Đôi khi, sự nổi loạn, bướng bỉnh của con có thể làm bạn mất kiểm soát. Khi đó, hãy cố gắng điều chỉnh cảm xúc của bản thân và nhớ rằng làm cha mẹ là một nhiệm vụ dài hạn. Do đó, hãy cố gắng nghĩ đến mục tiêu mà bạn đang hướng tới, thay vì tức giận nhất thời và trút giận lên con.
Hãy lắng nghe để hiểu rõ tâm tư, tình cảm của con. Đồng thời, không nên vội vàng phán xét con và chỉ chăm chăm vào thuyết giảng những tư tưởng của bản thân. Chỉ khi được lắng nghe, con mới thấy mình được tôn trọng và sẵn sàng mở lòng với cha mẹ.
Con người luôn mắc sai lầm, nhất là với một đối tượng còn chưa trưởng thành như con bạn. Vì vậy, đừng đay nghiến hay nhai đi nhai lại lỗi lầm của con. Thay vào đó, hãy chấp nhận và tha thứ.
Đôi khi, bạn lo lắng khi thấy con làm không đúng ý mình hoặc sợ hãi trước một hậu quả mơ hồ còn chưa xảy ra với con. Trong trường hợp này, chính bạn mới là người có vấn đề. Có thể bạn đang quá lo xa hoặc bị mất cân bằng, thiếu cảm giác an toàn và hãy thử chia sẻ với vợ/chồng để cải thiện tình hình.
Luôn tôn trọng con và cư xử đúng mực với con. Tuyệt đối không được dùng vũ lực, đe doạ hay xúc phạm con. Hãy tạo một môi trường giao tiếp hoà bình và chan chứa yêu thương cho con bạn.
Hãy lên một bảng thời gian những việc bạn muốn con làm ngay từ khi còn nhỏ. Như vậy, con sẽ dễ dàng thực hiện và sớm học được tính kỷ luật.
Ở mỗi độ tuổi, con có thể giúp bạn làm những việc nhà nhất định và không nên ngần ngại chia sẻ việc nhà cho con. Đây cũng là một cách để bạn ghi nhận công lao, trách nhiệm của con đồng thời giúp vơi bớt gánh nặng công việc mà bạn phải chịu.