự hôm nay

Cảnh giác với những thông tin láo gây bão mạng

Sốc: Ngô, khoai luộc bằng hóa chất thông cống như thế nào?”, “Choáng váng vì nhiễm HIV từ... rạp phim”, “Tuyệt chiêu chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thứ”… là những tin bài đã gây sốc trong thời gian qua. Nhưng còn sốc hơn khi biết những thông tin kiểu đó hoàn toàn... không chính xác, và ngày càng có nguy cơ phổ biến hơn.
Dễ dàng tạo thông tin "láo" gây "bão" dư luận

Trong bối cảnh mạng xã hội Facebook ngày càng phát triển, nhiều người coi đây là nguồn cấp thông tin chủ yếu, với các đường link được chia sẻ lại. Trong đó, thông tin có vẻ rất... đáng tin, vì liên kết dẫn tới các trang thông tin "giống như báo".

Từ đây, nhiều thông tin bịa đặt, sai lệch, không được kiểm chứng thi nhau xuất hiện, như vụ luộc ngô, khoai bằng chất thông cống, đi xem phim bị gắn kim tiêm nhiễm HIV vào ghế, ăn vải bị viêm não Nhật Bản…

Mang “dáng vẻ” như một tờ báo điện tử, trong đó, nội dung lại có tính cảnh báo cộng đồng nên những trang thông tin như tin….net, khoe….com, tinhot….net… dễ dàng được tin tưởng và chia sẻ lan rộng, khiến không ít doanh nghiệp, người bán hàng rơi vào cảnh khốn đốn vì bị thông tin “láo”… tố cáo.

Một kiểu "spam" thông tin qua Facebook để lôi kéo mọi người vào trang thông tin điện tử "giống như báo"

Anh Ngô Thắng – kỹ sư tin học – cho hay: “Việc tạo ra một ‘tờ báo’ như thế hiện nay rất đơn giản. Với chi phí chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm cho việc mua tên miền quốc tế và thuê hosting, cộng với những kiến thức cơ bản về web để sử dụng mã nguồn mở có sẵn (Wordpress, Joomla…) là đã có thể sở hữu một trang web có giao diện chuyên nghiệp, không khác gì các tờ báo điện tử phổ biến. Do vậy, dù biết hay không thì bất kỳ ai cũng có thể tạo ra ‘tờ báo’ của riêng mình, vì giá thuê làm web từ mã nguồn mở rất rẻ, nhiều sinh viên công nghệ sẵn sàng làm dịch vụ đó”.

Từ đây, các nhóm hoạt động hoặc doanh nghiệp chỉ cần cập nhật thông tin từ các báo chính thống lên “tờ báo” của mình để tạo niềm tin, rồi xen lẫn vào đó là những tin, bài giật gân, phi sự thật nhằm nhiều mục đích khác nhau. Và với sự phát triển của Facebook, những thông tin “láo” đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều người mắc lừa vì cả tin, và không ít người khổ sở bởi “bỗng dưng… bị cảnh giác”, như người bán ngô, khoai, nông dân trồng vải hay các doanh nghiệp, chủ nhà hàng, dịch vụ…

Chị Linh Nguyễn – nhân viên văn phòng – chia sẻ rằng cách đây một tháng, một công ty đã thuê chị làm công việc “xào bài” với giá khoảng… 4.000 đồng/tin bài.

“Chỉ cần sửa lại tiêu đề và vài dòng ở phần dẫn đầu là xong. Họ yêu cầu mỗi ngày mình phải ‘xào’ và đăng 20 tin bài, tính ra một tháng thu nhập thêm từ 2-2,5 triệu đồng. Cũng khá phù hợp với công việc văn phòng nhàn rỗi. Mình cũng không rõ tại sao họ lại phát triển nội dung theo hướng đó, nhưng các sinh viên cũng ham thích việc này lắm, dù thù lao bèo bọt. Vì cảm giác như được ‘quản lý’, ‘phụ trách’ một tờ báo mà”, chị Linh cho hay.

Có rất nhiều mục đích của những người đứng sau các thông tin giật gân sai sự thật trên loại “tờ báo” như vậy. Từ việc người tạo ra thông tin có sở thích “bệnh hoạn” để chứng kiến lượng view (xem), like (trên Facebook) tăng vọt, cho tới những mục đích chơi xấu lẫn nhau (đưa tên/địa chỉ/số điện thoại của nạn nhân vào bản tin cảnh báo để gây phiền toái, hoặc bôi xấu doanh nghiệp/dịch vụ đối thủ), và không ít người có mục đích quảng cáo cho sản phẩm của họ.

“Chỉ cần có nội dung cập nhật thường xuyên, được SEO (tối ưu hóa theo dịch vụ tìm kiếm – PV) tốt, có lượng truy cập ổn định là nhiều trang thông tin của các doanh nghiệp thả sức quảng cáo và kiếm tiền. Đó là lý do các trang này tuyển dụng người làm công việc ‘xào bài’ và có thể tạo thêm thông tin giật gân để câu view”, anh Ngô Thắng cho biết thêm.

Trong khi đó, những độc giả không biết về các mục đích nói trên vẫn đang hồn nhiên chia sẻ các đường link và thông tin qua Facebook của mình, vô tình trở thành người tiếp tay cho những thông tin “láo” gây ra “bão” dư luận.

cảnh giác, phân biệt thông tin thật/giả ra sao?

Nhiều người hiện nay vẫn chưa phân biệt được “trang thông tin điện tử” với “báo điện tử”, nên họ càng dễ nhầm lẫn khi tiếp nhận thông tin. Theo quy định của pháp luật, báo điện tử được quyền đăng tải nội dung (tin, bài) do tờ báo sản xuất hoặc dẫn lại nội dung thông tin của các tờ báo khác, và giấy phép cấp cho báo điện tử đi kèm những điều kiện rất khắt khe. Trong khi đó, giấy phép cho trang thông tin điện tử tổng hợp có thể được cấp cho doanh nghiệp hay các cơ quan, tổ chức, trong đó có cơ quan báo chí với điều kiện cởi mở hơn. Đổi lại, trang thông tin điện tử tổng hợp không được phép tự sản xuất nội dung thông tin và đưa lên trang của mình như cơ quan báo chí mà phải lấy lại thông tin từ tờ báo cùng cơ quan chủ quản hoặc các trang web khác (phải có thỏa thuận về bản quyền).

Vậy nhưng, bằng cách lợi dụng các kẽ hở của quy trình quản lý, nhiều trang thông tin điện tử được cho ra đời và tự sản xuất tin, bài với những mục đích đã nêu ở trên, khiến nhiều người lầm tưởng đó là “báo” và dễ dàng đặt niềm tin vào những thông tin thiếu căn cứ.

Khi đứng trước một thông tin gây sốc xuất hiện trên trang thông tin điện tử “giống như báo”, độc giả hoàn toàn có thể kiểm chứng trước khi “hồn nhiên” chia sẻ và góp phần vào việc lan tỏa những tin tức phi sự thật ra cộng đồng.

Trước hết, cần nhìn vào tên miền của trang tin đó. Bởi với những tên miền quốc gia (có kết thúc bằng đuôi .vn như .com.vn, .net.vn, .vn… ) thì các trang thông tin đó được kiểm soát tốt hơn về mặt nội dung, khi Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý những tên miền này. Trong khi với tên miền quốc tế (kết thúc không có đuôi .vn, như .com, .net, .info…), độc giả cần cẩn trọng hơn.

Vì việc đăng ký tên miền quốc tế rất dễ dàng (thậm chí cá nhân hoàn toàn có thể đăng ký qua nhà cung cấp nước ngoài như GoDaddy.com để không bị ràng buộc gì) nên hầu hết các trang thông tin “láo” đều sử dụng loại tên miền quốc tế. Đó chính là một dấu hiệu nhận biết ban đầu, dù không phải mọi website sử dụng loại tên miền này đều “xấu”.

Thứ đến, trước khi độc giả chia sẻ bất kỳ thông tin gây nào thì cần tự xây dựng ý thức “đọc kỹ - suy nghĩ” cho bản thân. Rất nhiều người thường chỉ đọc tiêu đề (tít) xong là lập tức kết luận, trao đổi và chia sẻ dồn dập mà không chịu xem kỹ nội dung nói những vấn đề gì. Sau khi đọc, độc giả có thể dễ dàng kiểm chứng thông tin qua Google, để xem các trang báo lớn, uy tín có đăng tải hay không, bản chất thông tin đó là gì.

Trên thực tế, không ít trang còn “gian xảo” tới mức họ sử dụng một phần nội dung sự thật rồi xen những chi tiết giả mạo vào để đánh lừa hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào các diễn đàn mạng (Facebook, forum…) có các nhà báo hay blogger thạo tin cũng là một cách để độc giả kiểm chứng hiệu quả độ chính xác của các thông tin. Mỗi khi có những tin tức giật gân “trên trời rơi xuống” thì qua những diễn đàn như vậy, sự thật có thể dễ dàng bị bóc trần.

Trước đây, những thông tin L*a đ*o, lạm dụng từng rộ lên với nhiều mánh khóe như: Xây dựng một giao diện web quen thuộc (như một tờ báo chẳng hạn) rồi khai thác mật khẩu, tài khoản của người dùng; sửa hiện thị xem trước qua Facebook (địa chỉ lạ nhưng núp bóng những trang quen thuộc) nhằm tăng view, bôi nhọ…

Tới giờ, loại hình thông tin “láo” được biến tấu ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, nhưng nếu mỗi độc giả tự ý thức rằng mình cần là một “người tiêu dùng thông minh”, thì chắc chắn, những “sản phẩm bẩn” đó sẽ không thể dễ dàng lợi dụng để phát tán ra ngoài xã hội.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-canh-giac-voi-nhung-thong-tin-lao-gay-bao-mang-18831.html)

Tin cùng nội dung

  • Những bất lợi do dùng Thuốc gây ra được gọi chung là “PHẢN ỨNG CÓ HẠI CỦA Thuốc” (người nước ngoài gọi ADR
  • Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ.
  • Chào Mangyte! Em là sinh viên ở Quận 5. Bác sĩ cho em hỏi là xét nghiệm HIV ở Viện Pasteur giá khoảng bao nhiêu và bao lâu có kết quả? Đi đến đó thì mình có được đảm bảo kết quả và giữ bí mật thông tin người bệnh? Mong nhận được câu trả lời sớm nhất của Mangyte ạ! Em chân thành cám ơn! (Châu Nguyễn - Quận 5 - TPHCM)
  • Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là danh từ dùng để chỉ một nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, thường đặc trưng bởi tăng đường máu.
  • Động kinh là bệnh của hệ thần kinh trung ương trong đó hoạt động của tế bào thần kinh bị rối loạn, biểu hiện bởi những cơn co giật (cơn động kinh) với những hành vi, triệu chứng, và cảm giác bất thường, bao gồm cả mất ý thức khi lên cơn.
  • Bệnh sarcoidosis (sarcoidosis) là hậu quả sự phát triển các ổ viêm nhỏ tại nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể - thường nhất ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
  • Sau đây, kênh Mạng Y Tế xin giới thiệu: Thông tin về Bệnh xơ cứng bì. Xin mời các bạn cùng tham khảo.
  • Hen phế quản (bệnh hen hay hen suyễn) là tình trạng đường dẫn khí bị hẹp và phù nề cũng như tăng tiết đàm nhầy. Điều này làm việc thở khó khăn và dễ gây ho, khò khè và thở hụt hơi.
  • Huyết áp thấp có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt và ngất xỉu. Trong những ca bệnh nặng, huyết áp thấp có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Bệnh ung thư, bạn đang muốn tìm hiểu để biết rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị ung thư
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY