Qua 4 ngày xét xử phiên toà, 2 nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng 20 bị cáo đã kết thúc phần xét hỏi. Ngày mai 7-1, tòa sẽ chuyển sang phần thẩm vấn.
Tại phiên toà, nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo sở ban ngành, công ty cho rằng quá trình chuyển nhượng nhà đất công sản chỉ làm theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban, hoàn toàn không được hưởng lợi gì. Bản thân các bị cáo trước khi chuyển nhượng cũng không quen biết gì Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm").
Cụ thể, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng, khai năm 2008, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương bán nhà công sản đang cho thuê. Thời điểm đó, bị cáo làm doanh nghiệp nên việc gì lợi thì làm, không biết mình đã vi phạm pháp luật. "Doanh nghiệp có nhu cầu mua nên tôi đã làm đơn xin mua 4 dự án nhà công sản thì UBND TP chỉ giải quyết cho tôi 2 cái là 37 Pasteur và 57 Lê Duẩn" - bị cáo Lộc khai.
Cũng theo bị cáo Lộc, sau khi UBND TP giải quyết cho mua 2 lô đất thì lúc đó, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh gọi điện cho bị cáo, nói cái nào không dùng thì bán cho Vũ "nhôm". "Sau đó, Vũ "nhôm" liên hệ với tôi để gặp nhau và tôi chỉ đồng ý nhượng lại lô đất 37 Pasteur" - bị cáo Lộc nói.
Nguyên chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Cán cũng khai bị cáo thường nhận chỉ đạo miệng của ông Nguyễn Bá Thanh thông qua Phan Xuân Ít, Đào Tấn Bằng (nguyên chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng) .
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến cho biết về việc chuyển nhượng dự án số 16 Bạch Đằng, nếu căn cứ theo luật đất đai thì không đúng. Tuy nhiên, do có văn bản của Bộ Công an đề nghị chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 (Công ty Vũ "nhôm" làm chủ-PV) để phục vụ xây dựng, phát triển tiềm lực của ngành nên ông mới chỉ đạo xử lý.
HĐXX truy hỏi về việc văn bản của Bộ Công an có bắt buộc phải chuyển nhượng nhà đất cho Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 hay không thì bị cáo Chiến trả lời: Về hình thức, văn bản chỉ đề nghị quan tâm, giải quyết nhưng về hiệu lực thì lãnh đạo UBND, các địa phương nghĩ đây là trách nhiệm cần ủng hộ cho lực lượng công an. "Bị cáo có đưa ra trong giao ban lãnh đạo TP, xin ý kiến của bí thư, chủ tịch HĐND. Ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng cũng đề nghị cho thuê 50 năm. Trên cơ sở đó, bí thư thống nhất cho thuê. Đất của TP Đà Nẵng qua Bộ Công an cũng không mất đi đâu, còn việc quản lý của Bộ Công an đối với Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 - doanh nghiệp bình phong tôi không biết thế nào. Cho nên, có quyết định cho thuê 50 năm" - bị cáo Chiến khai.
Trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng việc công ty của Vũ "nhôm" được mua với giá rẻ là do UBND TP căn cứ vào Nghị định 38 của Chính phủ. Theo đó, bị cáo lập luận với quy định người mua nộp tiền một lần được giảm 20% thì "Thường vụ Thành ủy, UBND TP nghiên cứu áp dụng giảm 10% là có lời cho ngân sách nhà nước rồi". Chủ trương này đã có từ thời Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND TP Hoàng Tuấn Anh, đến thời bị cáo chỉ là "kế thừa thực hiện". Riêng dự án Công viên An Đồn, bị cáo Minh cho rằng bị cáo đồng ý chủ trương giao dự án này cho Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 mà không qua đấu giá là dựa trên quy định của Nghị định 17 và công văn của Bộ Công an.
Cũng tại phiên toà, khi được HĐXX thẩm vấn, Phan Văn Anh Vũ khẳng định bị cáo không có quan hệ gì đối với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Tuy nhiên về, tên tuổi các vị lãnh đạo thì "là người kinh doanh bất động sản, tôi không thể không biết".
Tại phiên toà Vũ liên tục cho rằng cáo trạng vụ án đã quy kết bị cáo phạm tội là không đúng. Tại thời điểm đó, không nhận thức được quyết định bán nhà công sản là đúng hay sai. Nhà nước có chủ trương bán thì bản thân xem nếu thấy hợp lý, phù hợp với điều kiện thì mua. "Còn ai bán sai thì người đó chịu. Nếu bị tuyên có tội, Vũ sẽ làm đơn để khởi kiện các công ty đã bán nhà, đất để mình bị rơi vào vòng lao lý"- bị cáo Vũ nói. Phan Văn Anh Vũ cũng cho rằng theo cáo trạng, bị cáo giống như tội đồ, là trung tâm trong cáo trạng này. Mọi tội lỗi đều đổ hết cho bị cáo, bị cáo chỉ là người đi mua chứ không làm gì nên tội.
Trong phần thẩm vấn, Phan Văn Anh Vũ cho rằng nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo TP Đà Nẵng có rất nhiều bằng khen, giấy khen cho bị cáo. "Pháp luật thì chỉ có một, tại sao các lãnh đạo thời kỳ trước khen, ủng hộ bị cáo mà đến nay lại mang bị cáo ra xét xử trước tòa. Bị cáo rất đau đớn về việc này" - bị cáo Vũ nói.
Theo cáo trạng, vì những động cơ khác nhau, Trần Văn Minh và các đồng phạm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2014 tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 Dự án đất trên cơ sở tạo cơ hội cho Vũ "nhôm" có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… nhằm trục lợi. Hậu quả, số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà, đất công sản là trên 2.400 tỉ đồng; tại 7 dự án là trên 19.600 tỉ đồng. Tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 22.000 tỉ đồng, riêng Dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, số tiền Nhà nước đã thiệt hại là trên 11.200 tỉ đồng.
Nguyễn HưởngChủ đề liên quan:
2 nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ tịch Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đà nẵng hưởng lợi lãnh đạo đà nẵng lãnh đạo Đà Nẵng ra tòa nguyễn bá thanh Nhà nước thiệt hại tịch ubnd tp tp đà nẵng trần văn minh ubnd tp Đà nẵng văn hữu chiến xét xử vũ nhôm