Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Nhiều ca COVID-19 liên quan đến Đà Nẵng không hề có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ

MangYTe - Trong 174 trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong nước từ 25/7 đến nay, nhiều người không hề có biểu hiện triệu chứng bệnh như sốt, ho, khó thở, đau mỏi... Điều này càng cho thấy phải rất cảnh giác, không được phép bỏ sót trong rà soát, cách ly, xét nghiệm.

Đến ngày 3/8, Việt Nam đã ghi nhận 621 ca mắc COVID-19, trong đó có 324 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, 373 trường hợp đã được chữa khỏi, 6 trường hợp Tu vong,

Bộ Y tế cho biết sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25/7 đến nay đã có 206 trường hợp, trong đó có 174 trường hợp lây nhiễm trong nước tại tại 9 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (121), Quảng Nam (34), Đắk Lắk (03), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (3), Hà Nội (2), Thái Bình (01), Đồng Nai (01), Hà Nam (01). Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng.

Sớm phát hiện mắc COVID-19 nhờ có ý thức khai báo y tế, cách ly, hạn chế lây lan bệnh

Trong 174 ca lây nhiễm trong nước từ ngày 25/7 đến nay, có nhiều ca được phát hiện mắc COVID-19 dù không hề có biểu hiện triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau mỏi... Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, con số này lên đến 40%.

Đơn cử, tại Hội An (Quảng Nam), sau khi đi thăm cha ở Bệnh viện Đà Nẵng (bệnh nhân 428, phát hiện hôm 27/7), hai người con của bệnh nhân (là bệnh nhân 462, 463) được cách ly tập trung (hôm 28/7), lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện mắc bệnh dù không hề có biểu hiện triệu chứng (hôm 30/7). Một người quen khác của bệnh nhân 428 cũng vậy (là bệnh nhân 464). Đến khi xác định dương tính, họ vẫn không có biểu hiện triệu chứng bệnh.

Tương tự, tại TP HCM, hai người phụ nữ (bệnh nhân 567, 568) sau khi đi chăm người nhà ở Bệnh viện Đà Nẵng, trở về TP HCM, dù không có biểu hiện triệu chứng nhưng có ý thức khai báo tại Trạm Y tế và được yêu cầu cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện bệnh.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân Đà Nẵng. Ảnh: Lê Bảo - Minh Thuỳ

Nhiều ca bệnh COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng nhưng vẫn mang mầm bệnh và có thể lây lan. Do đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong tiếp nhận, quản lý và điều trị COVID-19 cho 700 điểm cầu cơ sở y tế toàn quốc sáng 1/8, nhấn mạnh với lực lượng y tế cơ sở phương châm: Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, "không được phép bỏ sót".

Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải khẩn trương, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, làm sao phải điều tra, kiểm soát các trường hợp đi về từ Đà Nẵng hoặc đến những nơi Bộ Y tế đã phát thông báo khẩn, triển khai hoạt động phòng chống dịch, yêu cầu khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

"Phải làm căng thì càng hiệu quả, càng tốt", Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh tại hội nghị này.

Xét nghiệm nhanh, âm tính rồi vẫn phải tuân thủ cách ly triệt để

Theo thống kê truy vết, trong tháng 7, có khoảng 1,4 triệu người đến - đi về từ Đà Nẵng. Trong số này có khoảng 800.000 người đã qua khu vực 3 bệnh viện - tâm dịch lần này, với khoảng 42.000 người từng đi khám ở đây.

Để nhanh chóng sàng lọc, phát hiện, khoanh vùng, nhiều địa phương như Hà Nội, Huế, Quảng Ninh... đã và đang triển khai test nhanh COVID-19 cho những người có yếu tố liên quan Đà Nẵng.

Theo các chuyên gia, việc làm xét nghiệm nhanh tìm kháng thể trong quần thể dân số nguy cơ có giá trị xác định tỷ lệ người từng nhiễm virus này, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp. Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh nếu âm tính vẫn "không vội mừng", phải tuân thủ cách ly đúng quy định.

"Nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn"- BSCK2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay.

Phân tích rõ hơn, BS Cấp cho hay, virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng.

Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là "thời gian ủ bệnh". Trong thời gian này do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus.

Và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.

Bởi vậy, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều cơ bản mấu chốt, BS Cấp nói. Chỉ ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng hô hấp nhằm phát hiện các ca bệnh để điều trị kịp thời.

"Việc xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị. Thậm chí điều này có hại nếu người sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩ rằng mình không bị bệnh và chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Khi đó họ có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó họ trở thành dương tính" - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lưu ý.

Do đó, theo khuyến cáo của BS Cấp, nếu đi qua vùng có dịch COVID-19 hay tiếp xúc gần với người nghi có bệnh, hãy thông báo cho y tế địa phương để vào danh sách giám sát và được hướng dẫn tự cách ly trong 14 ngày.

Trong vòng 14 ngày đó hãy thông báo lại cho cơ quan y tế bất cứ lúc nào có biểu hiện nghi mắc COVID-19 như: Sốt, ho, đau họng, tiêu chảy, vv … để xét nghiệm sớm. Còn những trường hợp khác sẽ xét nghiệm vào ngày thứ 13/14 để khẳng định âm tính để người đó được khẳng định an toàn khi tái hòa nhập cộng đồng.

Võ Thu

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/nhieu-ca-covid-19-lien-quan-den-da-nang-khong-he-co-bieu-hien-trieu-chung-nghi-ngo-20200803162536589.htm)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY