Pháp luật hôm nay

Tiếp tục xét xử vụ chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6, TP.HCM: Hậu quả nghiêm trọng từ sự tắc trách

Tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng gây thất thoát hơn 966 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6, TP. HCM (Agribank Chi nhánh 6)
Tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng gây thất thoát hơn 966 tỉ đồng xảy ra tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6, TP. HCM (Agribank Chi nhánh 6), Tòa án nhân dân TP.HCM đã thực hiện phần xét hỏi 11 bị cáo và các bên liên quan xung quanh việc Agribank Chi nhánh 6 cho Dương Thanh Cường cùng đồng bọn vay 628 tỉ đồng và quy định liên quan đến việc mượn lại tài sản thế chấp.

Hạn mức 80 tỉ nhưng cho vay hàng trăm tỉ đồng

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục với phần xét hỏi đối với hành vi phạm tội L*a đ*o chiếm đoạt tài sản của Dương Thanh Cường, Lê Sơn Hùng và Phạm Hoàng Thọ (cùng là nguyên Giám đốc công ty Thanh Phát); vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6) và đồng phạm tại hợp đồng cho vay 700 tỉ đồng (đã giải ngân 628 tỉ đồng). Tại tòa, bị cáo Dương Thanh Cường khai, năm 2007, Cường có ý định đầu tư Dự án cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát tại ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Để có tiền mua đất thực hiện dự án, Cường đến Agribank chi nhánh 6 gặp Hồ Đăng Trung trình bày ý muốn đầu tư thực hiện dự án và đề nghị Trung cho vay 700 tỷ đồng. Lúc này, Trung đồng ý và chỉ đạo Hồ Văn Long, Trưởng phòng Tín dụng gặp Cường để hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn. Cường chỉ đạo Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Thanh Phát (do Cường thuê làm giám đốc) ký hợp đồng tín dụng vay tiền và các hợp đồng thế chấp, ký giấy nhận nợ với ngân hàng.

Biết dự án của mình không thực hiện được, vì Ban quản lý khu Nam thành phố có Công văn trả lời “không thể chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng Dự án của Công ty Thanh Phát”, nên Cường chỉ đạo Lê Sơn Hùng ký mượn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Agribank chi nhánh 6 để mang sang ngân hàng Phương Nam vay tiền. Sau khi Agribank Chi nhánh 6 giải ngân số tiền 628 tỷ đồng, Cường khai đã sử dụng vào các việc: dùng để thanh toán cho các khoản vay ngân hàng, rút tiền về nhập quỹ công ty để sử dụng vào việc mua bán đất, tiêu xài cá nhân...

HĐXX hỏi bị cáo Hồ Đăng Trung, về chức năng cho vay của cấp chi nhánh Agribank chi nhánh 6 là bao nhiêu? Bị cáo Trung cho rằng, hạn mức cho vay của Agribank Chi nhánh 6 là 80 tỉ đồng. HĐXX liền hỏi: “Vậy tại sao bị cáo lại cho Dương Thanh Cường vay hàng trăm tỉ đồng?”, lúc này bị cáo Trung im lặng! Tại phiên xét xử, bị cáo Hồ Đăng Trung cũng nhận đã làm trái các quy định của ngân hàng Nhà nước và Agribank Việt Nam khi giải quyết cho Công ty Thanh Phát vay 628 tỉ đồng khi hồ sơ chưa đủ điều kiện vay vốn (chưa có dự án đầu tư), doanh nghiệp vay vốn không có khả năng tài chính để bảo đảm trả nợ - trái với quy định. Ngoài ra, bị cáo Trung không chỉ đạo tiến hành thẩm định hồ sơ vay vốn, không thẩm định, đánh giá để xác định giá trị tài sản bảo đảm, không công chứng, đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm.

Dễ rút ruột vốn nhờ nâng quyền phán quyết?

Liên quan đến sai phạm trong việc nâng quyền phán quyết cho vay của lãnh đạo, cán bộ Agribank Chi nhánh 6, đại diện ngân hàng này giải thích quy trình xin nâng quyền phán quyết đối với chi nhánh khác với quy trình xin cho vay vượt quyền phán quyết. Nếu xin nâng quyền phán quyết đối với chi nhánh, đơn vị này phải làm tờ trình xin nâng. Cấp trên sẽ căn cứ vào những yếu tố: trình độ giám đốc, xếp loại chi nhánh tại thời điểm xin nâng, xếp loại khách hàng để ra quyết định. Chi nhánh không cần gửi hồ sơ khách hàng cho trụ sở chính. Trong trường hợp xin cho vay vượt quyền phán quyết, chi nhánh của ngân hàng phải chuyển toàn bộ hồ sơ về trụ sở chính. ngân hàng sẽ lập hội đồng thẩm định và ra quyết định. Chi nhánh có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện theo quyết định. Theo những quy định trên, trường hợp xin nâng quyền phán quyết cho vay của giám đốc ở Agribank Chi nhánh 6 sẽ do hội đồng quản trị của ngân hàng xem xét và quyết định. Ủy viên thường trực hội đồng quản trị phụ trách công tác tín dụng có thẩm quyền ký quyết định trên cơ sở tờ trình của giám đốc chi nhánh. Qua nội dung này, chủ tọa phiên tòa đặt ra vấn đề: việc nâng quyền phán quyết là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho các bị cáo dễ dàng rút “ruột” vốn của ngân hàng?

Liên quan đến vấn đề mượn lại tài sản thế chấp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phân tích thêm, trong thời gian thế chấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ngân hàng Phương Nam giải ngân 130 tỉ đồng, các bị cáo vẫn được nhận khoản vay của Agribank Chi nhánh 6. Như vậy, bằng cách thức luồn lách tinh vi là lấy lý do chuyển tên chủ sở hữu hòng mượn lại tài sản thế chấp, các bị cáo cùng lúc vay tiền ở hai tổ chức tín dụng. Trả lời vấn đề liên quan đến hành vi cho khách hàng mượn lại tài sản thế chấp, bị cáo Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng Tín dụng của Agribank Chi nhánh 6) ấp úng, quanh co. Tương tự, những bị cáo khác cũng không đưa ra được văn bản cụ thể về quy định cho mượn lại tài sản thế chấp của ngân hàng. 

Ngọc Đỗ - Anh Duy

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tiep-tuc-xet-xu-vu-chiem-doat-gan-1-000-ty-dong-tai-ngan-hang-agribank-chi-nhanh-6-tp-hcm-hau-qua-nghiem-trong-tu-su-tac-trach-20061.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY