Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Mòn mỏi chờ kết quả xét nghiệm

MangYTe - Đi Đà Nẵng về, hết 14 ngày tự cách ly vẫn chưa được xét nghiệm. Thêm 2 tuần tự theo dõi sức khỏe tiếp sau đó cũng sắp qua vẫn chưa có kết quả. Đi học, đi làm không được, ở nhà cũng không yên khi chưa có giấy kết quả âm tính.

Kỹ thuật viên thực hiện các công đoạn xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trước đó, chúng tôi có ghé qua TP Đà Nẵng ngày 23-7, hai ngày trước khi có thông tin về ca nhiễm 416, ca nhiễm đầu tiên ở TP này.

Lo lắng chất chồng

Ngay khi trở về TP.HCM (26-7), chúng tôi đã chủ động khai báo y tế trên trang web của Bộ Y tế. Ba ngày sau (29-7), tôi gọi điện thoại đến số máy người phụ trách xét nghiệm ở phường và được yêu cầu lên y tế phường khai báo lại mới được xét nghiệm.

Khai báo xong, tôi được dặn mở điện thoại thường xuyên, khi nào xét nghiệm sẽ được báo sau. Ngày 6-8, tôi được lấy mẫu xét nghiệm, tính ra đã đến ngày thứ 14 kể từ khi tôi rời Đà Nẵng.

Xét nghiệm xong, 12 ngày qua tôi vẫn còn đang chờ kết quả. Bạn tôi được xét nghiệm ngày 28-7 đến ngày 15-8 mới được nhận kết quả âm tính (18 ngày). Đồng nghiệp tôi rời Đà Nẵng ngày 24-7 đến 11-8 mới được lấy mẫu xét nghiệm.

14 ngày tự cách ly tại nhà đã qua từ lâu, chúng tôi chưa thể đi làm việc khi chưa có kết quả xét nghiệm theo yêu cầu công ty. Do tính chất công việc, một số người không thể làm việc từ xa, đành chấp nhận hưởng 1/3 lương (vì công ty không đủ khả năng trả lương toàn phần).

Cơ quan em tôi yêu cầu còn nghiêm ngặt hơn. Bất cứ nhân viên nào có người nhà từng ghé qua Đà Nẵng đều phải ở nhà cho đến khi người nhà có kết quả âm tính. Con tôi đi học võ gần nhà, thầy yêu cầu em nào có ba mẹ anh chị em (cùng nhà) đi Đà Nẵng về thì tự ngưng học 2 tuần.

Nhiều người đi Đà Nẵng về đã phải ngưng việc buôn bán dài ngày trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Không ít người vẫn đang buộc phải nghỉ làm, nghỉ học chờ kết quả xét nghiệm.

Tự cách ly để giữ an toàn cho cộng đồng là chuyện cần thiết, là trách nhiệm của mỗi người. Nhưng việc trả kết quả quá chậm trễ (như ở TP.HCM) khiến chúng tôi lo lắng chất chồng. Lo bệnh một phần và còn lo sinh kế, công việc ngưng trệ, gián đoạn làm ăn, chậm trễ hợp đồng.

Không chỉ áp lực cho người trong cuộc mà còn áp lực cho người thân, những người sống và làm việc xung quanh, đến công việc chung của công ty, đơn vị.

Có cách nào nhanh hơn?

Tôi hiểu, để thực hiện xét nghiệm từ khâu lấy mẫu tại phường đến phòng xét nghiệm ở các bệnh viện cần người có chuyên môn. Đây là bệnh truyền nhiễm nên áp lực không nhỏ với những người làm công việc này. Qua những hình ảnh và thông tin trên báo, tôi cũng hiểu những người làm xét nghiệm đã làm việc quên thân mình trong những ngày qua để chạy đua với hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm.

TP.HCM có 12 đơn vị (không tính Viện Pasteur) được cho phép xét nghiệm khẳng định corona, có thể xét nghiệm 2.000 - 2.500 mẫu/ngày, riêng Viện Pasteur TP.HCM thực tế có năng lực xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu/ngày. Được biết thời gian làm xét nghiệm mất khoảng 5 giờ từ khi bắt đầu xử lý mẫu đến khi có kết quả và như thông tin trước nay khoảng 2-3 ngày sẽ có kết quả xét nghiệm PCR.

Tất bật, hối hả, kỹ lưỡng, những người trực tiếp làm xét nghiệm miệt mài đêm ngày ở phòng xét nghiệm, những chuyến xe tất bật về từng phường để không bỏ sót ai thuộc diện được xét nghiệm sàng lọc. Chúng tôi cảm ơn vì điều này. Nhưng vì sao khâu trả kết quả sau đó lại quá muộn vậy?

Có thể hiểu công đoạn in, ký tên các giấy kết quả xét nghiệm gửi về quận, về phường cũng mất nhiều thời gian công sức. Nhưng phải chờ đến hơn 14 ngày mới được nhận kết quả thì quá sức mệt mỏi, lo lắng.

Có thể tạm yên tâm là mình "âm tính" khi đến nay chỉ có 6 trong số hơn 50.000 mẫu xét nghiệm tại TP.HCM có kết quả dương tính. Số mẫu đang chờ kết quả (theo thông tin trên báo) cũng còn rất ít. Nếu bộ phận xét nghiệm đã có kết quả rồi, vì sao không thông báo sớm nhất (bằng nhiều cách) đến những người được xét nghiệm.

Không có cách nào thông báo nhanh hơn phát giấy sao? Như qua tin nhắn chẳng hạn (vì mọi người đều đã khai báo số điện thoại rồi). Việc trả kết quả quá chậm đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm hàng chục ngàn người và hoạt động của người thân và cả cơ quan, công ty họ.

Tự cách ly là giải pháp phòng dịch hiệu quả, nhưng cuộc sống ngoài kia công ăn việc làm không thể gián đoạn quá lâu vì phải chờ một tờ giấy xác nhận.

Với mục tiêu vừa sống chung với dịch bệnh vừa phải lo phát triển kinh tế, cần có nhiều cách thông tin nhanh hơn để xã hội yên tâm còn lo làm ăn. Những điều chúng tôi khai báo qua mạng không có phản hồi, khai trên mạng xong về phường phải khai bằng chữ viết trên giấy.

Công nghệ chưa được phát huy hết sức trong việc thu thập thông tin người đi về vùng có dịch. Đó là điều đáng tiếc, bởi thông tin nhanh hơn thì xã hội sẽ yên tâm hơn và có thể giảm thiệt hại các kiểu do dịch bệnh.

BÍCH HÀ

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/mon-moi-cho-ket-qua-xet-nghiem-2020081907295291.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY