Tâm sự hôm nay

Học sinh vô cảm trước cái xấu, cái ác: Rất đáng lo!

Thời gian qua, liên tiếp những vụ bạo lực học đường xảy ra tại nhiều địa phương trước sự thờ ơ của nhiều học sinh. Vấn nạn này khiến nhiều người thấy bất an.

Vô cảm tiếp tay cho bạo lực học đường

Ngày 22/3, lãnh đạo Trường THPT Lộc Ninh (Bình Phước) xác nhận vụ việc, lúc 16 giờ ngày 21/3, tại khu vực gần nhà thờ huyện Lộc Ninh, em Ngô Quỳnh A. (học sinh lớp 10A9, Trường THPT Lộc Ninh) bị một số đối tượng nữ dùng gậy, mũ bảo hiểm đánh vào đầu và quay clip, phát tán trên facebook.

Trong clip, khi sự việc diễn ra, có một số bạn trẻ hiếu kỳ đứng xem và chứng kiến vụ việc nhưng khống thấy ai vào can ngăn, chỉ đến khi có một số người dân kéo đến, nhóm đánh bạn mới lên xe bỏ đi.

Trước vụ việc trên vài hôm, ngày 17/3, hội đồng kỷ luật trường thpt phan đăng lưu, quận bình thạnh, tp.hcm cho biết đã có quyết định kỷ luật 15 học sinh liên quan đến vụ đánh nhau trong lớp học xảy ra hôm 10/3. nguyên nhân được cho là 1 nữ sinh đã nói xấu 2 bạn khác trong lớp.

Nhóm nữ sinh này đã hẹn nhau giải quyết, tuy nhiên, bạn nữ (sau này bị đánh) đã không đến nơi hẹn do đau mắt. có lẽ do vậy bạo lực mới được giải quyết ngay trong lớp học. điều đáng nói là vụ việc diễn ra ngay trong giờ ra chơi, cả lớp có mấy chục học sinh nhưng không ai can ngăn.

Thậm chí, một nam sinh còn quay lại clip và cổ vũ rất nhiệt tình: “Đây là cảnh 2 chị đại trong lớp đánh nhau”. Không chỉ vậy, các bạn khác trong lớp vẫn cười nói và vẫn ra chơi bình thường như không có chuyện gì xảy ra...

Nữ sinh Bình Phước bị đánh hội đồng -  ảnh cắt từ clip.

Vì đâu?

Từ những vụ việc trên, có thể thấy, giới trẻ ngày càng vô cảm trước những nỗi đau của người khác, không hề phẫn nộ trước cái cái xấu, các ác xảy ra ngay trước mắt.

Lý giải vấn nạn này, tiến sĩ tâm lý Đới Thị Thu Thủy, Đại học Thái Nguyên cho rằng: có 4 nguyên nhân chính. Đầu tiên là từ chính học sinh, hình thành từ tính cách, có em sống khép mình, ít quan tâm việc xung quanh.

Tiếp theo là yếu tố gia đình, trong xã hội hiện đại, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo nên có sự ít quan tâm, giáo dục.

Ngược lại, có những gia đình quan tâm trẻ một cách thái quá, khiến trẻ hình thành tư tưởng chỉ biết nhận, chứ không biết cho đi...

Thứ ba là thuộc về nhà trường, lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều về vấn đề các trường quan tâm dạy chữ mà ít chú ý đến giáo dục nhân cách, đạo đức.

Thậm chí ngay cả bản thân thầy cô, không ít người cũng vô cảm với chính học sinh của mình, không có sự chia sẻ, cảm thông với học trò...

Cuối cùng là yếu tố xã hội, nhiều khi có những tình huống, sự việc xảy ra, gây mất niềm tin của nhiều người. Các em đang ở độ tuổi mới lớn, chính các em cũng bị mất niềm tin vào cuộc sống, nên có thái độ thờ ơ, vô cảm...

Để cải hiện tình trạng này là hoàn toàn có thể nếu có các yếu tố tích cực và phối hợp từ gia đình và nhà trường, đồng thời bản thân các em cũng phải nỗ lực điều chỉnh...        

Việt Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/hoc-sinh-vo-cam-truoc-cai-xau-cai-ac-rat-dang-lo-n188782.html)

Chủ đề liên quan:

cái xấu đáng lo học sinh

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY