Bác sĩ Bùi Văn Phúc, Khoa Chi trên, ngày 17/3 cho biết bệnh nhân bị tổn thương khá phức tạp, mất đoạn động mạch, các bác sĩ phải lấy tĩnh mạch ở chân lên ghép. Sau khi nối thông mạch máu, các phần còn lại như dây thần kinh, gân, cơ cũng được nối thành công.
"Điều may mắn là bệnh nhân được sơ cứu ban đầu rất tốt, gồm băng ép, cầm máu, phần bàn tay bị đứt được bọc kín trong túi nilon, cho vào chậu nước đá và chuyển đến bệnh viện sớm trong khoảng một giờ", bác sĩ Phúc đánh giá.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể cử động được các ngón tay. Tùy vào khả năng đáp ứng của bệnh nhân cũng như trải qua thời gian tập vật lý trị liệu, khả năng phục hồi sức cơ có thể đạt khoảng 60-90%. Thời gian phục hồi khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Tay bệnh nhân hồi phục tốt sau nối. Ảnh: Trần Chính.
Tối 16/3, bệnh viện cũng tiếp nhận thanh niên 26 tuổi, quê Bình Phước, bị người khác dùng rựa chém đứt gần lìa bàn tay trái, nhập viện sau bị thương khoảng 6 giờ. Bác sĩ xác định vẫn còn khả năng cứu bàn tay nên tiến hành mổ cấp cứu ngay sau khi tiếp nhận khoảng 20 phút. Hiện, bàn tay bệnh nhân hồi phục tốt.
Bác sĩ hướng dẫn, khi gặp T*i n*n đứt rời chi, cần tiến hành cầm máu vết thương. Đối với các chi nhỏ như ngón tay, chân, bàn tay, cổ tay, có thể băng ép trọng điểm để cầm máu. Các chi lớn như bàn chân, cổ chân, cánh tay, cẳng chân..., cần buộc garo cầm máu.
Phần chi đứt rời cần rửa sạch nhẹ nhàng, quấn vào băng sạch, đặt vào bịch nilon rồi mới bỏ vào thùng đá lạnh. Nếu đặt trực tiếp vào đá có thể gây bỏng lạnh, khiến những cơ quan quý là mạch máu, thần kinh, cơ, có thể bị tổn thương, hủy hoại, sau nối có thể gây tắc, ảnh hưởng chức năng.