Tâm sự hôm nay

Không kiểm soát dư lượng kháng sinh trong thủy sản: Khổ đủ đường

Theo thông tin đưa ra tại Hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” cuối tháng 10 vừa qua, tính từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015...
Theo thông tin đưa ra tại Hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” cuối tháng 10 vừa qua, tính từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, đã có gần 32.000 tấn thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước bị trả về mà nguyên nhân chính là do dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về. Việc này không đơn giản ảnh hưởng tới kinh doanh, mà còn để “tiếng tăm” không hay đối với các thị trường chính, vốn đã cạnh tranh khốc liệt...

Nhiều khách hàng “dọa” ngừng

Số hàng thủy sản trên đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các thị trường khác dễ tính hơn, tuy nhiên không chỉ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty xuất khẩu, mà nhiều khách hàng còn dọa sẽ ngừng nhập nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, gia tăng hoặc sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với từng lô hàng xuất khẩu.

Trong các lô hàng bị trả về, có 27 lô hàng xuất sang Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh. Số lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép tăng 2,5 - 3,7 lần so với năm 2014 (tùy từng chất cấm). Nhật đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.

EU cũng cảnh báo 27 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm kháng sinh và đã có văn bản nêu rõ 24 doanh nghiệp (DN) nếu không cải thiện sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt. Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng 6 lần so với năm 2014. Úc cũng cho biết sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tỷ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh gia tăng.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản (Nafiquad) - Bộ NN&PTNT cho biết: Các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu là do không đáp ứng được yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở dĩ có hiện tượng dư lượng kháng sinh là do nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng Thu*c trước khi thu hoạch, thậm chí sử dụng các chất kích thích tăng trưởng... ngoài danh mục cho phép; sử dụng kháng sinh để bảo quản thực phẩm.

Khó tìm nguyên liệu?

Tại hội nghị, các DN chế biến xuất khẩu thủy sản thừa nhận các lô hàng bị trả về chủ yếu do nguồn nguyên liệu không sạch.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), bộc bạch: “Do môi trường bẩn, sông ngòi ô nhiễm chất thải, đặc biệt là con tôm, nhiều loại dịch bệnh bùng phát, người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, Thu*c thú y để giảm thiệt hại. Họ dùng Thu*c kháng sinh khá tùy tiện, không kiểm soát khiến các DN thu mua đều dính nguồn nguyên liệu bẩn”.

Các DN thủy sản cũng cho rằng, nếu chỉ đổ lỗi cho người dân là chưa đúng. Bởi dịch bệnh tôm đã xảy ra mấy năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được liều Thu*c phòng trị nên tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ được 30-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan đạt trên 70%. Giá thành tôm Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác 1-3USD/kg. Và để giảm giá thành, nhiều DN tăng cường sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm.

Cần giải pháp đồng bộ

Một trong các giải pháp được đưa ra tại hội nghị là xây dựng vùng nuôi. Cụ thể với các hộ nuôi nhỏ lẻ, DN chủ động liên kết lại thành những tổ hợp tác với vùng nuôi 50-70ha trở lên, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để có thủy sản sạch thì chính DN phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi. Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển những mô hình sản xuất sạch của DN.

Song song với đó, Bộ cũng đề nghị Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương, lập danh sách những DN bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài. Từ đó phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với DN liên tục vi phạm. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công an lập đoàn thanh tra tập trung xử lý nghiêm một số đường dây buôn lậu vật tư nông nghiệp, kháng sinh cấm.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh lâu nay vẫn nổi cộm. Theo kết quả báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) ở 4 thị trường lớn là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc thì Việt Nam là một trong 3 nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản giai đoạn 2006-2010. Tính trung bình trong giai đoạn này, mỗi năm chúng ta thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng xuất khẩu bị trả lại. 

Bình An

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-khong-kiem-soat-du-luong-khang-sinh-trong-thuy-san-kho-du-duong-20554.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY