Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chẩn đoán mắc COVID-19: Những ai cần làm xét nghiệm?

(MangYTe)- Việc xét nghiệm chẩnđoán người mắc COVID-19 được thực hiện cho những đối tượng cụ thể nào?

Xét nghiệm là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát hiện sớm và xác định các tác nhân gây bệnh. Trước việc dịch bệnh COVID-19 đang lây lan trong cộng đồng, nhiều người khi có những triệu chứng sốt, ho, nghi ngờ mắc bệnh thường có tâm lý muốn xét nghiệm để yên tâm.

Trước thắc mắc của nhiều người dân việc xét nghiệm COVID-19 được thực hiện cho những đối tượng cụ thể nào, BS Nguyễn Thanh Trường – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã có những giải đáp cho những thắc mắc xung quanh về vấn đề này.

Chẩn đoán mắc COVID-19 bằng cách nào?

Hiện nay dịch bệnh COVID – 19 do chủng corona virus mới gọi là SARS- COV-2 gây ra, để xét nghiệm khẳng định bệnh, người bệnh sẽ được lấy mẫu tiến hành xét nghiệm Realtime RT-PCR. Đây là xét nghiệm giải trình tự gen. Nếu kết quả dương tính thì có thể khẳng định bệnh nhân có nhiễm SARS- COV-2.

Xét nghiệm COVID-19 hiện tại không cần thực hiện đại trà. Ảnh: Internet

Ai cần được thực hiện xét nghiệm mắc COVID - 19?

Hiện nay, với giai đoạn bệnh đang xuất hiện trong cộng đồng nhưng chưa lây lan rộng thì mục tiêu thực hiện xét nghiệm là phát hiện sớm các trường hợp bệnh mới trong cộng đồng. Do đó, việc chỉ định xét nghiệm cũng sẽ thay đổi theo từng thời điểm.

Đến nay, các trường hợp được chỉ định xét nghiệm bao gồm:

- Trường hợp nghi ngờ theo đúng tiêu chuẩn chẩn đoán của Bộ Y tế gồm các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ nguy cơ nhiễm bệnh.

- Trường hợp viêm phổi nặng mà không lý giải được với các nguyên nhân khác.

- Trường hợp xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng thì Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ xác định những ca bệnh này có cần xét nghiệm để thực hiện giám sát sớm trong cộng đồng hay không.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng nên có thể xét nghiệm tất cả các đối tượng tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 mà không đợi đến khi có xuất hiện triệu chứng.

Đối với thắc mắc xét nghiệm chỉ thực hiện cho các đối tượng này mà không thực hiện đại trà, trong khi Việt Nam có khả năng sản xuất được 10.000 bộ Kit xét nghiệm mỗi ngày, BS Trường cho hay hiện nay, chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu COVID-19 nên thực hiện xét nghiệm đại trà khẳng định dương tính để giúp điều trị vẫn chưa cần thiết lắm.

Mục tiêu chính của xét nghiệm là phát hiện sớm người bệnh, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng dập dịch. Những chỉ định xét nghiệm được thực hiện và cung cấp cho cơ quan y tế những bằng chứng nhằm ngăn chặn và giám sát dịch lây lan trong cộng đồng.

“Xét nghiệm đại trà, làm theo yêu cầu là không cần thiết vì những trường hợp chỉ định xét nghiệm đã bao phủ các chỉ định để có thể phát hiện rất sớm ca bệnh xuất hiện. Mặc dù Việt Nam đã có đủ sức, khả năng thực hiện nhiều xét nghiệm nhưng việc thực hiện xét nghiệm đại trà không có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay do chúng ta đang ưu tiên tập trung cho công tác phòng, chống dịch”, BS Trường cho biết.

Cũng theo BS Trường, hiện tại COVID 19 là bệnh dịch mới nổi, nên kinh phí thực hiện xét nghiệm theo đúng chỉ định thì sẽ do kinh phí chống dịch chi trả

Trường hợp người đang còn trong thời gian cách ly, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì vẫn tiếp tục cách ly cho đủ thời gian 14 ngày. Trong quá trình 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ sẽ được làm xét nghiệm để kiểm tra khẳng định có dương tính hay không. Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm là âm tính nhưng vẫn còn trong thời gian 14 ngày thì những trường hợp này vẫn bắt buộc phải cách ly đúng thời gian quy định.

HOÀNG LAN

Mạng Y Tế
Nguồn: PLO (https://plo.vn/suc-khoe/chan-doan-mac-covid19-nhung-ai-can-lam-xet-nghiem-898586.html)

Tin cùng nội dung

  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Siêu âm tim là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dùng sóng siêu âm để khảo sát cấu trúc, hình thái và chức năng của tim.
  • Nếu bạn hoặc một thành viên gia đình đã được chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ, điều quan trọng là bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai. Hãy bàn bạc các vấn đề dưới đây với gia đình.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
  • Chẩn đoán tiền sản là một số xét nghiệm giúp cho bác sĩ biết trước khi sinh thai của bạn có bị một số bệnh lý hay không (thường gặp là hội chứng Down). Chẩn đoán tiền sản gồm chọc ối và sinh thiết gai nhau giúp phát hiện ra những rối loạn di truyền trước sinh.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY