Những cơn đau đầu tiên xuất hiện từ năm 2018, bệnh nhân cho rằng bị mỏi cơ, chỉ cần nghỉ ngơi là hết. Sau đó, cơn đau thường xuất hiện khi đi lại vận động, chị đi khám ở nhiều bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bị viêm bao khớp, uống Thu*c. Đầu năm 2021, bác sĩ nhận định chỏm xương đùi của chị có dấu hiệu bị ăn mòn, nguy cơ tàn phế, chỉ định thay khớp háng. Đầu tháng 4, chị khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Theo bác sĩ Phạm Trung Hiếu, Trưởng đơn vị Phẫu thuật khớp háng, Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, Bệnh viện Tâm Anh, khớp háng của chị không có biểu hiện tổn thương nặng. Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy bao khớp dày lên và tăng tiết dịch, chỏm xương đùi không có tổn thương dạng hoại tử. Trên phim chụp cắt lớp vi tính, khớp háng bị ấn lõm vào như có ngoại lực tác động.
Nhóm điều trị sử dụng phương pháp thực nghiệm y khoa 3D, tức là dựng mô hình 3D khớp háng bệnh nhân, độ chính xác 100%. Sau đó, họ mô phỏng chuyển động khớp háng của người bệnh trên nền đồ họa máy tính và mô hình 3D thực tế. Từ đây, bác sĩ thấy trong khớp có rất nhiều hạt dị vật nhỏ di chuyển liên tục. Nhóm điều trị chẩn đoán bệnh nhân mắc u sụn màng hoạt dịch khớp háng.
Bác sĩ Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, cho biết triệu chứng đau trong khớp khi đi lại của bệnh nhân vừa giống bệnh viêm khớp lại vừa giống các bệnh lý u sụn màng hoạt dịch, vì vậy dễ gây nhầm lẫn.
Bệnh u sụn màng hoạt dịch xảy ra khi lớp màng tiết dịch quanh khớp bị biến đổi bất thường. Lớp màng tiết dịch tạo ra các mẩu sụn nhiều kích thước, trôi tự do vào khớp, thay cho dịch bôi trơn khớp bình thường. Các mảnh sụn tương tự những viên sỏi, tích tụ nhiều gây kẹt khớp gây đau đớn và mài mòn dần phần xương khớp của bệnh nhân. Với bệnh nhân này, khớp háng có nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn nếu không được can thiệp.
Các mảnh u sụn tương tự viên sỏi nằm trong khớp háng của nữ giáo viên. Ảnh do bác sĩ cung cấp.
Nhóm bác sĩ điều trị nội soi khớp háng. Đây là kỹ thuật khó, do khớp háng khó tiếp cận, nằm sâu và được bao quanh bởi nhiều khối cơ vững chắc. Song đây là kỹ thuật tối ưu, lấy bỏ hoàn toàn các mảnh u sụn cho bệnh nhân mà không làm tổn thương các cấu trúc bình thường quanh khớp
"Khi đặt được ống quan sát vào khớp của bệnh nhân, chúng tôi bất ngờ khi thấy số lượng u sụn quá nhiều, kích thước xù xì phức tạp như những cây san hô di chuyển khắp trong khớp. Sau gần 2 tiếng, kíp phẫu thuật lấy ra hơn 50 'viên sỏi', đồng thời làm sạch tất cả bề mặt màng hoạt dịch viêm, ngăn ngừa việc bệnh có nguy cơ tái phát sau này", bác sĩ Hiếu nói.
Sau phẫu thuật, người bệnh đi lại tự nhiên, không còn đau đớn, một ngày sau ra viện.
Bệnh nhân tái khám ngày 22/4, cho biết: "Đôi chân tôi sau 3 năm như được hồi sinh. Bây giờ tôi đã có thể đi lại bình thường".