Theo tìm hiểu của PV, trên trang Facebook cá nhân có tên T.L.S. đã đăng tải dòng trạng thái kêu gọi mọi người cần bình tĩnh trở lại trạng thái không bình thường mới.
FB này cho rằng “Thuốc trị COVID-19 đã có nhưng lại chưa được nhà nước công nhận”. FB T.L.S. khẳng định nếu bệnh nhân tự nguyện thì sẽ được dùng Thuốc mà không bị ngăn cản, song song với việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế của nhà nước.”.
Đáng chú ý, FB này quảng cáo Thuốc trị COVID-19 là một dạng thực phẩm chức năng, bắt nguồn từ các bài Thuốc dân gian gia truyền của gia đình tác giả, chuyên trị các trường hợp hiểm nghèo như rắn độc cắn, sốt rét, khỏi nhanh và thành công 100%, theo khẳng định của tác giả. Hiện nhà nước còn chưa có quy định tự cách ly tại nhà. Nếu có, người bị nhiễm có thể tự do dùng Thuốc mà họ muốn.
Sau khi quảng cáo về công dụng của Thuốc cùng hiệu quả trị COVID, trang FB cá nhân T.L.S. khẳng định: “Nếu chẳng may bị nhiễm, hãy liên hệ với chúng tôi. Hiện tại, Thuốc được cung cấp miễn phí. Thuốc trị COVID BB. Hãy nói chuyện trực tiếp với các chuyên gia để hiểu về Thuốc.”
Sau khi bài viết về Thuốc trị COVID-19 được đăng tải vài giờ đã thu hút rất nhiều bình luận tán thưởng về loại Thuốc này. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Thuốc vẫn chưa được công nhận, thậm chí còn có người bày tỏ mong muốn mang Thuốc về đề dự trữ, phân phát miễn phí cho những người khác. FB K.A.N. bày tỏ mong muốn: "Cái này có được trao đổi rộng rãi không, ví dụ tụi em muốn có một ít dự trữ (là Thuốc chữa chứ không phải chống bệnh đúng không anh?) thì có được mua và chuyển sang không ạ?"
Thuốc trị COVID-19 đang được quảng cáo trên Facebook (Ảnh chụp màn hình) |
Bên cạnh những bình luận muốn có Thuốc để mang về nhà dự trữ, một vài người thắc mắc về quy trình một loại Thuốc được công nhận là Thuốc chữa bệnh. Cụ thể, FB N.C. cho rằng: "Quy trình để được công nhận là Thuốc chữa bệnh rất nghiêm ngặt đòi hỏi phải qua thử nghiệm lâm sàng với đủ lượng bệnh nhân. Theo mình chỉ nên đăng ký như sản phẩm thực phẩm chức năng tăng khả năng miễn dịch bảo vệ phổi (quy trình cũng không đơn giản) để được lưu hành chính thức đã".
Trao đổi với PV VietTimes, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế - cho biết, các thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội hiện nay về Thuốc điều trị khỏi COVID-19, hay vaccine COVID-19 đã có,… đều là thông tin giả. Những thông tin này không chỉ khiến người dân hoang mang mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước, cũng như công tác phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch.
Theo ông Đình Anh, những loại Thuốc quảng cáo trên mạng xã hội là có thể chữa trị COVID-19 đều không được Bộ Y tế cấp phép, chứng nhận. Do đó, người dân không nên tin tưởng và lan truyền những thông tin sai sự thật. Khi có những triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, khó thở phải thông báo tới các cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp hỗ trợ, điều trị kịp thời.
Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng nhấn mạnh: Đến nay Việt Nam và các nước trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vaccine phòng COVID-19. Hiện mới chỉ có Công ty Moderna của Mỹ tuyên bố đã bước vào giai đoạn 3 nghiên cứu thử nghiệm độ đặc hiệu vaccine mRNA phòng, chống COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại sân bay (Ảnh: Hoàng Anh) |
Để tìm hiểu rõ hơn về thông tin Thuốc trị COVID-19 lan truyền trên mạng, PV cũng đã trao đổi với GS. TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo ông Kính, thông tin về Thuốc trị COVID-19 là không đúng. Để được công nhận là Thuốc chữa bệnh thì bất kỳ loại Thuốc nào cũng phải trải qua 4 giai đoạn và thử nghiệm Thuốc trên lâm sàng. Giai đoạn đầu Thuốc sẽ được thử nghiệm trên động vật để thử độ độc của Thuốc, đánh giá tính an toàn hay không an toàn cho động vật. Giai đoạn 2 là thử nghiệm các liều để đánh giá tác dụng của Thuốc, liều nào là phù hợp. Giai đoạn 3 là thử nghiệm trên người xem xét đáp ứng của cơ thể người như thế nào. Giai đoạn cuối là đưa Thuốc ra thị trường, tiến hành thương mại hóa, tiếp tục theo dõi tác dụng.
Để một loại Thuốc có thể đưa vào sử dụng trên thực tế mất rất nhiều giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm trên lâm sàng. Do đó, những thông tin lan truyền thất thiệt trên mạng xã hội về Thuốc trị COVID-19 là sai sự thật. Người dân không nên tin vào những thông tin này để mua Thuốc và sử dụng.