Sai phạm trong lĩnh vực giáo dục ngày một nghiêm trọng, tình trạng tuyển sinh bừa bãi, tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tuyển sinh khi không được phép tồn tại như một mặt trái của nền giáo dục chạy theo thị trường, lợi nhuận.
Điển hình cho các sai phạm trong tuyển sinh phải kể đến những sai phạm của Trường Đại học Điện Lực và Đại học Đông Đô. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã từng làm rõ năm 2013, Trường ĐH Điện lực báo cáo không trung thực về chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GD&ĐT thông báo là 43,4% và năm 2014 vượt chỉ tiêu 12,2%.
Thanh tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra ngẫu nhiên danh sách 222 sinh viên trúng tuyển ngành Điện công nghiệp và Dân dụng năm 2013 cho thấy: Có 140 sinh viên trúng tuyển thấp hơn điểm chuẩn theo Thông báo số 1201 ngày 9/8/2013 và số 1466 ngày 12/9/2013 của trường (trong đó có 47 sinh viên được ghi chú là dạng đào tạo theo nhu cầu xã hội) và 7 sinh viên không có dữ liệu điểm xét tuyển.
Hay như Trường Đại học Đông Đô không được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh nhưng đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo không đúng quy trình cấp bằng trong thời gian dài không được phát hiện.
Để hạn chế tình trạng trên, Hiệp hôi các trường đại học cao đẳng Việt Nam đã có ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50 triệu, với tổ chức là 100 triệu hiện đã lỗi thời. Đây là mức phạt quy định ở Nghị định138 ban hành từ năm 2013, đến nay tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi cho nên trong Nghị định mới cần phải nâng mức phạt lên.
Mặt khác, mức xử phạt quy định trong dự thảo cũng chỉ theo định tính cần phải chú ý đến định lượng. Ví dụ, việc ký văn bằng sai thẩm quyền đối với 10 người học hay đối với 100 hoặc 1000 người học thì mức phạt phải khác nhau.
Vấn đề quy định biện pháp khắc phục hậu quả là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên nên rà soát cân nhắc thêm. Cần kèm theo quy định về biện pháp khắc phục khi nhà trường “vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo” hoặc “vi phạm quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên, giảng viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục”.
Trong thực tế đang có trường đại học gần chục năm không có hiệu trưởng, cả trường có khoảng chục giáo viên cơ hữu trình độ hạn chế mà đang đào tạo hàng chục ngành đại học, vài ngành thạc sĩ mà thanh tra giáo dục vẫn để yên.
Giả sử có thanh tra thì cũng “khó phát hiện”, mà có phát hiện thì phạt 50 triệu, việc này khác gì “đánh bùn sang ao.
Cho nên, theo Hiệp hôi các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cần có chế tài quyết liệt về hội đồng trường. Một trong những giá trị quan trọng của Luật giáo dục đại học sửa đổi là khẳng định Hội đồng trường.
Tuy nhiên, nhiều trường đại học công lập chưa có Hội đồng trường, một số trường đại học tư thục không thực hiện bầu Hội đồng trường mới theo luật định. Hiện có tình trạng các trường đại học tư thục đang hoạt động, đã quá nhiệm kỳ nhưng trì hoãn việc thành lập Hội đồng trường theo luật định.
Cần thêm các quy định bắt buộc phải khắc phục hậu quả. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa có Hội đồng trường, Thanh tra Giáo dục có văn bản yêu cầu cơ quan quản lý trực tiếp giải trình. Thanh tra Giáo dục xem xét, đề xuất giải pháp khắc phục, thống nhất với cấp trên của cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường để quyết định biện pháp khắc phục.
Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập đang có Hội đồng trường, nếu nhiệm kỳ Hội đồng trường đã quá 30 ngày thì buộc Chủ tịch Hội đồng trường chấm dứt điều hành;
Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục đang có Hội đồng trường (Hội đồng quản trị), nếu nhiệm kỳ Hội đồng trường đã quá 30 ngày thì buộc Chủ tịch Hội đồng trường ngừng điều hành.
Nhà đầu tư nào tập hợp được các nhà đầu tư sở hữu ít nhất 65% vốn góp đứng ra tổ chức thực hiện quy trình thành lập Hội đồng trường, bầu chủ tịch Hội đồng trường.
Tăng cường kiểm soát một số hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ nhiều hơn, đồng thời nhúng sâu vào kinh tế thị trường. Cạnh tranh, tiêu cực và hướng tới lợi nhuận là công việc hàng ngày. Trước tình hình đó, công tác kiểm tra giám sát phải mạnh hơn. Mức xử phạt đủ răn đe, biện pháp khắc phục phải cứng rắn.
Cuối cùng Hiệp hội nhấn mạnh, giáo dục đại học có những nhóm sai phạm cần được xử lý rất nghiêm như không công khai về các điều kiện đồng bộ bảo đảm chất lượng; Vi phạm về in ấn, cấp phát văn bằng chứng chỉ sai qui định.
Sử dụng văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp (văn bằng không được phía Việt Nam công nhận tương đương). Tổ chức đào tạo trái qui định…
Chủ đề liên quan:
các trường các trường đại học đại học đào tạo đào tạo chui kiểm soát sai phạm trường trường đại học tuyển sinh