Ảnh minh họa: Getty Images
Người vợ (không được nhắc tên) gặp chồng mình khi cả hai còn đang là sinh viên đại học. Hai người học cùng chuyên ngành ngoại ngữ, từng cùng đi làm gia sư để trang trải cho cuộc sống thời sinh viên. Ra trường, vợ làm cho một trung tâm Anh ngữ, chồng đi làm công ty nước ngoài. Thu nhập hai vợ chồng không quá chênh nhau nhưng người chồng vẫn luôn cao hơn nên anh là nguồn chính nuôi sống gia đình. Trong nhiều năm đều như vậy.
Bước ngoặt xuất hiện khi người vợ nghỉ làm ở nhà sinh đứa con thứ hai, tiếp tục trau dồi kiến thức và đăng ký một số khóa học mà bản thân cảm thấy cần thiết cho kế hoạch công việc đang ấp ủ. Hết thời gian ở nhà, chị được một người bạn mời vào làm cho công ty giáo dục của bạn. Từ đó, với những nỗ lực không ngừng, chị cũng đẩy được mức lương không ngừng tăng và dần dần, nhờ các kinh nghiệm thu nhặt được trong công việc, người vợ được giao nắm giữ một vị trí quản lý với mức đãi ngộ cao.
Người chồng buộc tội vợ kể từ khi kiếm được nhiều tiền hơn không còn quan tâm đến vị trí của chồng trong gia đình, có những biểu hiện "coi thường" chồng như tự ý mua sắm/ thay đồ đạc trong nhà mà không hỏi ý kiến chồng, đòi đưa gia đình đi ăn hàng nhiều hơn bất kể chồng có đồng ý chi tiền hay không, bởi chồng chi hay không với cô ấy cũng không còn quan trọng nữa.
"Tôi yêu cầu cô ấy ở nhà làm đúng thiên chức người mẹ, người vợ là nấu bữa cơm cho chồng con, nhưng cô ấy bảo tôi đừng gia trưởng như vậy, ăn ở đâu cũng là ăn, cô ấy quá mệt vì công việc đến mức không còn sức nấu ăn rồi, nếu tôi không vui thì bữa này để cô ấy trả tiền". Người chồng nổi trận lôi đình cho rằng vợ coi thường mình không làm ra tiền và đang muốn phô trương thu nhập, công khai thách thức, "đánh phủ đầu" chồng.
"Cô ấy đã âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch này kể từ khi ở nhà sinh con và đòi dành thời gian cho việc học. Cô ấy là một kẻ lừa dối có hệ thống. Đàn bà hơn chồng thì có gì tốt đẹp, không có gì tốt đẹp cả, cô ấy đang muốn đá tôi ra khỏi ngôi nhà này".
Trước lời buộc tội của chồng, người vợ cho rằng anh thật vô lý. Cô nói mình xứng đáng nhận được thành quả đang có sau một thời gian dài học tập, nghiên cứu và làm việc không công để tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh thực chiến. Bản thân cô những ngày đầu tiên nhận được lương khủng cũng đã kể với chồng rằng khoản tiền đó thật "đáng nể" nhưng anh không hề bận tâm, càng không có lời chúc mừng nào cho thành công của vợ.
Câu chuyện của hai vợ chồng gây ra hai luồng ý kiến trái ngược, người bảo vệ chồng, người theo phe vợ. Có ý kiến cho rằng phụ nữ không nên hơn chồng bởi đàn ông tính tình hiếu thắng và quen với việc họ được xã hội nhìn nhận là trụ cột, nếu không được tiếp tục vai trò này, họ rất dễ mất tự tin và trở nên khó chịu, nhiều hiềm nghi.
Luồng ý kiến trái ngược lại bảo vệ quyền tự do phát triển của phụ nữ. Những người này cho rằng, trong gia đình, ai có thu nhập cao cũng là điều đáng mừng, bất kể vợ hay chồng. Hãy nghĩ xa hơn đến những ước mơ đang tiến gần hơn tới hiện thực, đến điều kiện tốt hơn có thể mang lại cho con cái, thay vì quanh quẩn cối xay nghĩ ai đang nhặt thóc được nhiều hơn. Những người này phê bình anh chồng mang tư tưởng chưa tiến bộ và làm khổ vợ vì sự gia trưởng của anh ta.
Còn bạn thì sao? Theo bạn, trong gia đình, vợ thành đạt hơn và có thu nhập cao hơn chồng có phải là chuyện tốt?
Theo Huyền Anh/Dân Trí