(ảnh minh họa: Tạp chí Cộng sản) |
Cựu Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, Ramsey CLARK (2) đã trình bày với lãnh đạo Việt Nam ngày 24/01/2013 một dự báo nhân dịp ông được mời sang Vệt Nam tham dự lễ kỷ niêm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Ông dự báo ba vấn đề lớn của thế kỷ XXI:
Thứ nhất, vùng Tây Thái Bình Dương sẽ là một điểm nóng của thế giới và Biển Đông sẽ là một “chảo lửa”. Thứ hai, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thứ ba, sự phân cực giàu nghèo tột cùng và những hậu quả gây bất ổn định của nó trên phạm vi toàn cầu.
Trả lời câu hỏi của tôi Thế còn sắc tộc và tôn giáo thì thế nào? ông Clark cho rằng đó là những vấn đề rất nóng nhưng chúng đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử nhân loại. Sở dĩ chúng nóng lên hiện nay là vì có những thế lực chủ trương khai thác chúng. Tuy nhiên trước nhất đó là hệ quả của sự phân cực giàu nghèo tột cùng trong lòng các quốc gia và giữa các quốc gia. Điều dự báo thứ nhất liên quan trực tiếp đến Việt Nam và ngày càng rõ.
Vì lý do gì vùng Tây Thái Bình Dương sẽ là một điểm nóng của thế giới và Biển Đông sẽ là một “chảo lửa”?
Hơn 80% Biển Đông nằm gọn trong “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh yêu sách. Bản đồ mà Trung Quốc cho phát hành ngày 25.6.2014 thể hiện không thể rõ hơn mưu đồ thôn tính này.
Trên cơ sở nào Trung Quốc đưa ra “đường lưỡi bò” này? - các chuyên gia, các nhà báo đã chất vấn người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Câu trả lời của họ hết sức lúng túng và không thuyết phục.
Báo cáo của Đại học Quốc gia Hà Nội “Căn cứ khoa học về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, hội thảo “Hoàng Sa, Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại Đà Nẵng và hội thảo “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” tại Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ cung cấp những chứng cứ rõ ràng về chủ quyền của nước ta và qua đó cho thấy tính vô căn cứ và hoang tưởng của “đường lưỡi bò” này.
Ngày 11/8/2014, trung quốc đã phát hành một cuốn sách về chủ quyền đường lưỡi bò 9 đoạn trên biển đông mang tên “về lịch sử, địa vị và tác dụng của đường 9 đoạn ở biển đông” do cao chi quốc và cổ binh binh biên soạn (3). theo các tác giả, “năm 2014 là năm kỷ niệm 100 năm ra đời đường lưỡi bò 9 đoạn”; “đường 9 đoạn là minh chứng chủ quyền của trung quốc đối với các đảo ở biển nam trung hoa, bao gồm quyền lợi, lợi ích hoạt động trên biển như ngư nghiệp, hàng hải và thăm dò khai thác tài nguyên như khoáng sản tại khu vực biển ở các đảo”.
Rõ ràng cuộc chiến đấu cho sự thật lịch sử ở Biển Đông sẽ còn lâu dài vì Trung Quốc sẽ làm tổng lực, kể cả gian dối, để “minh chứng” điều ngược lại.
Yêu sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò là phi lý và không có giá trị |
Điểm thứ hai của dự báo, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cũng rất trực tiếp với Việt Nam, một đất nước với 3260 km bờ biển, với trên dưới 4000 đảo và quần đảo, với hai vựa lúa là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, một trong ba châu thổ bị uy hiếp nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Những nghiên cứu về kiến tạo khu vực Đông Nam Á còn cho thấy biển đảo Việt Nam tiếp giáp với các vùng nguồn có thể gây nên sóng thần trên Biển Đông.
Báo cáo “Nghiên cứu khoa học và công nghệ về biển đảo”, và báo cáo “Vai trò của khoa học và công nghệ với bảo vệ và phát triển biển đảo” sẽ giới thiệu các công việc cần, đã và đang được tiến hành, các kết quả nghiên cứu nổi bật của cộng đồng khoa học Việt Nam về biển đảo và tác động của những hiện tượng tư nhiên đến bờ biển và biển đảo Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, nhiều công trình khoa học được công bố cho thấy nhiều nhà khoa học Trung quốc nghiên cứu khá sâu về Biển Đông, về thủy triều ở nơi này và trong Vịnh Thái Lan, về sự hình thành châu thổ sông Mekong, về luồng vào cửa Định An của sông Hậu, v.v… Đây là những nghiên cứu vô tư vì khoa học hay có cả chủ đích “ngoài khoa học” là một điều đáng được lưu ý.
Gần đây Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nghiên cứu, khảo sát và đo đạc tại Biển Đông. Một chủ trương được đôi việc, vừa tranh thủ chất xám và phương tiện của các nước, vừa thể hiện dấu ấn và sự hiện diện trên thực tế của họ ở Biển Đông.
Trung Quốc đã thành lập một cơ sở khảo cổ dưới đáy biển, một trạm nghiên cứu và một bảo tàng quốc gia dưới đáy biển mà đối tượng nghiên cứu chính là Biển Đông, và đã “tự phong” cho mình nhiệm vụ dự báo KTTV cho cả vùng biển này.
Không rõ các cơ sở này sẽ làm được gì cho khoa học, nhưng ý đồ chính trị, làm cho dư luận quen dần với sự hiện diện, với trách nhiệm “hiển nhiên”của Trung Quốc gắn liền với “đường lưỡi bò” là quá lộ liễu.
Trên thực tế, trước mắt cái được gọi là “khảo cổ” chỉ là khai quật các tàu đã chìm trong Biển Đông, coi đó là tài sản của Trung Quốc. Thực chất đây là một hành động “hôi của”.
Nhưng thâm sâu hơn, với các công trình “khảo cổ” như vậy, Trung Quốc cố gắng tạo dựng nên “con đường tơ lụa trên biển”, và bước tiếp theo là vận động UNESCO công nhận “di sản văn hóa” này của nhân loại. Thâm hiểm, Trung Quốc tìm cách “chứng minh” là từ đời nhà Tần, nhà Hán, Trung Quốc đã khai thác Biển Đông như là lãnh hải của Trung Quốc (4). Nghĩa là yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là có cơ sở.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông |
Mong rằng Chính phủ sẽ làm những gì cần thiết để UNESCO và các nước thành viên không cho phép Trung Quốc lạm dụng và làm ô uế các từ cao đẹp là giáo dục, khoa học và văn hóa.
Nhìn Việt Nam như một hệ thống thì biển đảo là một phân hệ, đất liền là một phân hệ và vùng ven biển là giao diện giữa hai phân hệ trên. Giữa các phân hệ và giao diện có mối tương tác. Nghiên cứu một phân hệ, để đầy đủ, cần nhìn đến sự tương tác với các phân hệ khác thông qua các giao diện.
Dải đất miền Trung nhìn chung hẹp về chiều ngang, độ dốc khá lớn. Diện tích đồng bằng của các sông nhỏ. Mật độ dân số và tỷ lệ dân số sống nhờ vào biển khá cao.
Phá rừng trên thượng nguồn sẽ mang lại nhiều tai họa cho hạ du, đặc biệt nạn rửa trôi, xói mòn, lũ quét và lũ lụt. Địa hình lòng sông, cửa sông và đường bờ biển sẽ biến động mạnh.
Khai thác thủy điện ở những nơi có thế nước cao là cần cho nền kinh tế, nhưng nếu không có quy hoạch nghiêm túc sẽ là tai họa (5).
Khai thác titan không quy hoạch cẩn thận, xây dựng khu công nghiệp trên các dải cát ven biển như ở một số địa phương duyên hải đang làm, có nguy cơ sẽ phá vỡ thế cân bằng địa mạo vốn rất mong manh với gió biển.
Đó là những điều bức thiết cần khuyến cáo không được làm để sự phát triển vùng ven biển Miền Trung được bền vững.
Theo số liệu thống kê, vùng ven biển nước ta có dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào, với khoảng 27 triệu dân (bằng khoảng 30% dân số cả nước) và khoảng 18 triệu lao đông. 58% dân cư vùng ven biển chủ yếu sống dựa và nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Dự báo các con số này sẽ lần lượt là 30 triệu và 19 triệu vào năm 2020.
Biển đảo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam |
Nhiều văn bản và nghị quyết của Đảng và Nhà nước khẳng định quan điểm người dân là động lực và mục tiêu của phát triển.
Các báo cáo của Bộ ngành có liên quan và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chắc chắn sẽ đề cập đến vấn đề dân số vùng ven biển và tại các hải đảo; kế sinh nhai, cuộc sống của người dân nơi đây; đâu là những thách thức cần được giải quyết và vị trí của người dân biển đảo trong chiến lược biển Việt Nam.
Với 331.000 km2 đất liền và khoảng 1 triệu km2 lãnh hải, nền kinh tế Việt Nam gồm có kinh tế đất liền và kinh tế biển, đại dương gắn kết với nhau và bổ sung cho nhau.
Trong cuộc họp Thượng đĩnh APEC lần thứ 12 năm 2004 tại Chile, các chuyên gia cho rằng kinh tế biển và đại dương bao gồm 9 lĩnh vực trọng yếu: (1) Khoáng sản (dầu khí); (2) Nguồn lợi sinh vật, kể cả thực vật biển; (3) Vận tải biển (hàng hải, cảng, đóng tàu); (4) Phòng thủ (an ninh quốc phòng - dịch vụ quốc gia); (5) Công trình biển (công trình bảo vệ bờ, phục hồi, lấn biển); (6) Du lịch, nghỉ dưỡng; (7) Chế tạo và chế biến; (8) Dịch vụ biển; (9) Nghiên cứu biển và giáo dục.
Nhiều nội dung trong 9 lĩnh vực trên đây rất gần với chủ đề “Khoa học và công nghệ với sự nghiệp bảo vệ và phát triển biển đảo”.
Nhiều nghiên cứu cho thấy Biển Đông giàu về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên sinh học, thủy sản nói riêng (6). Để khai thác được các tài nguyên này, cùng với an ninh - quốc phòng, nền kinh tế phải đủ sức vươn ra đến biển đảo và làm giàu cho biển đảo và từ biển đảo.
Nhiệm vụ của ngành công nghiệp nói chung, cơ khí nói riêng, là rất nặng nề. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng ngành này khó có thể lớn lên để gánh vác trọng trách khi còn thực hiện tổng thầu EPC như đang làm hiện nay.
Một báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội trước Quốc Hội đưa ra nhiều con số đáng suy ngẫm. Tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, trong đó có 30 dự án trọng điểm quốc gia. Nhiều nghiên cứu nghiêm túc có số liệu thống kê đi kèm, được nhiều nguồn xác nhận, cho thấy khi các nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu EPC, thì họ làm tất, từ lao động giản đơn đến công nghiệp phụ trợ. Có nghĩa là hầu hết giá trị tăng thêm họ đều thâu tóm tất (7).
Các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu vì họ chào giá thấp, nhưng sau một thời gian triển khai trầy trật họ lại xin nâng giá thầu, viện nhiều lý do. Thống kê cũng cho thấy hầu hết các dự án EPC Trung Quốc đều bị chậm so với tiến độ từ vài tháng đến 2 – 3 năm (8). Chọn EPC Trung quốc vì giá thấp (tiêu chí đầu tiên, cho dù công nghệ không tiên tiến) nhưng rốt cục chưa chắc giá thầu đã thấp, thời gian lại kéo dài mà lại đánh mất cơ hội nhập công nghệ mới. Rất cần tính toán lại!
Mặt khác, không hiểu đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay vì có chủ ý, nhiều dự án đầu tư, nhiều tổng thầu EPC mà Trung Quốc trúng thầu đều nằm ở các vị trí chiến lược về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng.
Tại cuộc hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”, gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá tình trạng lệ thuộc trong mối quan hệ xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với VN là nặng nề, trong khi đó sản xuất nông nghiệp, từ vật tư đầu vào đến thị trường đầu ra đều bị Trung Quốc thao túng.
Lý do từ Trung Quốc đã đành, nhưng còn lý do chủ quan: “lười” tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, đa phương hóa thị trường, tự bằng lòng với giải pháp dễ cho dù phải ở bậc dưới thấp của chuỗi giá trị.
Phải vực dậy nền kinh tế hậu phương đất liền mới có thể phát huy được tiềm năng biển, phát triển kinh tế biển đảo và phát triển cả nền kinh tế Việt Nam.
Có quá hay không khi khẳng định rằng muốn vậy, phải tuyệt dối không để lệ thuộc (khác hẵn với “tương thuộc” nghĩa là phụ thuộc lẫn nhau) về kinh tế là điều bức thiết phải làm, và cần được thể hiện cụ thể, căn cơ trong chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.
Người Việt ở Nhật biểu tình phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam |
Sau cùng Biển Đông có vị trí địa chính trị rất độc đáo: nằm giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, là cửa ngõ tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (9). Vào năm 2050, sẽ có trên 7 tỉ trên tổng số 9 tỷ dân thế giới sống ở khu vực này.
Với vị trí địa chính trị như vậy, với tiềm năng kinh tế của Biển Đông như đã nói trên, cộng với sự trỗi dậy không hòa bình và yêu sách của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, phải chăng đó là lý do khiến Biển Đông trở thành một “chảo lửa” trong những thập niên sắp tới?
Phải trụ vững để đứng đầu sóng. Việt Nam phải là một quốc gia mạnh về biển và từ biển. Muốn vậy, nhất thiết phải có một chiến lược nước mạnh về biển trong đó có chiến lược biển đảo./.
(2) Ông Ramsey CLARK đã đệ đơn từ chức vì bất đồng chính kiến với Tổng thống Lyndon B. JOHNSON trong việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam.
(3) Cao Chí Quốc là thẩm phán Tòa án luật biển quốc tế, giám đốc Sở nghiên cứu và phát triển biển thuộc Cục hải dương Quốc gia Trung Quốc; Cổ Binh Binh, thành viên Hiệp hội luật pháp quốc tế, giáo sư Luật quốc tế Đại học Thanh Hoa.
(4) Ngày 01.06.2014, Tướng Vương Quán Trung, Trưởng đoàn TQ tại Diễn đàn Shangri-La 2014, trả lời chất vấn của phóng viên nước ngoài về đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) đã nói: “Đường chín đoạn Trung Quốc“ đã có từ 2.200 năm” nhưng phải đợi đến năm 1949 TQ mới công bố” và “Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) không áp dụng đối với các đảo và biển ở biển Đông”.
(5) Từ năm 2012 đến nay, gần ba năm, đã có nhiều đập thủy điện ở miền Trung bị vỡ. Ngày 02.08.2014, đập thủy điện Ia Krel (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) bị vỡ lần thứ 2, lần đầu vào tháng 6.2013. Những đập khác bị vỡ là Đakrong 3 (7.10.2012), Dak Mek 3 (22.11.2012). Thân đập Sông Tranh 2 có hiện tượng bị dò rĩ tháng 3.2012 và tháng 7.2013..
(6) Theo Bloomberg: (1) Dưới thềm biển, có khoảng 190 ngàn tỷ foot khối (cubic foot) khí đốt. Con số này sẽ thỏa mãn nhu cầu về khí đốt của Trung Quốc trong một thế kỷ. (2) Ngoài khí đốt, tiềm năng của Biển Đông còn nằm trong số 11 tỷ thùng dầu (barrels) dự trữ, đủ để cung cấp nhu cầu về dầu hỏa của Trung Quốc trong 5 năm. Thị giá của dự trữ tính theo $100 mỗi thùng là 1,100 tỷ US đô la. (3) Lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông lên đến 5.3 ngàn tỷ US đô la mỗi năm. Lực lượng nắm giữ quyền kiểm soát có thể thu tô hay tạo những khủng hoảng chiến lược trị giá vô kể cho quyền lực kinh tế. (4) Số lượng hải sản đánh bắt từ Biển Đông có thể lên đến 10% lượng cung của toàn thế giới. Hiện nay, 10% tương đương với 6 tỷ hay 600 tỷ cho 100 năm.
(7) Tại nhà máy alumin Lâm Đồng gói thầu là 466 triệu USD, giao thầu phụ cho Việt Nam 170 tỷ đồng (chưa tới 8 triệu USD). Còn nhà máy alumin Nhân Cơ có giá trị hợp đồng là 499 triệu USD, thì giao thầu phụ Việt Nam là 53 tỷ đồng (2,5 triệu USD). Ở Châu Phi, trong những dự án nông nghiệp Trung Quốc còn đưa cả dân sang để canh tác.
(8) Trong lĩnh vực nhiệt điện 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu. Theo thông tin từ Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, hầu hết đều chậm tiến độ. Các nhà máy nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, Nông Sơn chậm 20 tháng, Cao Ngạn chậm 28 tháng, Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng, Hải Phòng 1 và 2 chậm 18 tháng, Quảng Ninh 1, 2 chậm 24 tháng, v.v. …
(9) Biển Đông là vùng biển có 1 trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất trên thế giới đi qua. Giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới (sau Địa Trung Hải). Biển Đông rất quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực xét về vị trí địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế. Với Mỹ là tuyến hoạt động chính của Hạm đội 7, có 90% hàng hóa của Mỹ và hàng hóa đồng minh chuyên chở qua Biển Đông. Với Trung Quốc hàng năm nhập 160 triệu tấn dầu thì 50% dầu nhập và 70% hàng hóa qua Biển Đông. Với Nhật Bản 70% lượng dầu nhập khẩu và 42% lượng hàng hóa xuất khẩu chuyên chở qua Biển Đông./.