Kinh tế xã hội hôm nay

Hà Nội: 93 xã phường qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh tả lợn châu Phi

Trong tuần (15-21/7), bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh mới tại 375 hộ, cơ sở chăn nuôi, 9 thôn, 1 xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 6.102 con với trọng lượng 420.929 kg. So với tuần trước, dịch bệnh phát sinh giảm hơn 189 hộ, cơ sở chăn nuôi và số lợn hủy giảm 1.576 con. Tuy nhiên, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân vẫn còn rất thấp và tâm lý tái đàn nóng vội, không thông qua chính quyền địa phương dẫn tới những sai phạm đáng tiếc và thiệt hại về kinh tế.

Trong 3 ngày (19-21/7), bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại 89 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 17 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 1.265 con lợn với trọng lượng 84.969 kg.

Tính đến ngày 21/7, bệnh dịch tả lợn đã xảy ra tại 28.368 hộ chăn nuôi (chiếm 35,1 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.311 thôn, tổ dân phố/447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 492.857 con (chiếm 26,3 % tổng đàn) với trọng lượng 33.909 tấn. Tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 64.683 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố.

Đến nay, đã có 93 xã, phường thuộc 20 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh. Ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà; thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 230 tấn hóa chất và 7.751 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao.


Tiêu hủy lợn bệnh. Ảnh minh họa

Sử dụng hơn 400 tấn hóa chất tiêu độc khử trùng trên địa bàn Hà Nội

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, ngành triển khai có hiệu quả 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn toàn Thành phố, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là: 216 tấn. Ngoài ra ngân sách Thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 226 tấn hóa chất và 7.595 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao.

Hà Nội cũng đã chuẩn bị đẩy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ảnh qua đường dây nóng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát bệnh dịch tại các hộ chăn nuôi

Hiện nay, ý thức phòng chống dịch tả lợn châu Phi của người dân vẫn còn rất thấp và tâm lý tái đàn nóng vội, không thông qua chính quyền địa phương dẫn tới những sai phạm đáng tiếc và thiệt hại về kinh tế. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, các đơn vị, địa phương cần tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi. Đặc biệt, phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định.

UBND thành phố cũng đã ban hành quy định “5 không” gồm: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển động vật bệnh ch*t; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh ch*t; không vứt động vật ch*t ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt. Với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đồng thời phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào Thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, để phòng chống bệnh hiệu quả, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, Hà Nội cần rà soát những tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đó là rà soát, xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch tổng thể về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thành lập, tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương, cơ sở đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương, đơn vị (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân… khi cần thiết) trong công tác phòng, chống, xử lý bệnh dịch.

Phát hiện và xử lý nghiêm theo quy dịnh của pháp luật các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống, xử lý dịch bệnh. Các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong việc kê khai, trọng lượng tiêu hủy và thanh toán kinh phí hỗ trợ.

Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi.

Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào Thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

PV

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-93-xa-phuong-qua-30-ngay-khong-phat-sinh-dich-benh-ta-lon-chau-phi-n160854.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY