Bài văn tả thực bố lười bằng giọng điệu cực kỳ hồn nhiên, dễ thương của bé khiến cư dân mạng phải cười ngất.
Với nét chữ nguệch ngoạc, giọng điệu hồn nhiên, đáng yêu, bé tả bố lười, tả mẹ đẹp đến bác bán thịt lợn cũng phải ngước nhìn, khuyên ba bỏ uống bia,...
Bài văn tả bố lười
Bài văn tả thực bố lười bằng giọng điệu cực kỳ hồn nhiên, dễ thương của bé khiến cư dân mạng phải cười ngất. Bé viết:
"Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nằm ườn ra đấy. Đến bà to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy lần cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả da đình cùng dọn bố trả rọn rồi xuống chát... với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố từ nay em không làm ôxin nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm".
Bài văn của bé tuy ngắn, còn sai nhiều lỗi chính tả, diễn đạt nhưng thể hiện đúng sự
đáng yêu, ngô nghê. Bé tả bố vô cùng chân thực, thật thà khai hết tội lười của bố: gọi ăn cơm không xuống, đi làm về chỉ nằm ườn, ăn cơm xong không dọn dẹp,... Bé cũng thành thật rằng chỉ yêu bố vừa thôi, chứ không yêu lắm.
"Ông bố lười" của bé chính là người chụp hình và đăng tải bài văn của con lên mạng. Anh chia sẻ rằng, trước bài văn "tả thực" này, bé đã viết một bài văn rất hay về bố. Nhưng sau khi đọc, anh đã nói con không được nói dối, phải thấy gì nói nấy, đúng sự thật. Nhờ vậy mới có bài văn siêu dễ thương tả "bố lười" như thế.
Bài văn tả bố như phim chưởng
Trái với sự tả thực của "nhà văn nhí" bên trên, sức tưởng tượng của hai nhà văn dưới đây vô cùng phong phú, với màn tả bố ly kỳ, hấp dẫn như phim hành động.
Bài văn thứ nhất ca ngợi bố là người hào hiệp, sau đó dẫn chứng bằng việc bố giải cứu mẹ từ một vụ Gi*t người cướp của:
"Bỏ mặc sự hiểm nguy, chính bố tôi đã lần theo băng cướp và dùng võ kung fu đánh tan băng cướp có vũ trang và giải cứu con tin an toàn, trong đó có mẹ tôi". Đoạn văn được cô giáo đánh dấu lại và bình luận bên lề:
"Ly kỳ như truyện!".
Bài văn thứ hai thì nhận được nhận xét
"Sợ quá nhỉ!" từ giáo viên khi kể bố đuổi bắt, đấu súng với bọn bắt cóc để giải cứu "tác giả" không khác gì phim Hollywood.
Hai bài văn khiến người đọc cười chảy nước mắt với sự sáng tạo vô biên cũng như độ nghiện phim của các "nhà văn" này.
Bài văn tả mẹ đẹp đến bác thịt lợn cũng phải ngước nhìn
Bài văn được đăng tải trên diễn đàn "Chúng tôi yêu giáo dục" và nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Bài văn được nhiều người yêu thích bởi tình cảm chân thành mà tác giả "nhí" dành cho mẹ, cũng như cách thể hiện rất thật thà,
đáng yêu qua những lời văn ngô nghê.
Thay vì câu nói cửa miệng của nhiều người: "không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn", bé tả mẹ "không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn" khiến người đọc cười ngất. Trong mắt bé, mẹ là một người khéo tay và tháo vát. Bé thể hiện sự ngưỡng mộ đó đối với mẹ bằng cách so sánh mẹ như "cơn lốc", về đến nhà là nhanh chóng dọn dẹp, làm xong mọi việc nhà.
Bài văn khiến người đọc bất giác mỉm cười bởi sự ngô nghê, hồn nhiên của bé, nhưng cũng vô cùng cảm động trước tình cảm mà bé dành cho mẹ, dù mẹ không phải là một người hoàn hảo.
Thư khuyên ba, má của bé
Lá thư của một "bà cụ non" viết còn sai chính tả, dập xóa chi chít, chữ viết leo dòng, không thẳng hàng khuyên răn ba má khiến cho người xem cười chảy nước mắt.
Thư khuyên ba má của "bà cụ non" với chữ viết leo dòng, nguệch ngoạc.
"Bà cụ non" nói ba phải thôi uống bia, bỏ Thu*c lá, còn má phải bớt la lớn đi. Bé đưa ra hình phạt cho ba nếu còn uống bia, hút Thu*c là "con sẽ dận (giận) đấy", còn nếu má tiếp tục la lớn, bé sẽ bị điếc tai. "Bà cụ non" chêm thêm từ "nhớ chưa", "nghe thấy chưa", có vẻ như đang bắt chước lời nói của người lớn khi dạy bảo bé, giọng điệu rất nghiêm túc, đầy vẻ hờn giận.
Chắc là "bà cụ non" sẽ hờn giận hơn nữa khi biết lá thư khuyên nhủ nghiêm túc của mình lại khiến người lớn cười lăn cười bò vì giọng điệu rất ngây thơ, dễ thương của bé.
Thư mong bố mẹ làm lành
Lá thư "cưng hết biết" này được chia sẻ trên mạng xã hội mấy ngày qua. Bé viết một bức thư chữ nghĩa ngay hàng thẳng lối trên giấy ô li, bày tỏ nỗi buồn khi bố mẹ giận nhau và mong hai người làm hòa lại.
"Bố ơi, mấy ngày qua bố và mẹ giận nhau con buồn lắm. Bố đã không chở con đi học và không chở con về. Con thấy mẹ cô đơn, tủi thân khóc, con rất thương mẹ".
Giọng điệu tha thiết, có vẻ tủi thân của bé khiến người xem thấy bùi ngùi, vừa thương bé, vừa thích thú trước sự
đáng yêu, tình cảm rất nữ tính của bé. Bé mong muốn trước ngày sinh nhật của bé, bố mẹ sẽ làm hòa và gia đình lại hạnh phúc như xưa.
Tuy nhiên, cũng nhiều người hài hước vạch trần
"Chắc là mẹ đọc cho viết đây" và đưa ra lý do: giọng văn trôi chảy, lại còn có chỗ thêm thắt từ ngữ cho thêm xuôi, và "trẻ con làm sao quan sát kỹ như vậy được". Có bạn còn hóm hỉnh:
"Ngày xưa má mình cũng chỉ mình viết thư cho ba y như vậy đó".