Tâm sự hôm nay

Không thể thiếu rau

Thỉnh thoảng tôi được mời dự bữa cơm thân mật tại nhà một người bạn thân. Có điều làm tôi phải chú ý, ấy là bữa nào tôi cũng thấy bé gái khoảng 10 tuổi bị ép ăn rau.

Thỉnh thoảng tôi được mời dự bữa cơm thân mật tại nhà một người bạn thân. Có điều làm tôi phải chú ý, ấy là bữa nào tôi cũng thấy bé gái khoảng 10 tuổi bị ép ăn rau. Bố của bé thì nói: “Nào con gái của bố, ăn cho bố một miếng rau nào”. Rồi ông ngoại bé cũng nói: “Chịu khó ăn rau đi cháu. Ngày ông đi bộ đội vào Nam, rau không có mà ăn đâu”. Thường thì cháu bé không chịu ăn, dù đó là rau luộc hay xào hoặc nấu canh. Cuối cùng, mẹ cháu phải ra lệnh thì cháu bé mới ăn được vài miếng rau. Theo tôi, cháu ăn uống như thế là thiếu rau xanh.

Rồi có một lần tôi được nghe ông ngoại bé kể chuyện thiếu rau thời ông còn là anh bộ đội vào Nam chiến đấu. Ngày ấy, trên đường Trường Sơn, tới một binh trạm nọ thì đơn vị ông được cấp rau xanh với tiêu chuẩn mỗi người được 100gram. Ông là người đi nhận. Tiểu đội có 12 người được đúng 1,2kg. Trong 1,2kg cải xanh ấy có 1 bẹ cải đã ngả vàng. Theo thói quen, ông vứt bẹ cải vàng đi. Ngay lập tức, người cấp rau ra lệnh hãy nhặt lại bẹ cải. Ông đành phải nghe theo. Bữa cơm có rau ấy thật ngon và tất nhiên bẹ cải vàng cũng được xơi một cách còn thòm thèm. Cho đến khi ông vào đến tận chiến trường, ở rừng được vài năm thì mới thấm thía nỗi khổ thiếu rau xanh, nhất là vào mùa khô. Khi ấy, ông mới thấy chắc người cấp rau trên đường Trường Sơn đã từng nếm trải sự thiếu thốn rau xanh rồi.

Một lần, đơn vị ông bắn được một con heo (lợn) rừng khoảng gần tạ. Đại đội chiến đấu chỉ vào khoảng 60 người, thịt thì nhiều, ước gì có được tí rau. Anh đại đội trưởng cử hẳn một tổ tam tam (3 người) đi kiếm rau. Kết quả còn hơn sự mong đợi, tổ tam tam đem về hẳn một bồng (gùi) rau lang. Thì ra may mắn, họ gặp một tổ coi kho trong rừng, họ trồng được khá nhiều rau lang. Dĩ nhiên họ vui lòng biếu rau cho đồng đội. Và cũng dĩ nhiên đích thân đại đội trưởng cùng tổ tam tam đem hẳn một đùi heo biếu tổ coi kho. Thật là vui vẻ! Bữa ăn có rau lang ngon hẳn lên. Đến tận bây giờ, ông còn nhớ bữa rau lang ngày ấy. Vừa kể chuyện ông vừa than thở: “Không hiểu sao bọn trẻ ngày nay lại lười ăn rau đến thế”. Nhân dịp, tôi bèn góp thêm một câu chuyện có liên quan đến việc “lười ăn rau”. Hôm ấy, khoa nhi chúng tôi nhận một bé gái khoảng 6 tuổi với lý do đã 3-4 ngày nay chưa đi cầu. Nhìn bé gầy gò, da khô với vẻ mặt rất khó chịu. Ngay lập tức, tôi chỉ định thụt tháo cho cháu. Sau thụt tháo, cháu tươi tỉnh hẳn, tôi mới hỏi chuyện mẹ cháu. Thì ra do bận nhiều việc quá (chị làm nghề nông) nên việc ăn uống của cháu chị không quán xuyến được. Theo chị thì cháu rất ít ăn rau. Tôi hỏi thêm thế cháu uống nước thế nào? Chị bảo khát thì cháu uống, thế thôi. Cháu bé được xuất viện ngay với lời dặn: “Bữa ăn nào cũng phải ăn nhiều rau và phải uống nhiều nước lọc rải rác trong ngày khoảng 1,5 lít một ngày”. Sau đó cũng khá lâu không thấy bé trở lại bệnh viện.

Theo tôi được biết, hiện nay, cũng khá nhiều cháu bé lười ăn rau. Thiếu rau sẽ rất không tốt cho sức khỏe. Muốn các cháu có thói quen ăn rau, cần tập cho các cháu từ nhỏ, từ rất nhỏ, ngay khi các cháu biết ăn cơm.

Một số không nhỏ người dân Đà Lạt sống bằng nghề trồng rau. Rau Đà Lạt được cung cấp về nhiều nơi. Du khách đến Đà Lạt thường rất thích món rau sống. Ngay người dân Đà Lạt cũng ăn rau sống không biết chán. Tuy nhiên, ăn rau sống thế nào để đảm bảo vệ sinh là điều cần bàn, cần thực hiện. Có một buổi nói chuyện sức khỏe trực tiếp với người dân, tôi đưa vấn đề này ra và nhận được khá nhiều ý kiến thảo luận, trong đó có một ý kiến đáng lưu ý mà tôi xin chép ra đây: “Ngoài cách rửa rau sống dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun, ấu trùng giun, còn có cách khác cũng có giá trị loại trừ được phần lớn trứng giun, ấu trùng giun. Trước hết, ta rửa rau với nước sạch 2 - 3 lần. Lần cuối cùng, nên đổ gần đầy thau nước và pha vào đó một lượng muối vừa phải. Cho rau vào và khuấy nhẹ rau trong thau nước làm sao cho trứng giun, ấu trùng giun bong ra khỏi rau. Dùng tay dìm rau ngập trong nước. Nước muối sẽ làm cho trứng giun, ấu trùng giun nổi lên trên mặt nước. Chắt nước ra khỏi thau. Như vậy trứng giun, ấu trùng giun sẽ theo nước ra ngoài”. Theo tôi, rửa rau để ăn sống như trên là khá an toàn, ta sẽ có một bữa rau sống ngon miệng.

Trong bữa cơm Việt Nam của chúng ta không thể thiếu được món rau. Rau là nguồn cung cấp vitamin dồi dào. Ngoài ra, rau còn là chất độn có giá trị nhuận tràng, chống táo bón rất tốt. Rau Việt Nam rất phong phú. Các món ăn từ rau còn phong phú hơn. Trong bối cảnh nguy cơ thiếu an toàn trong vệ sinh thực phẩm như hiện nay, tôi rất ưa chuộng món rau luộc mà bỏ đi nước luộc rau.

BS. Nguyễn Tất Ứng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-khong-the-thieu-rau-8583.html)

Tin cùng nội dung

  • Rau ngót có nhiều acid amin, vitamin và chất khoáng vì vậy nó có tính bổ dưỡng cao. Người ta thường nấu canh rau ngót với thịt heo nạc, giò sống trứng, tôm, cá đồng… bữa ăn gia đình, nhất là các cụ lớn tuổi, nên có thêm bát canh rau ngót.
  • Chúng ta không thể phủ nhận rằng người cao tuổi (NCT) là một vốn quý, một tiềm năng giàu có về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống... tuy nhiên, sự đóng góp của NCT vẫn chưa được biết đến đầy đủ.
  • Nếu bị kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa, chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà.
  • Đã có số điện thoại của đội cứu hỏa, chuông báo cháy vẫn chưa đủ, bạn phải chuẩn bị cho chính mình tâm lý vững vàng và kỹ năng thoát hiểm an toàn.
  • Chào Mangyte, Hè này tôi đưa gia đình lên Sài Gòn chơi, tiện thể khám sức khỏe tổng quát cho cả nhà luôn. Tôi muốn khám ở BV Hòa Hảo mà nghe nói chỗ đó đông lắm, phải lấy số từ 4h sáng lận, mà ba mẹ tôi cao tuổi rồi. Vậy làm cách nào để gia đình tôi có thể khám bệnh nhanh chóng, tiện lợi nhất? (Công Minh - Bến Tre)
  • Sắp tới Giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ lễ 5 ngày, gia đình tôi muốn đi du lịch kết hợp với khám sức khỏe luôn có được không? Còn 1 tháng nữa nhưng tôi phải lên kế hoạch từ bây giờ. Tôi nên đăng ký ở đâu, nhờ Mangyte hướng dẫn giúp. Xin cảm ơn nhiều! (Phúc Vinh - TPHCM)
  • Thay vì bán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) riêng lẻ, nay người dân muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình.
  • Sứa và các món ăn từ sứa như canh sứa, nộm sứa rất quen thuộc trong sổ tay ẩm thực của những người sành ăn. nhưng tác dụng chữa bệnh của con sứa thì nhiều người còn chưa biết.
  • Kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên là phương pháp xác định thời điểm có thể quan hệ T*nh d*c mà không thể có thai
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY