Mắt hôm nay

Trẻ mắc cận thị do đâu?

(Mangyte) - Cận thị rất thường gặp ở người trẻ, nhất là học sinh trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển nhanh và có nhiều việc dùng tới mắt.
Nguyên nhân gây bệnh cận thị là gì?

2 nguyên nhân chính gây bệnh cận thị là do bẩm sinh và mắc phải.

Bệnh bẩm sinh do yếu tố di truyền, cha mẹ cận thị thì con cũng bị cận thị. Loại này có độ cận cao 20 đi ốp, độ cận tăng nhanh cả khi đã ở tuổi trưởng thành, có nhiều biến chứng, khả năng phục hồi thị lực của bệnh nhân kém. Cận thị bẩm sinh thường phát hiện khi trẻ 1-2 tuổi, độ cận cao và tăng độ nhanh bất bình thường.

Bệnh cận thị mắc phải thường gặp ở lứa tuổi học sinh, do các em học tập, nhìn gần nhiều trong điều kiện thiếu ánh sáng, mắt không được nghỉ ngơi hợp lý. Mức độ cận nhẹ hay trung bình dưới 6 đi ốp. Bệnh tiến triển chậm, độ cận thường ổn định đến tuổi trưởng thành, ít bị biến chứng. Cận thị mắc phải thường xuất hiện ở khoảng 5-6 tuổi.

Biểu hiện của trẻ bị cận như thế nào?

Muốn phát hiện bệnh cần đo thị lực, song trước đó phải dựa vào các biểu hiện sau đây:

- Lúc xem tivi trẻ phải lại gần mới xem được;

- Đọc bài hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ;

- Ở lớp, trẻ phải lại gần bảng mới nhìn được, khi viết nhiều chữ viết sai, thiếu, hoặc phải chép bài của bạn;

- Hay nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa;

- Hay dụi mắt mặc dù không buồn ngủ; thường kêu mỏi mắt, nhức đầu, hay chảy nước mắt;

- Sợ ánh sáng hoặc bị chói mắt; không thích các hoạt động phải nhìn xa…

Đeo kính là cách thông dụng, rẻ tiền, dễ áp dụng khi bị cận thị

Chữa trị cận thị ra sao?

Có nhiều phương pháp điều trị cận thị, phổ biến nhất là đeo kính; lắp kính sát tròng; mổ laser.

Đeo kính là cách thông dụng, rẻ tiền, dễ áp dụng. Nếu bệnh nhân cận thị được chỉnh kính đúng thì tiến triển cận thị sẽ chậm lại, không bị tăng độ.

Sử dụng kính sát tròng thì bệnh nhân phải giữ gìn vệ sinh tốt, đeo kính vào sáng sớm và tháo ra buổi tối trước khi ngủ. Không được đeo kính sát tròng xuống nước như đi bơi, tắm biển.

Đối với bệnh nhân trên 18 tuổi có thể điều trị bằng phương pháp mổ laser. Phẫu thuật này khá phổ biến, chính xác và có hiệu quả cao nhất trong phẫu thuật khúc xạ hiện nay. Ưu điểm là không đau, thời gian phẫu thuật ngắn dưới 10 phút, độ chính xác cao.

Phương pháp đặt thủy tinh thể nhân tạo trong mắt được sử dụng khi bị cận nặng, có kèm bệnh đục thủy tinh thể.

Phòng tránh bệnh và hạn chế độ cận bằng cách nào?

Bảo đảm đủ ánh sáng trong phòng học. Nên bố trí đèn chiếu sáng trong phòng và một ngọn đèn bàn đặt phía bên trái trên bàn học ở nhà. Sách và tài liệu có chữ in rõ ràng trên giấy không quá bóng để tránh bị loá mắt.

Trong lớp, nên xếp trẻ cận thị ngồi gần bảng. Nên cho mắt nghỉ ngơi từ 5 - 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn bằng cách nhìn ra xa sau mỗi giờ học.

Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi lâu trước máy vi tính. Giữ khoảng cách từ mắt đến sách khoảng 30 – 40 cm.

Bạn có biết

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng trên 800 triệu người bị cận thị, nhất là lứa tuổi học sinh (từ 7 - 16 tuổi). Độ cận thị tiến triển càng nhanh do mức độ làm việc nhìn gần bằng mắt càng nhiều.

Một thống kê cho thấy: số người mắc tật khúc xạ tại BV Mắt TPHCM chiếm hơn 30% trong tổng số bệnh nhân đến khám; tỷ lệ bệnh và mức độ cận cũng tăng lên theo cấp học của học sinh, tỷ lệ cận thị ở học sinh đầu cấp là 18%.

AloBacsi.vn
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/tre-mac-can-thi-do-dau-n647.html)

Tin cùng nội dung

  • Xạ trị vào bụng, ngực, não, hoặc xương chậu có thể gây ra buồn nôn kéo dài trong vài giờ. Buồn nôn và nôn có thể đi từ nhiều nguyên nhân khác nữa.
  • Chứng mệt mỏi trong ung thư là luôn có cảm giác mệt suốt ngày và không dễ cải thiện sau khi nghỉ ngơi. Cần tham khảo tư vấn chuyên gia để có phương pháp chăm sóc tốt nhất
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
  • Bệnh di truyền là những bệnh xảy ra do những bất thường về gen hoặc về nhiễm sắc thể. Bệnh được di truyền là bệnh do bất thường về gen ở bố mẹ truyền sang cho con họ. Những bệnh này có thể là bệnh di truyền trội, di truyền lặn, hoặc bệnh di truyền liên kết NST giới tính X. Bệnh về NST là những bệnh gây ra do mất NST, bất thường NST, hoặc thừa NST.
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY