Glocom là căn bệnh liên quan đến thần kinh thị giác. Thần kinh thị giác chịu trách nhiệm chuyển tín hiệu thị giác từ mắt lên não, giúp hoàn tất quá trình nhìn. Thường bệnh rất khó nhận biết cho đến khi người bệnh được tình cờ thăm khám mắt. Bệnh gây tổn hại thần kinh thị giác, do đó có thể dẫn đến mù lòa.
Nghiên cứu trên hơn 6.700 người ở Mỹ tuổi hơn 40. Bệnh nhân tham gia là những người bị glocom có tổn hại thần kinh thị giác và thị trường, thị lực giảm ít nhiều. Tất cả đều được chụp ảnh đáy mắt để nhận định thị thần kinh, đo thị trường để xác định vùng mất thị trường. Người tham gia nghiên cứu trả lời các câu hỏi xoay quanh vấn đề giấc ngủ sau: thời gian ngủ, những khó khăn để có thể ngủ thiếp đi, những cản trở đối với giấc ngủ (gây thức giấc), có rối loạn giấc ngủ... Các nhà nghiên cứu đã phát hiện: Những người ngủ quá 10 giờ/đêm có nguy cơ bị glocom có tổn thương thị thần kinh gấp 3 lần người chỉ ngủ 7 giờ đêm; những người chỉ cần 9 phút hay ít hơn hay những người phải mất hơn 30 phút để đi vào giấc ngủ có nguy cơ bị glocom gấp đôi so với người chỉ cần từ 10 - 29 phút để ngủ thiếp đi; chỉ số ODDS của giảm thị lực cao gấp 3 lần ở những người chỉ ngủ 3 giờ hay ít hơn hay ngủ hơn 10 giờ/đêm so với người ngủ khoảng 7 giờ hàng đêm...
“Đây là một nghiên cứu thú vị bổ sung vào các nghiên cứu hướng tới mối liên quan giữa bệnh glocom và các rối loạn giấc ngủ”, Michael Boland, MD, PhD - một trong các đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.