Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số: Cần thay đổi những nếp nghĩ đã ăn sâu vào trong tiềm thức

MangYTe - Nhận thức lạc hậu là một trong những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến sự chủ quan ở nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đối với quá trình mang thai, sinh nở và sức khoẻ của chính bản thân mình.

Nhiều chị em chưa quan tâm đến sức khỏe sinh sản

Mặc dù đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ vùng cao hiện vẫn khá nan giải. Khó khăn không đơn thuần chỉ đến từ sự thiếu hụt về đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất, phương tiện giao thông – truyền thông, địa hình hay tình trạng phân bố của dân cư mà còn xuất phát từ những hạn chế trong nhận thức của người dân địa phương, và hơn hết là nhận thức của chính phụ nữ vùng cao về việc mang thai, sinh nở, hậu sản, kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ nữ giới nói chung.

Quan niệm sinh nở hoàn toàn tự nhiên nên không ít chị em phụ nữ dân tộc thiểu số không chú ý theo dõi thai kỳ của mình. Việc khám thai định kỳ để kiểm tra tình trạng thai nhi, thực hiện các xét nghiệm để tầm soát và đánh giá dị tật cũng như mức độ rủi ro của quá trình mang thai… chưa được quan tâm đúng mức.

Chính vì vậy, không hiếm trường hợp mang thai tới 3 – 4 tháng nhưng không biết; sảy thai mà vẫn coi đó là chuyện bình thường, dù "một lần sảy bằng bảy lần chửa"; mang thai ngoài tử cung; mất con do mẹ bị đau bụng vài ngày mới xuống trạm y tế… Trong quá trình mang thai, nhiều phụ nữ vùng cao vẫn phải làm các công việc nặng nhọc như lên rẫy, lấy nước, gánh củi…, rất dễ bị sảy thai hay gặp phải T*i n*n lao động.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được chú trọng hơn nữa. ảnh: t.l

Bên cạnh đó, tình trạng tự sinh con tại nhà mà không cần sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ có chuyên môn vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những sự cố đau lòng đáng lẽ ra có thể tránh được như: Con bị ngạt do mẹ gặp khó khăn lúc chuyển dạ, con bị uốn ván sơ sinh do nhiễm virus uốn ván từ các dụng cụ không được tiệt trùng hoàn toàn, mẹ bị băng huyết mà không được cấp cứu kịp thời… Không chỉ phải lao động nặng cho tới lúc sinh, mà nhiều sản phụ mới sinh con được vài ngày đã tiếp tục làm việc, dù sức khoẻ chưa thể hồi phục sau cơn vượt cạn.

Việc bổ sung những vi chất cần thiết cho cơ thể trước, trong và sau khi mang thai như sắt, canxi, axit folic và các loại vitamin đương nhiên cũng bị lơ là với những người phụ nữ sinh sống ở các địa bàn còn quá nhiều khó khăn như vùng núi, vùng sâu vùng xa. Không có chế độ dinh dưỡng hợp lý, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm tàng hơn trong thai kỳ và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi cũng như tác động trực tiếp đến sức khoẻ thể chất của trẻ sơ sinh. Do đó, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng sau sinh ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số rất cao; chiều cao, cân nặng, thể trạng của trẻ miền núi cũng thấp hơn so với trẻ ở đồng bằng.

Thay đổi từ trong nhận thức

Có thể thấy, đời sống khó khăn và nhận thức lạc hậu là những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến sự chủ quan ở nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đối với quá trình mang thai, sinh nở và sức khoẻ của chính bản thân mình. Bởi vậy, song song với việc giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững để nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, thay đổi những suy nghĩ không còn hợp lý nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức của họ là vấn đề luôn được chú trọng hàng đầu.

Công tác tuyên truyền, vận động là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay nhằm từng bước nâng cao nhận thức của chính phụ nữ vùng cao. Với những đặc thù của đối tượng này, các chiến lược tuyên truyền đã được tính toán hợp lý như thông điệp dễ hiểu, cách truyền đạt thú vị và phù hợp với văn hoá của người tiếp nhận, thay vì những bài diễn văn khô khan và ít ấn tượng.

Thêm vào đó, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ vùng cao từng bước được thúc đẩy và cải thiện, không chỉ về phương diện cơ sở vật chất, thiết bị y tế, mà còn là nâng cao chất lượng tư vấn, khám, phát hiện và điều trị từ tuyến cơ sở. Đội ngũ y bác sĩ ở các địa bàn vùng cao đã về tận thôn bản để phổ biến, tư vấn, giải đáp thắc mắc của chị em, qua đó, gây dựng mối thiện cảm để sau đó chị em chủ động đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.

Hằng năm, Chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đang được các Chi cục Dân số - KHHGĐ triển khai ở nhiều địa phương, tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận gần hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình ở các địa bàn như vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã và đang đem lại những biến chuyển tích cực trong suy nghĩ, tập tục, thói quen… của đồng bào dân tộc thiểu số. đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực khi tạo cơ hội cho phụ nữ vùng dân tộc miền núi, đặc biệt là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận gần hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản mà còn hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số nước nhà.

Thu Huyền

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/dan-so/cham-soc-suc-khoe-sinh-san-cho-phu-nu-vung-dan-toc-thieu-so-can-thay-doi-nhung-nep-nghi-da-an-sau-vao-trong-tiem-thuc-20210722151541514.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY