Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Đau thắt ngực là biểu hiện quan trọng nhất giúp nhận biết bệnh mạch vành tim. Bệnh nhân lên cơn đau thắt ngực có cảm giác như tim bị bóp chặt, thắt nghẹt, đè ép hoặc đôi lúc khó chịu âm ỉ trong lồng ngực. Vị trí đau thường gặp là sau xương ức, vùng giữa ngực hoặc vùng tim.
Dấu hiệu đau thắt ngực có thể xuất hiện tại chỗ hoặc lan lên vùng cổ, hàm, vai, cánh tay trái. Cơn đau thường chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn chừng 10-30 giây hoặc vài phút. Trường hợp cơn đau kéo dài trên 15 phút thì nhiều khả năng bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim.
Đau thắt ngực có 2 loại: đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Phân biệt hai tình trạng này rất quan trọng.
Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, cơn đau thắt ngực ổn định là hậu quả của sự hẹp cố định động mạch vành, do mảng xơ vữa mạch vành ổn định. Khi mạch vành bị hẹp, lưu lượng máu nuôi cơ tim bị giảm đi, dẫn đến triệu chứng đau ngực, nhất là khi người bệnh hoạt động gắng sức hay bị stress tâm lý. Tuy nhiên, nếu người bệnh nghỉ ngơi, nhịp tim chậm lại, động mạch vành lại có thể đáp ứng được nhu cầu oxy của cơ tim, nhờ vậy triệu chứng đau ngực sẽ mất đi.
Cơn đau thắt ngực không ổn định xuất hiện do sự giảm đột ngột của dòng máu mạch vành nuôi cơ tim, thường do nứt vỡ mảng xơ vữa dẫn đến bít tắc đột ngột một phần hoặc toàn bộ lòng mạch. Khác với đau thắt ngực ổn định (gặp khi bệnh nhân gắng sức), đau thắt ngực không ổn định có thể gặp kể cả khi người bệnh nghỉ ngơi, đang ngủ, hoặc sinh hoạt bình thường. Triệu chứng đau ngực thường dữ dội hơn, kéo dài hơn. Các cơn đau có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, với cường độ đau tăng dần. Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh.
Hãy gọi cứu lưu động 115 hoặc bất cứ ai có thể đưa bạn đến bệnh viện gần nhất khi đau ngực không hết trong vòng 15 phút sau nghỉ ngơi. Bạn nới rộng quần áo bó chặt và nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái. Mở cửa sổ nếu phòng bạn không thông thoáng khí. Nếu có ai đến giúp, hãy nhanh chóng đến phòng cấp cứu hơn là chờ cấp cứu lưu động. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nhân nguy kịch và người đó biết hồi sinh tim phổi (CPR), hãy gọi cấp cứu lưu động 115 rồi bắt đầu CPR.
Chủ đề liên quan:
bệnh tim bệnh tim mạch căn nguyên chinh phục chuyên chuyên môn cơn đau cơn đau thắt ngực đau thắt ngực đôi mắt estrogen giới chuyên môn hành trình hanh xu hiệu quả ích tâm khang khó tính niềm vui tái phát thanh xuân