Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Phòng chống Covid-19: Không thể mạo hiểm với sức khỏe gần 2 triệu học sinh

(MangYTe) - Điều mà phụ huynh của gần 2 triệu học sinh ở TP HCM lo lắng đã được giải tỏa khi cuối giờ chiều 14-2, TP HCM tiếp tục cho học sinh các cấp trên địa bàn nghỉ học đến hết ngày 29-2, để phòng dịch viêm đường hô cấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra.

Ngoài ra, UBND TP HCM tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP được nghỉ học đến hết tháng 3-2020. Ngành giáo dục TP HCM sẽ điều chỉnh chương trình, theo đó học kỳ 2 sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7-2020.

Quyết định này đúng về mặt khoa học dịch tễ lẫn tâm lý, bởi không thể mạo hiểm với sức khỏe, tính mạng của gần 2 triệu học sinh ở TP HCM; nên được đông đảo phụ huynh đồng tình, hoan nghênh.

Dịch Covid-19 hiện vẫn chưa phải là ở giai đoạn đỉnh điểm, cả ở Vũ Hán (Trung Quốc) lẫn ở Việt Nam và các quốc gia khác vẫn ở giai đoạn bùng phát.

Sinh viên ĐH Kiên Giang đi học trở lại và nhận quà là khẩu trang và nước rửa tay phòng chống Covid-10. Ảnh: ĐH Kiên Giang

Tại nước ta, công tác chống dịch Covid-19 đang có những chuyển biến khả quan nhưng những ca nhiễm mới vẫn tiếp tục xuất hiện và những diễn biến khác rất khó lường.

Trong khi đó ngành y tế và giáo dục đã chuẩn bị tốt cho công tác phòng dịch Covid-19 trong nhà trường chưa?

Chỉ nói riêng vấn đề học sinh có nên mang khẩu trang trong trường học hay không, quan điểm của Bộ Y tế cũng gây tranh cãi. Trong công văn hôm 13-2, gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế khẳng định: "Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết".

Tư vấn này của Bộ Y tế càng làm nhiều người băn khoăn, vì trong nhiều chỉ thị, thông báo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đều yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở chỗ đông người. Vậy tại trường học, lớp học không phải là nơi đông người?

Nếu nghe theo tư vấn của Bộ Y tế, lỡ có trường hợp lây nhiễm Covid-19 do chủ quan không mang khẩu trang thì sao? Còn nếu các trường học cẩn thận, buộc tất cả thầy cô giáo và học sinh đeo khẩu trang, liệu thầy trò có chịu nổi việc mang khẩu trang đúng cách liên tục trong 4 giờ và làm sao dạy và học?

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 14-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: "Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại… An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh... Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học".

Cho đến hết ngày 14-2, nước ta có 33 trường đại học tiếp tục cho sinh viên nghỉ học. Sáng 14-2, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội (gồm 11 trường thành viên) thông báo cho sinh viên nghỉ đến hết tháng 2, ĐH Luật Hà Nội cũng thông báo cho sinh viên, học viên tiếp tục nghỉ đến hết ngày 23-2.

Với học sinh mầm non, phổ thông, tính đến 17h ngày 14-2, đã có 23 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17-2. Vĩnh Phúc tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Hà Nội tiếp tục cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần, đến 23-2… Trong khi đó, ngày 14-2, Bộ GD-ĐT lại có công văn số 431/BGD-ĐT/GDTC đề nghị các địa phương xem xét tiếp tục cho sinh viên, học sinh nghỉ học đến hết tháng 2-2020!

Trong khi đó ở nước ngoài, Trung Quốc hiện vẫn tạm thời đóng cửa trường; Đài Loan cũng làm tương tự đến giữa tháng 3; Hồng Kông đóng cửa trường học 2 tuần.

Một thông tin khác: Nhật Bản (có 254 ca nhiễm Covid-19), Singapore (67 ca), Hàn Quốc (27 ca), Thái Lan (32 ca), Malaysia (18), Úc (13 ca) nhưng hầu hết trường học ở các quốc gia này vẫn hoạt động. Điều quan trọng là họ đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả để hạn chế dịch lây lan. Kinh nghiệm của các quốc gia này trong ứng xử với dịch Covid-19 rất đáng được quan tâm.

Như vậy vấn đề quan trọng nhất trong việc quyết định cho học sinh, sinh viên trở lại trường học là hai tuần qua ngành giáo dục, ngành y tế, các cơ sở giáo dục đã làm tốt công tác tổ chức phòng dịch chưa; có làm cho phụ huynh an tâm, cả về mặt tâm lý lẫn khoa học?

Học sinh Singapore tự kiểm tra thân nhiệt hàng ngày để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Straitstimes

Theo chúng tôi, cho đến khi nào công tác phòng dịch trong trường học được tổ chức thật tốt thì mới cho học sinh trở lại trường học, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo "là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại". Còn như tình trạng hiện nay, nên để học sinh tiếp tục nghỉ học 1-2 tuần nữa, là hợp lý, an toàn và khoa học, để các cơ sở giáo dục đủ thời gian tổ chức công tác phòng dịch một cách tốt nhất có thể.

Ngành giáo dục có 3 tháng hè, nghỉ 1 tháng phòng dịch Covid-19 cũng không ảnh hưởng lớn đến công tác dạy và học, nhưng việc nghỉ học đảm bảo an toàn cho con em chúng ta, thì nên làm và phải làm!

Lưu Nhi Dũ

Mạng Y Tế
Nguồn: Người lao động (https://nld.com.vn/ban-doc/phong-chong-covid-19-suc-khoe-moi-quan-trong-nghi-hoc-hay-di-hoc-lan-tan-lam-gi-20200214205836926.htm)

Tin cùng nội dung

  • Năm 2014, một năm thật nhiều khó khăn và thách thức đối với đất nước cũng như ngành y tế.
  • Thói quen uống rượu bia, hút Thu*c lá, thừa cân ở nam giới...không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng cả vấn đề sinh sản
  • Không khí bị ô nhiễm là không khí bị giảm chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau như các loại khí, những giọt chất lỏng hay những phần tử nhỏ lơ lửng trong không khí.
  • Máy tính xách tay giúp cho chúng ta có thể làm việc linh hoạt và năng động hơn nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh có liên quan đến lưng, cổ và vai.
  • Các động tác xoa bóp đúng cách và phù hợp với tình trạng từng thai phụ sẽ giúp họ nhanh chóng giảm những cơn đau và sự mệt mỏi.
  • Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy căng thẳng. Cách đối mặt với căng thẳng sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với chúng ta như thế nào. Khi có thể, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và khi không có thể, hãy cố gắng kiềm chế nó.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Tâm linh giúp bạn luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm hy vọng, sự an ủi và bình yên nội tâm trong cuộc sống. Nhiều người tin vào tâm linh qua tôn giáo. Một số tin vào nó thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết nối với thiên nhiên. Những người khác tin vào tâm linh của bản thân qua các giá trị và nguyên tắc của họ.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
  • Phụ nữ khi đang mang thai có rất nhiều việc cần phải lo nghĩ, tuy nhiên cũng nên cần phải lưu tâm đến sức khỏe răng miệng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY