Tâm linh hôm nay

Để tâm Vô Trụ khi làm từ thiện

Khi thực hành thiện sự ở thế giới hiện đại phức tạp như ngày nay, hành giả phải tập không sinh tâm chấp thủ vào việc làm lành của mình hay bất kể pháp nào mà luôn tác ý từ duy: do duyên mà làm, đủ nhân duyên là sinh, hết duyên là tan, tất cả đều huyễn hoặc, không có thật tướng.

Ngày nay, thế giới tràn đầy niềm đau và nỗi khổ do sân giận, hơn thua, tham lam, đố kỵ, vô minh mà ra. Vậy những người con Phật, phát tâm bồ đề dũng mãnh, hành bồ tát đạo ở chốn Ta bà rối ren, đáng sợ như thế phải trụ tâm gì mới có thể tự tại, không bị chao đảo, lung lây đạo tâm? Theo tuệ giác của Thế Tôn, Bồ tát ở trong sinh tử đáng sợ nên để tâm vô trụ khi làm phật sự, tức là không đính mắc một pháp nào, chấp ngã, chấp pháp bởi lẽ tất cả các pháp đều như huyễn, không thật có. Đây là pháp môn tối quan trọng, hy hữu bậc nhất, được Thế Tôn tuyên thuyết xuyên suốt trong năm thời giáo pháp 49 năm kể từ khi thành đạo cho đến nhập niết bàn.

Một đời giáo hóa của đức Phật Thích Ca được khái quát hóa trong ngũ thời bát giáo mà theo ngài Trí Giả, Tổ sư sáng lập ra Tông Thiên Thai Trung Hoa đã sử dụng ngũ thời để phân định trình tự thuyết pháp của đức Phật; dùng “Bát giáo” để phân biệt pháp môn được thuyết và nghi thức thuyết pháp. Theo năm thời giáo pháp, bài luận này chỉ ra pháp môn vô trụ không chỉ được tuyên thuyết trong thời Bát Nhã mà cả bốn thời còn lại, chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng bậc nhất, như gươm báu trao tay chặt đứt phiền não cho bất kể ai, đặc biệt các hành giả đang hành Bồ tát đạo trong thế giới loạn trược ác thế này.

Thời Hoa Nghiêm: Sau khi Phật thành-đạo, trong 21 ngày đầu vì chư Bồ-tát pháp-thân Đại-sĩ trong hàng Thập-tín, Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập hồi-hướng, Thập-địa… mà thuyết ra kinh Hoa Nghiêm. Trong thời này, Vô trụ có thể được Phật chỉ rõ trong phẩm Thập Hạnh:

Tất cả các pháp đều hư vọng, chẳng thiệt, chóng sinh, chóng diệt, không kiên cố, như mộng như huyễn, như bóng như vang, NÓI DỐI PHỈNH KẺ NGU. Hiểu được như vậy liền được giác ngộ, được tất cả hành pháp, thông đạt sinh tử và niết bàn, chứng Phật bồ đề, tự được độ, khiến người được độ, tự giải thoát, khiến người giải thoát… (Hoa Nghiêm Kinh, Tập II, trtr.455-456).

Rõ ràng tất cả các pháp là huyễn hoặc, luôn biến diệt, không thật có, nên hành giả không sinh tâm dích mắc, trụ tâm ở một pháp nào, tức là vô trụ. Ai hiểu được vậy, theo Thế Tôn, liền được Giác Ngộ.

Ảnh minh họa. Ảnh: Shutterstock

Thời A-Hàm: Kế tiếp sau thời Hoa-Nghiêm, bắt đầu từ nơi vườn “Lộc-dã” với nhóm của ngài Kiều, Trần, Như… Phật thuyết ra các bộ kinh (Tiểu-thừa) A-Hàm. Những bộ kinh A Hàm này tương đương với bộ kinh Nikàya (Pali) của Phật giáo Nam truyền ở Việt Nam. Kinh Phật Tự Thuyết trong Tiểu Bộ Kinh (Nikàya), Thế Tôn đã để lại bài kệ pháp vô trụ trong bài kinh Udàna 79 về nhân duyên 500 cung nữ bị ch*t cháy trong cung điện như sau:

Ðời bị si trói buộc,

Ðược thấy bị tái sinh,

Bị trói bởi sinh y,

Kẻ ngu bị mù vây,

Tự thấy mình thường còn,

Nhưng với ai thấy được,

Sẽ không có vật gì.


Câu kệ cuối cùng, không có vật gì thì làm sao mà trụ. Câu kệ này tương ưng với câu kệ thứ ba của bài kệ thấy tính được Ngài Lục Tổ Huệ Năng hơn 1000 năm sau ứng tác đối với 4 câu kệ của Ngài Thần Tú như sau,

Bồ đề vốn không cây

Gương sáng cũng không đài

Xưa nay chẳng có vật

Chỗ nào dính bụi nhơ.


Thời Phương Đẳng: Sau thời A-Hàm, liên-tiếp trong 8 năm, Phật thuyết ra các bộ kinh Đại-thừa, giảng rộng về bốn khoa: Tạng-giáo , thông-giáo , biệt-giáo , viên-giáo. Trong thời này, nhiều bộ kinh được Thế Tôn thuyết giảng như Lăng Nghiêm, Kim Quang Minh, Vô Lượng Thọ, Phật thuyết A Di Đà Kinh, vv. Vô trụ cũng được thuyết trong nhiều kinh điển thời này như trong Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Lăng Già vv. Pháp môn không hai ở Phẩm 9 trong Kinh Duy Ma Cật cho thấy lý trung đạo, là những ví dụ điển hình về không chỗ trụ, không chấp ngã hay một pháp nào, như Bồ Tát Thiện Nhãn nói, “Nhất tướng với vô tướng là hai. Hiểu được nhất tướng rốt ráo là vô tướng, không chấp vào vô tướng để thành tựu bình đẳng, đó là vào Pháp môn không hai” (Trtr.122-131). Trong khi ở Phẩm 7: Quán Chúng Sinh có đoạn Ngài Duy Ma Cật nói, Bồ tát muốn diệt phiền não, trừ điên đảo, thì từ nơi vô trụ, vô trụ thì không gốc, ở nơi gốc không trụ mà lập tất cả pháp. (Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, trtr.97-98).

Thời Bát Nhã: Sau thời Phương Đẳng, Phật thuyết ra các bộ kinh BÁT-NHÃ liên-tiếp trong 22 năm. Trong thời này, Vô trụ được đức Phật thuyết pháp chi tiết, cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là trong Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh. Tất cả tướng đều bị Phật phủ định, Không Ngã, Không Nhân, Không Chúng sinh, Không Thọ Giả, không còn một chỗ có thể nói. Huyễn tướng và thật tướng cả hai đều không. Ở đây Phật phủ định luôn cả việc ngài có thuyết pháp. Rốt ráo không còn chỗ để trụ.

Cuối cùng là Thời Pháp Hoa & Niết Bàn. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh được Phật thuyết trong 8 năm và Đại Bát Niết Bàn Kinh trong một ngày một đêm. Phẩm An Lạc Hạnh Thứ 14 trong Kinh Pháp Hoa, vô trụ cũng được Như Lai thuyết về “Hành xứ và thân cận xứ của Bồ tát” như, “Văn-Thù-Sư-Lợi! Thế nào gọi là chỗ "Hành-xứ" của đại Bồ-tát? Nếu vị đại Bồ-tát an trụ trong nhẫn-nhục hòa-dịu khéo thuận mà không vụt-chạc lòng cũng chẳng kinh sợ, lại ở nơi pháp không phân-biệt mà quán tưởng như thực của các pháp cũng chẳng vin theo, chẳng phân-biệt, đó gọi là chỗ "hành-xứ" của Bồ-tát.”(Tr.291). Lại nữa, vị đại Bồ-tát quán sát "Nhất-thiết, pháp không như thật tướng" chẳng điên-đảo, chẳng động, chẳng thối, chẳng chuyển, như hư-không, không có thật-tính, tất cả lời nói phô dứt, chẳng sinh, chẳng xuất, chẳng khởi, không danh, không tướng, thực không chỗ có, không lường, không ngằn, không ngại, không chướng, chỉ do nhân-duyên mà có, từ điên-đảo mà sinh cho nên nói, thường ưa quán-sát pháp-tướng như thế đó gọi là "chỗ thân-cận" thứ hai của vị Đại Bồ-tát. (tr. 293).

Trong khi đó ở Phẩm Như Lai Tánh, Đại Bát Niết Bàn Kinh, Thế Tôn chỉ rõ trong thân ngũ ấm giả tạm của mỗi chúng sinh đều có Phật Tính. Vô trụ, hay tính vốn không hai, một lần nữa đức Phật chỉ dạy rõ ràng cụ thể như, “Nếu nói vô minh làm nhơn duyên mà có các hành pháp, người phàm phu liền phân biệt tưởng rằng có hai pháp: ‘Minh’ đến ‘Vô Minh’. Người trí rõ biết tính đó vốn không hai. Tánh không hai đó tức là thật tánh”. (Tr.259, Đại Bát Niết Bàn Kinh, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh Thứ XII).

Qua năm thời giáo Pháp từ Pali tạng cho đến Hán tạng, đức Phật đều thuyết pháp vô trụ, không chấp một pháp nào, tất cả pháp đều bình đẳng không hơn, không kém. Vì rõ biết tất cả pháp đều do nhân duyên, từ điên đảo mà ra, rời tất cả các tướng trạng, thì thử hỏi phiền não có thể dung được sao?

Như vậy, các hành giả phát tâm bồ đề làm phật sự ở thế gian trong đời ngũ trược ác thế này nên để tâm vô trụ, nhất là khi làm từ thiện. Do lòng từ, Bồ tát thông cảm, thương xót, và hoan hỷ chia sẻ tình thương bằng những hành động thiết thực, nhằm làm vơi đi nỗi bi sầu của hữu tình mà không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, danh phận; không vì tài lợi, không vì phước báu; và cũng không tự hào hay kiêu mạn về những việc thiện đã làm, như lời Phật dạy trước khi tịch trong Kinh Đại Bát Niết Bàn:

“Bồ tát nếu chẳng thấy được chúng sinh nghèo cùng thời không duyên để sinh lòng từ. Nếu lòng từ chẳng sinh thời không thể khởi tâm HUỆ THÍ. Do nhơn duyên HUỆ THÍ làm cho chúng sinh đặng an vui, ban cho những đồ uống ăn, xe cộ, y phục, hoa hương, giường ghế, nhà cửa đèn đuốc. Lúc ban cho như vậy lòng cởi mở chẳng sinh niệm tham đắm, quyết định hồi hướng Vô thượng Chính đẳng Cháng giác. Lúc đó tâm của Bồ tát không dừng chỗ nào, dứt hẳn vọng tưởng, chẳng kẹt nói sự sợ sệt, danh dự, tài lợi, chẳng cầu quả báo vui sướng cõi trời, cõi người, chẳng kiêu mạn, chẳng trông người trả ơn, chẳng vì phỉnh người mà làm việc bố thí, chẳng cầu giàu sang phàm lúc làm việc bố thí, chẳng thấy người thọ là trì giới hay phá giới, là phước điền hay chẳng là phước điền, là tri thức hay chẳng phải tri thức. Lúc bố thí cũng chẳng thấy là căn khí hay chẳng căn khí, chẳng lựa ngày giờ, chẳng chọn chỗ nơi cũng chắng tính được mùa hay đói kém, chẳng thấy nhơn quả, chẳng phân biệt chúng sinh hay chẳng phải chúng sinh, là phước hay chẳng là phước” ( trtr.509-510).

Bồ tát ở trong chốn Ta-bà rối rắm này thực hành thiện sự vì chúng hữu tình không để tâm trụ pháp nào. Điều này được Thế Tôn thuyết giảng cho Ngài Tu Bồ Đề trong Kinh Kim Cang như sau:

Tu Bồ Đề! Nếu tâm Bồ tát trụ chấp ở pháp làm việc bố thí, như đi vào hang tối, không thấy được gì. Nếu Bồ tát tâm không trụ chấp ở pháp mà làm việc bố thí, như người sáng mắt đi dưới ánh mặt trời, vạn vật đều thấy rõ hết (Tr.55).

Tuy nhiên, để tâm vô trụ trong việc hành bố thí là không phải chuyện dễ dàng, một sớm một chiều là có thể làm được, mà là cả một tiến trình hành thiện lâu dài trong khi đó hành giả phải luôn quán niệm các pháp đều như huyễn, không có thật tướng, vô ngã, để tâm rỗng rang cho đến thuần thục. Đây có thể nói là cả lộ trình thâm nhập chuyển hóa thành tam nhẫn, như đã được Như Lai xác quyết trong Kinh Kim Cang với Ngài Tu Bồ Đề:

Tu tập các việc lành

Giữ tâm ý thanh tịnh

Là lời dạy của chư Phật."


Vì vậy khi thực hành thiện sự ở thế giới hiện đại phức tạp như ngày nay, hành giả phải tập không sinh tâm chấp thủ vào việc làm lành của mình hay bất kể pháp nào mà luôn tác ý từ duy: do duyên mà làm, đủ nhân duyên là sinh, hết duyên là tan, tất cả đều huyễn hoặc, không có thật tướng. Luôn quán niệm như vậy đến một ngày thành thục, tâm ý hành giả thanh tịnh, không chấp thiện, chấp ác, đạt đến chỗ vô trụ, niết bàn.

Tâm Tịnh
-

Tài liệu tham khảo

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, quyện 5, Phẩm An Lạc Hạnh Thứ 14 (2009, PL 2553). India: Việt Nam Quốc Tự. Bồ Đề Đạo Tràng.

Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (2002, PL2546). Thích Huệ Hưng. Minh Đăng. Queensland: Brisbane.

Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Như Lai Tánh (1999, PL2543). Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh.

Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Phạm Hạnh (1999, PL2543). Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh.

Hoa Nghiêm Kinh. Tập II. XXI Phẩm Thập Hạnh (1984, PL2527). Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Phật Học Viện Quốc Tế.

Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh (2013). Pháp sư Từ Thông. Giáo án cao đẳng Phật học: Trực chỉ đề cương. Nhà xuất bản Tôn Giáo.

Tiểu Bộ Kinh. Kinh Phật Tự Thuyết Udena. Chương sáu. Phẩm Sanh ra đã mù. Phần X (Ud 79). Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. [Online] Available http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo1/tb13-ptt3.htm

Tâm Tịnh

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/de-tam-vo-tru-khi-lam-tu-thien-d27913.html)

Chủ đề liên quan:

làm từ thiện từ thiện

Tin cùng nội dung

  • Tự nhận mình là “cô đồng nát” chuyên đi xin sách cũ, chị Lan Anh dồn tâm huyết cho dự án lập những thư viện nhỏ, mong muốn từng bước thay đổi tư duy của trẻ em miền núi thông qua giáo dục.
  • (MangYTe) - Chiều ngày 22/4, PV ADZ đã đến tận nhà cô giáo Nguyễn Thị Nhung – hoàn cảnh trong bài viết “Số phận nghiệt ngã của vợ chồng cô giáo trường làng (giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) để trao số tiền gần 30 triệu đồng của bạn đọc ADZ giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn của cô.
  • Chàng trai Dương Quang Huy (SN 1986, trú tại Lý Thường Kiệt, Hội An, Quảng Nam) lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm làm sao giúp đỡ được những phận đời bất hạnh, để họ có được niềm tin vào cuộc sống. Những chuyến đi của chàng trai ấy đã đem lại biết bao niềm vui cho những mảnh đời không may mắn.
  • Tiếng hát mang tâm hồn sinh viên y khoa đến với mọi nẻo đường, từ giảng đường cho đến những con đường từ thiện và hành trình chữa bệnh cứu người sau này.
  • Sáng 11/9/2015, tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình đã diễn ra Lễ tiếp nhận tài trợ Nồi cơm từ thiện do báo Sức khỏeĐời sống trao tặng cho người bệnh nghèo.
  • Xuất phát từ mô hình đang rất phát triển tại TP Hồ Chí Minh, quán cơm bình dân hỗ trợ người lao động nghèo với giá 1.000 đồng/suất đã có mặt tại Hà Nội. Những thực khách nghèo chỉ phải trả tượng trưng 1.000 đồng cho một bữa cơm trưa đầy đặn, nóng hổi.
  • Dạy cho trẻ giá trị của lòng từ thiện ngày càng quan trọng đối với nhân cách của trẻ
  • Như người ta vẫn nói : “Cho cần câu và dạy cách câu chứ không cho con cá”. Ai có thể gom tiền từ thiện cho cả cuộc đời anh?
  • Mangyte-Theo ThS.BS Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, số tiền các nhà hảo tâm và toàn xã hội giúp đỡ bé ngân đã lên tới hơn hơn một trăm triệu đồng đang được người tự xưng là bà ngoại bé Ngân quản lý là hoàn toàn sai với luật bảo vệ trẻ em.
  • Mấy ngày nay, dư luận xôn xao vụ việc 3 trẻ Tu vong trong chương trình phẫu thuật từ thiện cho trẻ em bị dị tật hở môi, hàm ếch do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA) thực hiện hôm 23/8 tại BV Quân Y 87 (tỉnh Khánh Hòa).